Vừa vui Tết, vừa phòng chống dịch thế nào cho trọn vẹn?

Nguyễn Hoài 27/01/2022 11:34

Nhiều chương trình biểu diễn quy mô nhỏ được tổ chức, hệ thống rạp chiếu phim tại Hà Nội chờ ngày mở cửa, nhiều đơn vị lữ hành rục rịch khai trương các tour tuyến… sẵn sàng phục vụ người dân vui Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày. Nhiều gia đình đã lên kế hoạch vui Tết với các chương trình biểu diễn, chờ đợi ra rạp xem phim hay du xuân bằng những chuyến đi xa. Tuy nhiên khi tham gia các hoạt động này, người dân không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Vui chơi không quên phòng chống dịch

Háo hức ngóng chờ ngày sân khấu, rạp chiếu phim sáng đèn trở lại, chị Nguyễn Hồng Vân (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, sau một năm hối hả với công việc, dịp Tết, gia đình chị thường có thói quen đến rạp xem phim hoặc mua vé xem một show diễn để giải tỏa căng thẳn, lên “dây cót” cho một năm mới thuận lợi.

Năm nay, dịch bệnh các show diễn lớn phải tạm dừng, các rạp chiếu phim tại Hà Nội vẫn chưa có ngày mở cửa nên chị Vân chọn cách vui Tết bằng các chương trình quy mô nhỏ, cho con tham gia các tour khám phá Hà Nội.

Người dân mua sắm Tết tại phố Hàng Mã (Hà Nội).

Theo chị Vân, gia đình đã được tiêm từ 2-3 mũi vaccine phòng Covid-19 nên phần nào yên tâm khi đến chúc Tết họ hàng, bạn bè hay tham gia các hoạt động vui Xuân. Tuy nhiên, chị Vân cũng cho biết: “Dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát nhưng vợ chồng tôi vẫn nhắc nhở con tuyệt đối thực hiện đúng 5K, không chủ quan vui chơi mà quên phòng chống dịch”.

Những năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng đi chơi xa sau ngày mùng 1 Tết, thay vì ở nhà ngập trong cỗ bàn. Và Tết năm nay cũng không ngoại lệ, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, du khách cũng hạn chế những tuyến đường quá xa phải di chuyển bằng phương tiện vận tải công cộng như máy bay thay vào đó là những chuyến đi gần, di chuyển tự túc bằng xe riêng.

Để du Xuân tại Tà Xùa (Sơn La) từ ngày mùng 2 Tết, thời điểm này anh Lưu Ngọc Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) chuẩn bị mua sắm đồ lễ cho nghi thức Tết truyền thống. Anh Phong cho biết: “Nếu như mọi năm, gia đình anh thường chọn du lịch dài ngày bằng chuyến đi xa như Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn… nhưng năm nay, gia định anh quyết định di chuyển trong bán kính gần và tự túc bằng xe gia đình để hạn chế tiếp xúc đông người”.

Theo các công ty du lịch, cùng với du lịch tự túc, du lịch theo tour trọn gói cũng khởi sắc hơn kể từ sau Tết Dương lịch. Xu hướng nhiều gia đình thân quen nhau đặt tour trọn gói từ các đơn vị lữ hành trở nên phổ biến hơn.

Các công ty du lịch cũng đưa ra nhiều gói tour giảm giá từ 20-25%, du khách được hưởng nhiều ưu đãi, không phải lo đặt những dịch vụ lẻ mà vẫn bảo đảm riêng biệt, an toàn.

Tự giác bảo vệ sức khỏe

Kết thúc một năm hối hả công việc, dịp Tết đến ai cũng muốn du Xuân, vui Tết, gặp gỡ chúc tụng nhau nhiều sức khỏe, đem lại năng lượng tích cực trong năm mới. Thế nhưng việc tiếp xúc đông người cũng dễ xảy ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan rộng trong cộng đồng nên chỗ nào cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Vì vậy, PGS.TS Nga khuyến cáo, những người cao tuổi, những người chưa tiêm vaccine hoặc những người tiêm rồi nhưng sức đề kháng kém là nhóm đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh và có thể diễn biến nặng thì không nên đến những nơi tập trung đông người, kể cả trẻ nhỏ.

Chuyên gia khuyến cáo, dù đã được tiêm vaccine nhưng người dân không nên chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Theo PGS.TS Nga, khi đến chỗ đông người, người dân cần thực hiện nghiêm 5K, trong đó đeo khẩu trang, giữ khoảng cách là quan trọng nhất. Người dân không nên nói chuyện với người lạ quá lâu, nhất là khi uống rượu bia, hò hét, nguy cơ phát tát virus, lây nhiễm cao.

PGS.TS Nga cũng cho biết, dù hiện nay người dân đã được tiêm phủ vaccine từ 2 đến 3 mũi nhưng không phải tiêm vaccine là 100% được bảo vệ mà có khoảng 60% số người được tiêm là có hiệu quả bảo vệ, tức là có sức đề kháng tốt.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới, để có vừa vui Tết, vừa phòng chống dịch trọn vẹn, PGS.TS Nguyễn Huy Nha cho rằng, mọi người dân không nên lơ là, chủ quan bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.

“Sức khỏe còn quý giá hơn trang sức, vàng bạc nên người dân cần có ý thức tự giác tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình chứ không chờ đợi ai. Tết cổ truyển đang cận kề. Đón Tết an toàn trong tâm thế thích ứng, tự giác phòng chống dịch bệnh là tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng để mọi nhà vui Tết trọn vẹn”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho hay.

Nguyễn Hoài