Ba tài nữ, một thế hệ
Có một kỷ niệm với Thanh Ngoan: Khi tôi đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2005, Hội tổ chức một đêm giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
1.Hôm ấy Nhà hát Chèo Việt Nam diễn ở Cung thiếu nhi Hà Nội vở “Hoàng tử có đôi tai bò”. Hội trường Cung thiếu nhi không còn một chỗ trống. Đấy là đầu năm 1986, người xem hoàn toàn bất ngờ vì trên sân khấu xuất hiện một dàn diễn viên trẻ măng và xinh tươi. Đúng với không khí của năm đầu thời kỳ đổi mới, một làn gió mới cũng tràn đầy vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Trên sân khấu, một con mụ chanh chua đáo để cứ mẹ mẹ con con với một cô gái. Bà Thúy Lan, biên tập âm nhạc nước ngoài của Đài Tiếng nói Việt Nam ngồi cạnh tôi vừa cười vừa bình khẽ: Mẹ gì mà trẻ thế. Người xem cũng cười rộ vì con mụ này.
Đến nhân vật mẹ mà còn trẻ thì biết là dàn diễn viên ấy mới mẻ thế nào. Tôi nhớ phong cách Thanh Ngoan bắt đầu từ nhân vật mụ mẹ đáo để ấy. Giọng ca lanh lảnh chuông vàng. Sau này còn thấy lại chất Thanh Ngoan trong vai mụ chủ quán Hồng Châu của vở “Hồ Xuân Hương”. Đong đưa, chao chát, lúng la lúng liếng. Một vai nữa cũng khiến người xem nhận ra phong cách khác của Thanh Ngoan là trong trích đoạn “Tuần Ty Đào Huế”. Thanh Ngoan vào vai bà vợ từ trong Huế ra Bắc đánh ghen vì nghe tin chồng có vợ bé. Bà vợ mặc áo dài tím Huế, bên trong ghen tuông sôi sùng sục, nhưng bên ngoài thì lúc đầu kìm nén, chì chiết mát mẻ, về sau mới nổ bùng ghê tợn.
Sau này Thanh Ngoan còn hát văn, hát xẩm, loại hình nào cũng ra một chất riêng. Đặc biệt diễn hài thì thật là tinh nghịch. Thanh Ngoan tung tẩy khuynh đảo cả sân khấu trong vai bà bói tinh quái trong “Bói ông bói bà”. Cứ thế mà cười khanh khách, mà hát véo von, mà bày trò biến hóa, đưa đối thủ vào bẫy. Sau này làm đạo diễn, chị cũng đưa được “chất Thanh Ngoan” vào những vở như “Trinh phụ hai chồng”, “Áo khoác da người”.
Có một kỷ niệm với Thanh Ngoan: Khi tôi đang là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2005, Hội tổ chức một đêm giao lưu với sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Lúc ấy tôi đang mê cái đĩa CD “Xẩm Hà Nội” của nhóm xẩm Thanh Ngoan, nên giảng viên Nguyễn Thị Minh Thái và tôi mời nhóm đến hát cho sinh viên nghe.
Chỉ có điều thù lao thì chỉ tượng trưng thôi. Ấy thế mà không nề hà, vui vẻ nhận lời. Đêm thứ bảy, hát xẩm xong ở phố đi bộ trước chợ Đồng Xuân, cả ê kíp tức tốc phóng đến hội trường Đại học Quốc gia. Các nhà thơ lên đọc thơ. Còn nhóm Thanh Ngoan “hát thơ”. “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính theo điệu xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thập ân. “Giăng sáng vườn chè” cũng của Nguyễn Bính theo điệu xẩm tàu điện. “Tiễn chân anh Khóa xuống tàu” của Á Nam Trần Tuấn Khải. Mấy bài xẩm quả là độc đáo trong một chương trình thơ với sinh viên hôm ấy. Với văn chương, Thanh Ngoan vốn là một độc giả tinh tường.
2.Trở lại với vở “Hoàng tử có đôi tai bò”. Người xem rất hưởng ứng phong cách tươi mới của dàn diễn viên trẻ. Thực ra họ đã “ra lò” từ năm 1983 ở Nhà hát Chèo Việt Nam, nhưng bừng lên rực rỡ từ thời Đổi mới. Tuy vậy có lẽ ít khán giả hôm ấy ngờ rằng từ dàn diễn viên ấy về sau sẽ xuất hiện nhiều nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt có ba nữ nghệ sĩ nổi danh tài sắc. Đấy là Vân Quyền, Thúy Ngần, Thanh Ngoan.
Thời gian vở “Hồ Xuân Hương” công diễn, tôi đang ở nước ngoài, chỉ được nghe trọn vở qua băng cassette từ nhà gửi sang. Nghe đi nghe lại đến thuộc lời. Sau này, tôi có nói với anh bạn Trịnh Lê Văn là trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam nên truyền hình trực tiếp vở này. Văn có băn khoăn rằng đấy là vở chèo “cải tiến”. Nhưng quan điểm của tôi là các làn điệu vẫn phảng phất chèo cổ chứ không hoàn toàn biến chất. Hơn nữa, mười sáu năm trôi qua rồi, không truyền hình trực tiếp nhanh nhanh lên thì các diễn viên cũng “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Sau đó ít lâu, đúng là đài truyền hình đã đưa vở ấy lên Nhà hát truyền hình. Tôi có đi xem hôm truyền hình trực tiếp ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vân Quyền sau mười sáu năm sống trong “Hồ Xuân Hương”, vẫn đằm thắm, có chút đài các, vẫn đầy tâm trạng khi tự sự: “Cổ Nguyệt Đường rêu phong cửa khép, chỉ còn lại mình ta trong sầu muộn cô đơn, hai mươi bảy xuân đời trong ảo vọng, khăn xô hai lượt vấn tang chồng…”. Rồi hát lên ngâm lên bài thơ của nữ thi sĩ, thật là da diết bi thương: “Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi, cái nợ ba sinh đã trả rồi…”
Trước đấy và sau đấy, Vân Quyền thường là đào chính trong nhiều vở diễn, tất thảy đều tròn vai, thể hiện sự đa dạng trong diễn xuất và được người xem ghi nhận. Sự hóa thân của Vân Quyền cũng đa dạng, khi là nữ pha, khi là nữ chín như Hồ Xuân Hương, khi thì nữ lệch như Thị Mầu. Người ta nhớ chị trong “Chuyện tình những năm ‘80”, “Hoàng hậu Ba Tư”, “Nàng chúa Ba”, “Kính chiếu yêu”… Đầu những năm 1990, Vân Quyền còn nổi bật là một cô đào trẻ phục dựng những giá đồng, biến hóa trong chốc lát thành những cô Bơ thủy cung, cô Đôi thượng ngàn, cậu hoàng Bơ, cậu Hoàng Mười… Vân Quyền thuộc số những nghệ sĩ đầu tiên phục dựng thành công một loại hình nghệ thuật đặc sắc, xua tan định kiến khi ấy, coi đó là một hình thức mê tín dị đoan.
3.Người thứ ba trong bộ “ba cô”, tạo thành thế chân kiềng của một thế hệ đào chèo trong nhà hát là Thúy Ngần. Điều này thì người xem đã nhắc đi nhắc lại mãi rồi, như một sự khẳng định vững chắc: nói đến Thúy Ngần là nói đến vai Xúy Vân giả dại. Một tổng thể hài hòa giữa hát và múa, giữa giọng ca và vũ đạo. Người ta nhớ cặp mắt, sắc mặt, nhớ thần thái nàng Xúy Vân của Thúy Ngần. Và ám ảnh mãi với những ngón tay biến hóa khôn lường. Không chỉ là kỹ thuật nữa mà nó đã thành thục đến mức những ngón tay ấy và những vũ đạo ấy cùng giọng cười tiếng hát đã như có… ma. Vai diễn của Thúy Ngần đúng là đã tỏa ra ma lực.
Cũng như hai tài nữ kia, Thúy Ngần còn nhiều vai diễn quan trọng và khi khán giả xem chị diễn thì chỉ còn biết tấm tắc, quả là danh bất hư truyền. Chị chủ yếu thành công trong những vai nữ chín như Thị Kính trong “Quan Âm Thị Kính”, Tấm trong “Tấm Cám”, Cô gái trong rừng trong vở “Hoàng tử có đôi tai bò”, Lụa trong vở “Từ Thức”, Cô Bến trong “Vua Chổm”, Quỳnh trong “Nỗi đau tình mẹ”, vợ thầy Khóa trong “Trạng Lợn”, Nàng Cóc vở “Trê Cóc tranh con”, Hoàng hậu vở “Gươm báu truyền ngôi”… Sau hai mươi lăm năm nổi bật trên sân khấu, Thúy Ngần chuyển sang làm cô giáo ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, miệt mài truyền nghề cho các thế hệ đàn em đàn cháu.
Không chỉ là ngôi sao trên sân khấu chèo, ba tài nữ này còn là những nhà quản lý có uy tín. Thúy Ngần nguyên là Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Vân Quyền từng là Trưởng đoàn 2 Nhà hát Chèo Việt Nam. Còn Thanh Ngoan nhiều năm là giám đốc nhà hát “anh Cả” của nghệ thuật chèo Việt Nam.
Bây giờ, các vở diễn và bài ca của ba nghệ sĩ này luôn sẵn có trên mạng, nhưng tôi vẫn lưu giữ những băng cassette những đĩa CD một thời của các chị. Bài viết chỉ đóng khung lại trong ấn tượng về ba nữ nghệ sĩ cùng một thế hệ của Nhà hát Chèo Việt Nam. Thế hệ này là cầu nối xuất sắc giữa những thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu đi trước với những thế hệ sau họ. Công chúng biết ơn các nghệ sĩ khi mà trong thời buổi chất chèo đang ít nhiều phai nhạt thì Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn giữ được phong cách của mình: chèo phải là chèo. Không nệ cổ, nhưng luôn giữ được chất truyền thống, chèo ở đây không lai với kịch nói, không lai với truyền hình.
Đấy là điều khiến công chúng luôn lưu giữ tình cảm mến với “ba cô” và tiếp tục đến với Nhà hát Chèo Việt Nam.