Bản sắc dân tộc với người nghệ sĩ
Còn nhớ cách đây khoảng hai, ba chục năm, những lần đầu tiên tôi đọc được cụm từ “bản sắc dân tộc” trong bài viết của nhà thơ Trinh Ðường nhận xét về thơ tôi khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, ông cho rằng thơ tôi mang đậm bản sắc Tày. Sau đó ông cho đăng bài đó trên báo Văn nghệ với cái tên “Bản sắc dân tộc trong thơ Dương Thuấn”.
Năm 1992 khi Trường viết văn Nguyễn Du in tập thơ “Đi tìm bóng núi” của tôi, lúc đó PGS.TS Phạm Vĩnh Cư - Phó hiệu trưởng, cùng nhà văn Tạ Duy Anh đã lấy bài viết đó làm lời giới thiệu. Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, Tạ Duy Anh và tôi ở lại trường giảng dạy môn sáng tác, tôi đã đề xuất mở hội thảo “Tính dân tộc trong thơ”...
Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu, giáo sư nổi tiếng hăng hái viết bài tham gia phát biểu ý kiến. Đặc biệt hơn là từ cuộc thảo luận đã bắt đầu một cuộc tranh luận sôi nổi trong thời gian dài trên báo chí. Phạm vi trao đổi không chỉ dừng lại ở thơ nữa, còn tranh cãi bản sắc dân tộc là gì? Bản sắc dân tộc có thật hay không, hay là người ta chỉ nghĩ ra vậy thôi? Phải chăng bản sắc dân tộc chỉ do các nhà văn tự nghĩ ra và tự đề cao nó?
Suốt mấy năm liền trên báo trao đổi về bản sắc dân tộc nhưng dường như chưa ai định nghĩa về thuật ngữ khái niệm một cách đầy đủ hoặc khái quát hoàn chỉnh. Duy có một điểm chắc chắn các nhà nghiên cứu nhắc lại, bản sắc dân tộc trong văn học nó thể hiện rất rõ ở ngôn từ và phong cách tác giả.
Nguồn gốc bản sắc dân tộc không phải là đứng yên mà luôn tồn tại trong sự phát triển. Trong bối cảnh hội nhập giữa các dân tộc, bản sắc dân tộc phát triển rất nhanh hiện nay nếu không tồn tại trong sự phát triển thì chắc chắn rằng một dân tộc nhỏ hơn dễ dàng là bị một dân tộc lớn hơn đồng hóa. Chính bản sắc dân tộc làm nên sức sống của văn học nghệ thuật cũng như bộ mặt đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Nhiều năm qua, nhiều lúc tôi nhận thấy người ta đã nhầm tưởng bản sắc dân tộc là trang phục, phong tục, tập quán, món ăn...
Thực ra đó chỉ là những cái đơn giản thể hiện ở bề ngoài. Nếu nhìn nhận một cách thiển cận sẽ rất dễ nhận biết ngay bên ngoài bề mặt biểu hiện đó. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, vấn đề hoàn toàn không phải như vậy. Sức sống và sự tồn tại phát triển của bản sắc dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào các cá nhân nghệ sĩ trong từng thời kỳ lịch sử. Như khi ta muốn chứng minh với thế giới, dân tộc Việt Nam có văn hóa truyền thống thì phải chứng minh bằng các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...
Ở mức độ nào thì vẫn có nhiều người không hiểu đúng bản sắc của dân tộc. Dân tộc phải được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn tức là tư duy triết học của mỗi dân tộc. Nó hoàn toàn không ở mức độ trực tiếp mà đạt tới tính năng nhận thức rất cao, thể hiện qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Hay nói một cách cụ thể hơn là bản sắc dân tộc có sẵn kết nối trong mỗi nghệ sĩ, đồng hành với sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Từ đấy mà suy xét thì nhiệm vụ của cá nhân từng nghệ sĩ đối với công việc bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc là vô cùng lớn lao.
Trong tình hình thực tế của xã hội miền núi hiện nay, vai trò của nghệ sĩ ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với công việc bảo tồn và phát triển bản sắc dân tộc. Nếu ví nhà văn với người dân thì bút là cái cày, ngôn ngữ là cánh đồng, bản sắc dân tộc là khí trời và nắng ấm, rất cần cho sự hợp tác của cây xanh là quang hợp...
Tác phẩm nghệ thuật cũng giống như một cơ thể sống, nó chỉ thực sự tồn tại đúng như nguồn gốc, chất lượng của nó khi được sống trong cộng đồng dân tộc. Hay nói một cách khác, là nhà văn, tác phẩm của anh chỉ hay nhất là khi viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà văn Tô Hoài, Nông Quốc Chấn... Biết tôi sáng tác bài hát và làm thơ bằng tiếng Tày, cả hai ông đều nói hãy sáng tác bằng tiếng Tày nhiều hơn. Quả thật những tập thơ viết bằng tiếng Tày của tôi vẫn được người ở quê hương biết đến nhiều hơn. Tôi đã tìm hiểu khá nhiều nhà văn trên thế giới cũng sáng tác bằng song ngữ.
Tagore ở Ấn Độ sáng tác bằng cả tiếng Anh và tiếng Hin-đi, một số nhà văn châu Phi sáng tác bằng tiếng thổ dân và tiếng Pháp, nhà thơ Ðaghetxtan Raxun Gamzatốp sáng tác bằng cả tiếng Avar và tiếng Nga. Nhưng họ thành công hơn cả vẫn là sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Một thực nghiệm tự thân, bản chính là mỗi khi sáng tác bằng tiếng Tày, tôi cảm thấy diễn đạt được toàn bộ ý tưởng của mình và sử dụng các từ để biểu đạt cũng chính xác hơn...
Để tồn tại và phát triển sắc tộc, trách nhiệm của mỗi nhà văn phải sáng tạo không ngừng về ngôn ngữ, góp phần cho ngôn ngữ của dân tộc mình phát triển. Với một quốc gia văn tự quan trọng như thế nào thì nhà văn sáng tác bằng tiếng dân tộc cũng cảm thấy công việc của mình quan trọng như vậy. Việc thể hiện bằng tiếng dân tộc và trình độ phát triển văn hóa của từng dân tộc là rõ nhất.
Tôi đã nhiều lần nhận được những lá thư độc giả gửi từ nhiều nơi hỏi về công việc đó. Khi là thư gửi từ Chợ Ðồn (Bắc Kạn), khi từ Trùng Khánh (Cao Bằng), khi lại từ Cao Lộc (Lạng Sơn); khi thì từ Đắk Lắk... Họ gửi những lá thư rất cảm động để xin những tập thơ viết bằng tiếng Tày. Tôi nhớ mãi một bà mẹ là di dân từ vùng Việt Bắc vào tỉnh Bình Phước, khi có người ra Bắc bà không quên nhờ người đó xin tôi một tập thơ tiếng Tày. Hoặc nhà thơ - cựu chiến binh Mỹ Bruceweigl sang Việt Nam gặp tôi và bày tỏ mong muốn tôi dịch thơ tiếng Tày cho ông nghe....
Một người đi trước thường hay cập nhật chủ đề sáng tác bằng tiếng dân tộc trong các bài viết của mình là cố nhà thơ Nông Quốc Chấn. Tôi cho điều đó hoàn toàn đúng. Còn gì sung sướng hơn khi được sáng tạo bằng tiếng mẹ đẻ. Với độc giả cũng không có gì thích thú hơn khi được thưởng thức tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ.
Theo tôi nghĩ đối với những người là dân tộc thiểu số, khi bắt đầu sáng tác cần phải trau dồi tiếng mẹ đẻ. Phải đặt bút sáng bằng tiếng mẹ đẻ trước khi sáng tác bằng tiếng phổ thông. Và hãy nhớ rằng dân tộc mình cũng có chữ viết, và biết bổn phận của nhà văn là bảo quản và làm cho ngôn ngữ của dân tộc mình phát triển. Tác phẩm văn học chỉ thực sự độc đáo khi viết bằng tiếng dân tộc mình.
Bản sắc dân tộc tồn tại và phát triển do đóng góp của các nghệ sĩ nhưng phải là bồi đắp của nhiều thế hệ. Từng thế hệ kế tiếp nhau sẽ sáng tạo và làm dày thêm bản sắc của dân tộc mình. Bản sắc tộc mang tính khái quát rất cao nhưng cũng mang đậm dấu ấn của cá nhân. Cần phải hiểu cho đúng, đó là trí tuệ và tâm hồn của dân tộc được đúc kết qua nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.
Từ các nghệ sĩ hôm qua cho đến các nghệ sĩ hôm nay đã sáng tạo liên tục, tạo thành những dòng chảy văn hóa. Phương Đông hay là phương Tây, thực ra đó cũng chỉ giống như quê anh hay là quê tôi. Hoặc nói rõ hơn dân tộc của anh hay là dân tộc của tôi? Quan niệm như vậy sẽ làm phong phú thêm văn hóa của cả nhân loại.
Trong thời đại hiện nay miền núi cũng đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sợ nhạt màu hoặc mất đi bản sắc dân tộc hay không? Điều đó cũng có thể, nếu các nghệ sĩ không nhận thức được thiên chức sáng tạo của mình. Một vấn đề đặt ra là văn nghệ sĩ phải xác định đúng vai trò và trách nhiệm cao cả đối với dân tộc.