BIDV báo lãi trước thuế 13.500 tỷ đồng năm 2021
Lợi nhuận trước thuế của BIDV hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định.
BIDV cho biết, kết thúc năm 2021, BIDV tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản khối ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,3% so với năm 2020.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ SME và FDI tương ứng tăng 15% và 21%.
BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, trong đó BIDV đã trích đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử.
Chênh lệch thu chi của ngân hàng này dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt 41.759 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế riêng khối Ngân hàng thương mại đạt 12.600 tỷ đồng, tăng 51,3% so với năm 2020, vượt kế hoạch năm 2021 NHNN giao (12.500 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2020. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định.
Có 4 chi nhánh của BIDV mang về lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/chi nhánh là chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Sở giao dịch 1, chi nhánh Thanh Xuân.
Đóng cửa phiên giao dịch 25/1, giá cổ phiếu BID của nhà băng đang ở mức đỉnh lịch sử 49.000 đồng. Cổ phiếu nhà băng này diễn biến tích cực từ đầu năm 2022 với mức tăng 32% trong vòng chưa đến một tháng.