Kích hoạt 'mở cửa' du lịch quốc tế
Sau một thời gian thí điểm ngành du lịch đã sẵn sàng mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để việc mở cửa được “hanh thông” đang cần liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương.
Những tín hiệu khả quan
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách. Đặc biệt, khách du lịch quốc tế tham gia chương trình đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong giai đoạn 1 của chương trình thí điểm cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là khó khăn trong việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế còn chưa linh hoạt.
Khó khăn trong việc quy định du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói trong thời gian tối thiểu 7 ngày, gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày, nhất là các thị trường các nước Đông Âu. Du khách mong muốn được tự do di chuyển và lựa chọn dịch vụ do cộng đồng dân cư địa phương cung cấp, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh…
Vẫn theo Tổng cục Du lịch, chương trình thí điểm chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển, trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua hai hình thức này rất tiềm năng. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10688, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức cho du khách đi du lịch nước ngoài (outbound). Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế chưa khả thi do chưa nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam...
Xây dựng lộ trình vững chắc
Có thể nói, những nỗ lực của ngành du lịch trong thời gian qua đang tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho việc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, cần tháo gỡ những vướng mắc về khâu “thủ tục” để có hướng phục hồi bền vững.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng, vấn đề khó nhất là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành.
Chính vì vậy, chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Cùng đó là xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó đi để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam.
Theo ông Kiên, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta yêu cầu cần bảo hiểm để làm gì? Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm.
Về phía ngành y tế, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, đối với việc mở cửa du lịch, về phía Bộ Y tế, không thể nói là mở ngay bây giờ hay về sau vì nhiệm vụ của y tế là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh.
Ở đây, chúng ta không nên chỉ nói về mở cửa hay đóng cửa, đi lại hay không mà chúng ta phải tiếp cận ở hướng là phòng, chống dịch như thế nào như điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp với phạm vi ít (bao gồm hạn chế đi lại trong nước nhập cảnh)...
Cũng theo bà Hằng, việc đáp ứng còn phụ thuộc vào khả năng phòng, chống dịch mỗi nước. Việt Nam là nước tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới. Việc tiêm vaccine có đặc điểm là dù tiêm nhưng không đảm bảo 100% không mắc, chỉ giảm nguy cơ tử vong, bệnh nặng, trong cộng đồng chúng ta vẫn có người chưa được tiêm. Chúng ta tiêm vẫn phải có biện pháp phòng tránh cẩn thận...
“Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa du lịch càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022” - ông Trần Trọng Kiên nói.