Lan man bên lề mỹ thuật
Với người Việt thì cái tết cổ truyền vẫn luôn là quan trọng. Đó cũng là nét đặc thù của cư dân lúa nước lâu đời. Tết là lúc nông nhàn. Người dư dả lo quan tâm đến đồ chơi tết. Người nghèo khó lo cho ngày tết được ấm bụng bằng những món ăn mình thích nhưng cũng không quên những món đồ chơi truyền thống.
1.Thú chơi tranh của người Việt có thể hình thành khá chậm so với nhân loại. Song nó cũng đã có mặt ít nhất ba bốn trăm năm rồi. Nói như thế không có nghĩa là mỹ thuật Việt cũng chỉ từng ấy tuổi đời. Những bức tranh khắc gỗ được treo chơi trong nhà ra đời rất chậm so với tranh cùng chất liệu dùng cho việc thờ cúng từ hàng nghìn năm trước. Và bức tranh cũng không ngoại lệ, nó cũng chỉ được chơi vào dịp tết.
Trước khi có Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, người Việt chưa có thú thưởng ngoạn tác phẩm mỹ thuật độc lập, độc bản. Phải nói một cách công bằng rằng ngôi trường ấy của người Pháp lập ra không chỉ để dạy vài người Việt tiếp xúc với nghệ thuật hàn lâm. Nó còn mang một sứ mệnh ngầm ẩn lớn hơn thế nhiều. Nó dạy cho người Việt một thú chơi hoàn toàn mới mẻ. Khoa học, chính xác cả về những phân tích cảm xúc và thị giác.
Người Việt trước đó bày tranh khắc gỗ dân gian trong nhà mới chỉ là thưởng thức một câu chuyện hội họa cụ thể được diễn nôm dễ hiểu. Cảnh đấu vật, cảnh đánh ghen, đám cưới chuột, tranh miêu tả gia súc, vật nuôi, cây trồng ai cũng đều hiểu được mà chẳng cần phải học qua trường lớp nào. Thậm chí nếu có tranh nào còn chút khó hiểu thì nghệ nhân không ngần ngại khắc thêm chữ vào để giải thích. Đại khái như ở bức “Hứng dừa” có câu lục bát chữ nôm rằng: “Khen ai khéo tạc nên dừa/ Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”. Hay trong tranh “Đánh ghen” có lời nhân vật đứa trẻ: “U về tắm mát nghỉ ngơi/ Ham thanh chuộng lạ mặc thày tôi với dì”…
Thế nhưng cũng phải mất ngót nghét một trăm năm, những tác phẩm của các bậc thầy đầu tiên thời Đông Dương mới tìm được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Nó được quảng bá rộng rãi và bán với giá của những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Dù số khán giả đương đại này là rất nhỏ. Nói như thế là bởi cả hai nguyên nhân. Lượng tranh các bậc tiền bối để lại không nhiều, cũng không còn có mặt ở Việt Nam nhiều lắm. Khả năng tài chính của tầng lớp khán giả mới tuy lớn nhưng nhận thức thẩm mỹ chưa hẳn đã hơn lớp khán giả đương thời của mỹ thuật Đông Dương nếu như không muốn nói là còn kém.
2.Thị trường các tác phẩm thời Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương chợt nở rộ trong vài năm nay. Không thể không nói đến công lao của những nhà đấu giá hàng đầu thế giới như Christie’s, Sotheby’s… Họ đã tìm kiếm, giới thiệu và tổ chức đấu giá khá nhiều tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thời kì này. Khán giả trong nước lần đầu tiên được tiếp xúc với nhiều tác phẩm chưa từng được biết. Thế nhưng hệ lụy tất yếu mà nó sinh ra cũng gây rất nhiều nỗi bức xúc.
Có rất nhiều bức xúc nhưng tựu trung lại chỉ xoay quanh vấn đề tranh giả, tranh thật. Càng ngày càng có nhiều tranh giả được mang ra đấu giá làm cho mảng thị trường này hết sức kém tin cậy. Khán giả trong nước và các nhà chuyên môn còn nắm được rõ cả tên tuổi những nhân vật làm giám tuyển PR cho các cuộc đấu giá tranh Việt thời Đông Dương. Đơn cử như cái anh chàng J.F.Hubert nào đó người Pháp. Anh này làm cố vấn cho vài nhà đấu giá châu Âu. Dân trong nghề ở quốc nội trước đây chỉ nghĩ nhiều đến sự dốt nát của anh ấy. Nhưng bây giờ thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Anh ấy không chỉ dốt nát mà thôi.
Người Việt có trách nhiệm, mà ở đây là những cơ quan quản lý văn hóa nhà nước đã có động thái gì với nhân vật kể trên? Dư luận được biết là chưa hề có. Ngoài cái luật bản quyền ra, nước ta chưa có bất cứ chế tài nào áp dụng cho những kẻ làm đồ giả ở hải ngoại như vậy. Với một người nước ngoài lại càng không. Tuy nhiên cũng cần phải thông cảm với các cơ quan này ở một góc rất hẹp. Đó là họ cũng chưa được trang bị bất cứ phương tiện nào để giám định một tác phẩm mỹ thuật. Mặt khác, những cuộc đấu giá như vậy phần lớn diễn ra ở nước ngoài. Là nơi bàn tay quyền lực về nghệ thuật của các nhà quản lý trong nước không thể với tới.
Thế nhưng ngay cả những cuộc triển lãm tranh Đông Dương ở trong nước ta cũng chưa từng thấy các cơ quan quản lý có động thái gì. Nếu có, chỉ là một động thái an toàn kiểu như không cấp giấy phép cho một triển lãm nhiều nghi vấn. Điều này làm nản lòng khá nhiều nhà sưu tập chân chính. Bản thân họ cũng muốn lắng nghe những phân tích đánh giá một tác phẩm giả mạo mà không có cơ hội. Với cách đánh giá tác phẩm hội họa hoàn toàn dựa trên cảm tính như ta đang làm chắc chắn giá trị pháp lí không hề cao. Tuy nhiên, sẽ là rất bổ ích cho khán giả và các nhà sưu tập cân nhắc.
Tất nhiên, với mọi nền hội họa và thời kì sáng tác trên toàn thế giới không phải chất lượng của chúng đều có thể ngang bằng nhau. Kể cả về kĩ thuật lẫn thẩm mỹ toàn diện. Mỹ thuật Đông Dương cũng vậy. Có một điều đáng buồn là vài tác phẩm dù là bản thật nhưng giá trị còn lại chẳng bao nhiêu. Điều đó nói lên khoảng cách giữa mỹ thuật của chúng ta với mỹ thuật hàn lâm thế giới có trước chúng ta hàng nửa thiên niên kỉ. Nó như một lời nhắc nhở các thế hệ con cháu cần phải trau dồi làm chủ kĩ thuật và vật liệu hơn nữa.
3.Không thể ngờ thói quen chơi tranh ngày tết của cư dân lúa nước lại sâu đậm đến thế. Dù rằng đã ngót trăm năm tiếp cận với hội họa hàn lâm, người Việt vẫn quan tâm đến tranh vào dịp tết. Đó cũng là lí do nhiều họa sĩ hết sức bận bịu vào dịp này. Người vẽ tranh con giáp phải lục tìm tài liệu những con vật của năm. Có năm phải vẽ đến tận giao thừa mới hết việc. Người vẽ tranh thông thường phải gắng sức hoàn thành những bức tranh như lời hẹn.
Dù không hẹn khách hàng hoàn thành vào dịp tết thì cũng phải cố gắng. Bận bịu dĩ nhiên cũng bởi họa sĩ còn nặng lòng với khái niệm tết nhất. Cả năm xênh xang chậm rãi từ tốn. Gần tết mới giật mình nhớ ra những bức tranh cần phải làm. Không thể để qua tết khiến bạn bè và khách hàng cảm thấy xui xẻo. Rất may mắn với nghề vẽ cũng như các nghề nghiệp chân tay khác là càng làm nét bút càng trở nên hoạt bát, tinh xảo. Thậm chí cảm xúc cũng hình như được đẩy lên cao hơn ngày thường.
Thực ra thì họa sĩ không nhênh nhang ngày thường như ta tưởng. Họ xem tranh, lấy tài liệu ngoài đời và suy ngẫm cũng giống như các nhà văn vậy. Tất nhiên số này chẳng thể làm gương sáng cho các họa sĩ noi theo. Bởi vì những họa sĩ như thế thường không thành công lắm trên thị trường bán mua tác phẩm. Về một nghĩa nào đó khá cụ thể thì đã nói đến thị trường có nghĩa là ta đang nói đến hàng hóa.
Tác phẩm dĩ nhiên có thể trở thành hàng hóa nhưng tuyệt đối không bao giờ có chuyện hàng hóa biến thành tác phẩm. Chẳng sao cả. Đời sống nghệ thuật sẽ thêm sôi động và có nhiều thứ để đối chiều hòng nâng cao nhận thức thẩm mỹ của toàn dân. Việc giời sinh ra anh để trở thành nghệ sĩ hay trở thành một ông thợ tô màu là rất công bằng. Chính anh phải hiểu rõ được chuyện ấy nhất. Để không mất thời gian gắng sức.
Chỉ nói riêng những người được đào tạo về hội họa hẳn hoi cũng đã có khá nhiều thứ phải rèn luyện nhận thức lại trên suốt cả quãng đời sáng tác. Có quá nhiều thứ nhà trường không hề dạy nhưng buộc người cầm bút lông phải biết. Đơn cử như một việc tưởng đơn giản hết sức mà không phải họa sĩ nào cũng ý thức được. Đó là kích thước của bức tranh định vẽ. Không ai dạy ai chuyện này có lẽ cũng vì nó quá hiển nhiên như tập đánh vần vỡ lòng vậy.
Thế nhưng dạo qua nhiều phòng triển lãm cả trực tiếp lẫn trực tuyến (nếu như họa sĩ có ghi rõ kích thước tranh) thì bắt gặp vô số lỗi này. Hình như trong đầu các tác giả không có câu hỏi luôn thường trực là bức tranh sẽ to nhỏ cỡ nào? Kẻ thì do tiện sẵn vật liệu là tờ giấy hay tấm toile. Người thì căn cứ vào sức khỏe của mình để thực hiện bức tranh sao cho phù hợp. Rất hiếm khi có suy ngẫm rằng nội dung thể hiện ấy đòi hỏi một diện tích mặt tranh như thế nào.
Thế cho nên bức tranh ra đời rộng thênh thang một cách không có lí do. Và người vẽ đôi khi còn không đủ sức để làm những việc cần làm cho khoảng diện tích ấy. Cái ý định làm cho người xem choáng ngợp về diện tích dĩ nhiên vẫn thành công. Và hơn thế, người xem còn “choáng ngợp” cả với việc họ nhận ra họa sĩ không có đủ tay nghề để thực hiện một diện tích ao ước như vậy.
Ngày xuân, có bức tranh mới treo trên tường như một vị khách được cả nhà hoan hỉ đón mừng. Đó sẽ là niềm hạnh phúc lâu bền của người Việt. Khi nhận thức thẩm mỹ được nâng cao lên một bước, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sẽ sớm trở thành một nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống.