Nhà báo Thái Duy - sống như là viết
Có thể “tổng kết” về nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân: Đi trọn những chiến dịch quan trọng nhất của hai cuộc chiến tranh giữ nước, từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ghi nhận và phản ánh 10 kỳ Đại hội Đảng, 10 nhiệm kỳ Quốc hội nước Việt Nam. Hơn 60 năm cầm bút, chỉ một chức danh: Phóng viên. Sự kiện nào ông cũng có đầy đủ nguồn tài liệu quan trọng nhất (các nhà báo khác thường phải xin thông tin mà ông có). Cách đây mấy mươi năm, ông là người gọi tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”.
Ông già mặc bà ba đen
Cuối năm 1964, ông xuất hiện giữa rừng miền Đông Nam Bộ như một ông già, dù năm đó chưa qua tuổi tứ tuần, sau 6 tháng lội Trường Sơn. Trán cao, tóc đen, mày rậm, nghiêm nghị. Trang phục thường ngày của ông là bộ bà ba đen bằng lụa Hà Đông hay lụa Hàng Châu, Trung Quốc viện trợ không rõ. Nếu thay đôi dép râu đen bằng đôi guốc vông quai nhựa trắng, trông ông như một trí thức Hà Nội của những năm 1930.
Ông ở trong căn nhà lợp lá trung quân với phương tiện hành nghề duy nhất là chiếc radio bắt được các đài phát thanh trên thế giới. Ông cùng các nhà báo Kỳ Phương, Tâm Trí Báo Cứu Quốc chuẩn bị xuất bản Báo Giải Phóng - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra số đầu tiên ngày 20/12/1964, đánh dấu một thời kỳ mới của cách mạng miền Nam.
Trong mắt chúng tôi, những thiếu niên vừa rời ghế nhà trường vào chiến khu, ông là cây cao bóng cả. Chúng tôi gọi ông bằng chú Hai. Dạo đó ở rừng, ngày ba bữa cơm gạo hẩm với mắm chao - một loại mắm cá sông ủ muối lâu ngày đắng ngắt, hoặc cơm độn đậu xanh và thức ăn cũng là đậu xanh hay bí đỏ… kho. Ông thường xin chị nuôi “chiếu cố” cho một khúc khoai mì nướng. Món một triền miên năm này tháng nọ như vậy để cầm cự khi đói lòng và chống chọi với bệnh tật, với người khác đã là quá sức chịu đựng, chưa nói đến chuyện nghĩ và viết, vậy mà ông vẫn đi chiến trường, vẫn viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lòng quả cảm của tuổi trẻ, về tình yêu bất hủ, trong đó có tác phẩm “Sống như anh”.
Giờ đây ông không còn mặc bộ bà ba lụa đen thuở nào như ở rừng miền Đông, nhưng với tôi, ấn tượng về con người Hà Nội - dù ông sinh ra ở Bắc Giang - không phai mờ.
Mười lăm ngày cho “Sống như anh”
Ông vào tới Nam bộ thì có ba sự kiện diễn ra cùng lúc: Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua các Lực lượng Vũ trang nhân dân miền Nam lần thứ nhất, Đại hội Thanh niên giải phóng miền Nam, Đại hội Phụ nữ giải phóng miền Nam. Nhiều nhà văn, nhà báo được phân công tiếp cận và viết về một nhân vật sẽ báo cáo thành tích trong các đại hội ấy. Ông được phân công viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - nhân vật vừa hy sinh, đồng đội chẳng có ai.
Cơ sở cách mạng ở Sài Gòn kịp thời đưa Phan Thị Quyên, người vợ mới cưới của Nguyễn Văn Trỗi vào chiến khu. Một hôm, ông Bùi Kinh Lăng, thường trực Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục - đơn vị có một thời mang tên rất thơ mộng: Lãng Bạc, để cho những ai từ Bắc vào Nam chiến đấu có chút dư vị quê nhà - phổ biến lệnh của cấp trên yêu cầu Thái Duy gặp Phan Thị Quyên để viết về Nguyễn Văn Trỗi trong vòng 15 ngày. Ông được phục vụ đặc biệt, bữa cơm có chút thịt heo hay thịt gà, mỗi ngày có trà, cà phê, sữa.
Ông nghe chị Quyên kể về hạnh phúc ngắn ngủi của đời mình, cách sống và ứng xử tinh tế, đầy yêu thương của anh Trỗi với những người thân trong gia đình, những giây phút cuối cùng của anh trước pháp trường. Vài hôm sau, có thêm chị Nguyễn Thị Châu, người yêu của tử tù Lê Hồng Tư được đưa vào căn cứ bổ sung thêm những gì chị biết về Nguyễn Văn Trỗi và Phan Thị Quyên.
Tác phẩm “Những lần gặp gỡ cuối cùng” hoàn thành sau 15 ngày làm việc liên tục. Bản đánh máy được gửi ngay ra Bắc, không kịp sửa sang gì. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc xong và rất thích thú với cách tiếp cận nhân vật của tác giả. Ông đề nghị đổi “Những lần gặp gỡ cuối cùng” thành “Sống như anh”. Cuốn sách có một đời sống đặc biệt, hàng chục triệu bản được in và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Năm 1969, sau những lần sốt rét hoành hành, mang di chứng, ông phải ra Bắc qua đường bay Phnom Penh trong vai một nhà tư sản. Chuyến trở ra Bắc lần ấy, ông và nhà văn Phan Tứ được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Bác mời cơm và thăm hỏi rất ân cần hai nhà văn đã nhiều năm lăn lộn chiến trường.
Với mạch “Sống như anh”, sau này ông tiếp tục lặn lội ghi chép nhiều tư liệu về những người đồng đội của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đình Chính và bà mẹ Giáo - người dù không sinh thành nhưng đã nuôi dưỡng Nguyễn Đình Chính suốt những năm tháng hoạt động bí mật giữa Sài Gòn và khi bị giam cầm, bị tra tấn dã man trong nhà tù Khám Lớn. Rồi cũng chính ông - nhà báo của những người tử tù đã xuôi ngược khắp mấy mươi tỉnh - thành gặp gỡ, viết về những người tử tù đang sống khó nhọc trong lãng quên của thời cuộc. Ông chính là người đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cho đoàn tử tù ra thăm miền Bắc sau mấy mươi năm đất nước thống nhất.
Biết mười, viết một
Mô hình tập đoàn sản xuất, cải tạo công thương nghiệp, nạn ngăn sông cấm chợ đã đẩy cả nước vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng sau ngày giải phóng miền Nam đến gần chục năm. Trong tình thế ấy, nhà báo Thái Duy có mặt thường xuyên với những người nông dân vẫn ngoan cường bám lấy mảnh đất 5% và dũng cảm “khoán chui” để phản ảnh cách nông dân làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Rồi Đảng có Nghị quyết 100, Nghị quyết 10 “cởi trói” sức sản xuất. Cuộc đổi mới đó đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất nhì thế giới.
Ông thường lấy thực tiễn đời sống dạy chúng tôi cách để tự mình lý giải nó. Ông không lớn lối nhưng mắng nên thân khi nhìn thấy chúng tôi có biểu hiện thiếu gắn bó với đời sống nhân dân, lười đọc, lười học, lười suy nghĩ, dễ dãi trong lao động nghề nghiệp. Ông đọc một bài báo hay, một cuốn sách hấp dẫn thì lẳng lặng photo ra nhiều bản cho chúng tôi, kể cả những cuốn sách lý luận về đổi mới, về cơ chế thị trường và hội nhập với thế giới.
Năm 1986-1987, khi đổi mới bắt đầu manh nha ở nước ta, ông gom góp từng lài liệu riêng lẻ từ Hà Nội gửi vào Sài Gòn cho những người làm báo chúng tôi. Ông viết thư căn dặn kỹ lưỡng vì đây là tài liệu quý, mà ông mượn được. Có lần ông còn bảo đọc phải có thời hạn, phải đúng hẹn thì ông mới “có uy tín” để tìm thêm cho chúng tôi những tài liệu khác. Tất nhiên, có những cuốn sách mà ông thiếu thì yêu cầu chúng tôi gửi gấp cho ông.
Mỗi lần vào Sài Gòn là mỗi lần ông mòn chân đến thư viện. Phát hiện thư viện riêng của chúng tôi và bạn bè có gì lạ, ông xin ngủ ngay trong đó, không cần nệm ấm chăn êm, chỉ cần một cái quạt máy cỏn con và một ấm trà. Đọc, ghi chép và nhớ không thiếu thứ gì. Tư liệu trong các bài viết của ông luôn chuẩn xác cả không gian lẫn thời gian. Khi gửi bài cho các báo, lúc nào ông cũng một câu: “Chúng mày đọc kỹ xem có phù hợp không, nếu đoạn nào khó dùng cứ bỏ”. Cẩn trọng với từng chữ viết và tôn trọng đồng nghiệp dù đáng tuổi con cháu là đặc tính nhất quán của ông. Ông luôn viết với nội dung riêng cho từng báo, bản thảo viết tay trên một mặt giấy, chữ đều tăm tắp, không thiếu nét bao giờ, chừa lề 1/3 trang để thêm bớt, sửa chữa. Ông đọc đi đọc lại bản thảo cho đến khi còn có thể.
Ông có gần như đủ các hồi ký quan trọng của các vị lão thành cách mạng, có cuốn phát hành rộng rãi, cũng có cuốn vì lý do nào đó chưa in ấn công khai. Ông thường tìm trong đó các chi tiết liên quan, những sự thật mà ông còn chưa đủ dẫn chứng cho một bài viết, một quan điểm, nhất là những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước hay những chuyện về lịch sử mà quan điểm còn có khác biệt. Những lý giải của ông bao giờ cũng rạch ròi, chính xác, thuyết phục.
Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:
1/Tập Đoàn Novaland
2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam
4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt
5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank
6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank
7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV
8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam
9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.
10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi