Tựa nương vào nhân nghĩa
Năm 2021 sẽ được nhắc đến với rất nhiều nỗ lực về phòng, chống dịch Covid-19 cũng như những khó khăn mà nó gây ra. Nhưng cũng từ đó, con người có thể nhìn nhận sâu hơn về tình người, những giá trị cuộc sống.
Từ trong gian khó, con người đã được tựa nương vào bao điều nhân nghĩa, bao trái tim yêu thương.
1.Sau hơn hai năm căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19, hẳn đã có rất nhiều những mất mát do dịch bệnh gây ra. Chúng ta cũng thấy rõ hơn, con người thật nhỏ bé trước dịch bệnh và thảm họa, và điều quan trọng nhất với con người là sức khỏe và bình an. Nhưng để chúng ta tự tin bước vào năm 2022 và sau này, với sự kiên cường hơn, đĩnh đạc và lớn lao hơn đó là lòng tốt.
Và lòng tốt, đã được thực thi một cách sốt sắng nhất, nhiều nhất, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. Lòng tốt, cũng là điều giúp nhân loại trường tồn, là dấu chỉ cho thấy sự tiến bộ xã hội. Chúng ta cũng tự hào hơn hai tiếng Việt Nam. Bởi lòng tốt, sự nhân ái trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi chúng ta, trong thời khắc xuân ấm tràn về, trong khi muôn hoa đua nở, cũng ấm lòng khi mình đã biết cho đi để nhận lại sự bình an. Điều đó cho chúng ta thêm khẳng định rằng, dù mọi thứ có qua đi nhưng lòng người vẫn đọng lại.
Nhìn nhận về tinh thần chia sẻ ở góc độ nhân văn, nhà văn Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh), cho hay: Trong lúc dịch dã hoành hành, nhiều sự tình nguyện, tấm lòng hảo tâm đã thực thi lòng tốt. Với việc các lực lượng tình nguyện viên, đoàn thanh niên và bộ đội triển khai việc đi chợ hộ cho người dân ngay thời điểm đỉnh dịch của TP Hồ Chí Minh cho thấy sự ứng biến kịp lúc và tinh thần tương thân tương ái giữa nguy khó. Ở ngay khu dân phố tôi sinh sống, trong những bạn bè tôi, chỗ nào tôi cũng thấy lòng tốt.
2.Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, dạy học ở Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) luôn tự tin trong công việc và làm thiện nguyện. Là bạn trẻ có khát vọng, Tâm đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh để học hành, trở thành cô giáo. Và cũng trên đường đi dạy học, Tâm bị tan nạn và phải cưa đi một chân. Với một bên chân giả, nhưng Tâm luôn nở nụ cười tươi, lạc quan, hết lòng vì học sinh và là “thủ lĩnh” nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm rất xông xáo, nhiệt tình.
Tâm không chỉ là một tấm gương, mà qua hành động của mình, cô là minh chứng sáng rõ về sức mạnh của niềm tin và nghị lực con người. Từ khi quen Tâm đến nay đã gần chục năm, thi thoảng tôi vẫn liên hệ với Tâm để chia sẻ về cuộc sống, hỏi thăm cô về công việc và sức khỏe. Tôi được biết trong những chuyến đi thiện nguyện, cô gặp trời mưa, đường lầy bị ngã.
Tôi cũng được biết, cô vẫn phải thường xuyên điều trị vì mỏm chân cụt thường xuyên đau đớn, trầy xước. Nhưng tôi vẫn thấy lúc thì cô nhảy dây, khi tập bơi, lúc đi thăm trẻ em nghèo, phát cơm miễn phí, tổ chức bán hoa tươi gây quỹ… Những ngày tháng qua, dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người nghèo càng nghèo hơn. Tâm vẫn khắc phục những khó khăn cuộc sống, không ngừng truyền lan nụ cười, giúp đỡ, tặng quà.
Trong tương lai, cô Minh Tâm mong muốn đưa hoạt động thiện nguyện vào học đường để giáo dục đạo đức học sinh hướng đến lối sống yêu thương và sẻ chia, tạo thêm nhiều hoạt động kết nối để giúp người khuyết tật có công ăn việc làm và tự tin hòa nhập với cộng đồng...
Một trong những điều được nhắc nhiều mỗi dịp tết đến xuân về là sự đoàn tụ. Hàng triệu người con làm việc, kiếm sống ở xa quê hương sẽ mong mỏi trở về đón xuân bên đại gia đình. Việc ấy sẽ gặp trở ngại rất nhiều, bởi những ngày cuối năm 2021, đầu năm 2022 dịch bệnh còn phức tạp. Nhiều người sẽ không thể trở về. Họ cũng đã chia sẻ tâm tư trên facebook cá nhân về nỗi khát khao được gặp người thân, bạn bè, được ngồi bên bếp lửa ấm áp luộc bánh chưng, quây quần bên mâm cơm.
Và như thế, chúng ta lại một lần nữa thấy rằng, dịch bệnh đã nhắc nhở chúng ta nghĩ sâu sắc hơn về hai tiếng “quê hương”. Đó là nơi sinh ra, nuôi nấng ta khôn lớn. Là nơi ta được hưởng tình cảm ấm áp của cha mẹ, ông bà, họ hàng và nuôi cả ước mơ của ta, cho ta từ đó được trở ra với đời.
Ngược thời gian, vào thời điểm giữa năm 2021, cũng do dịch bệnh, rất nhiều người đi làm ăn xa đã tìm cách trở về nương tựa vào làng, cha mẹ, gia đình. Tôi cũng đã đưa vợ con về làng để tránh dịch. Và ở đó, tôi được cánh tay của người thân đưa ra, chia sẻ, đỡ nâng, động viên.
Nhiều người cũng đã chia sẻ, rằng cha mẹ, quê nhà, khu vườn và muôn điều giản dị lại đón đứa con mải mê mưu sinh trên phố, vì rất nhiều công việc bận rộn và những chuyến du lịch nên đôi khi quên lãng quê nhà. Hai đứa con tôi được rộn ràng với trẻ hàng xóm, được tập bơi, thả diều. Đứa lớn bảo: “Về quê thật thích, chúng con được trải nghiệm nhiều trò chơi vui, còn được trồng cây, được biết thế nào là chăn trâu, cắt cỏ”. Đứa bé hơn hồn nhiên diễn tả sự quan sát của nó: “Con thấy quê đẹp. Quê có rất nhiều thứ quả, nhiều cây và hoa”. Trước đây, mẹ tôi lên thành phố thăm các cháu, nhìn các cháu rồi quay sang con gái cười và bảo: Các cháu “đói” chất quê quá, dù rằng chẳng xa quê là mấy. Con nên tạo cơ hội cho bọn trẻ trải nghiệm thật nhiều.
Chiêm nghiệm lời mẹ, tôi càng thấy mẹ đúng. Những ngày các con tôi ở quê, mẹ thường dẫn các cháu ra vườn, chỉ cho các cháu các loài cây. Mẹ cũng dạy các cháu trồng rau. Từ chuyện làm đất, cách trồng, tưới nước, chăm sóc, chờ cây lớn lên và thu hái, mẹ giảng cặn kẽ cho hai đứa trẻ tập làm “nông dân” và chỉ cho chúng niềm vui khi bỏ công sức lao động để gặt được thành quả. Tôi hiểu mình đã làm đúng.
Trở về nơi chôn nhau cắt rốn là sà vào sự rộng lượng của quê nhà ân nghĩa. Và sẽ thiệt thòi cho mỗi ai không có một vùng quê, một nơi để trở về. Ở đó, người làng sẵn sàng chia sẻ cho nhau mớ rau, con cá. Có những ngày giãn cách xã hội, người ta vẫn hỏi han nhau, dù là đứng cách nhau bờ rào, cách nhau những ô cửa sổ.
3.Mấy năm nay, để ý những nét đẹp ở làng mình ngày Tết. Tục đụng lợn thì còn ít người tham gia, nhưng đụng hoa vẫn được cả làng duy trì, thành một nếp sinh hoạt độc đáo. Làng dành hai mẫu đất, phân công một số hộ gia đình trồng vài loại hoa để đến Tết chia cho các hộ gia đình. Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc hoa là của mọi người dân.
Nhìn vào độ thắm của hoa, người ta sẽ biết được ai chăm hoa khéo. Khi vườn hoa của làng nở rực rỡ, sự hồi hộp, háo hức được đi nhận phần hoa càng trở nên xốn xang. Háo hức nhất là các anh chị đi học ở xa về đoàn tụ gia đình. Háo hức bởi các anh chị đi học, bắt đầu được đi tham quan đó đây với những trải nghiệm mới, giờ về quê để cùng dự phần vào một công việc ý nghĩa mà ít nơi có được. Các anh chị cũng sẽ là những người chia sẻ niềm vui ấy với bạn cùng lớp ngoại tỉnh.
Ông nội tôi và các cụ già kể lại rằng, tục đụng hoa xuất phát từ tinh thần đoàn kết, chia sẻ hương thơm, sắc màu cùng những điều may mắn đến có mọi người trong làng. Người dân quan niệm gia đình theo cách gọi thông thường là gia đình nhỏ, cả cái làng là một gia đình lớn. Ngày chia hoa vào 28 tháng Chạp là dịp đại gia đình sum họp, tay bắt mặt mừng, nhận và ngắm hoa, nhận về những đốm lửa niềm vui và khao khát cháy sáng trong các gia đình nhỏ.
Các chị, các mẹ, các cô gái xinh nhất làng, có đôi bàn tay khéo léo được chọn để chia phần hoa, phát hoa. Từ những ngày chia hoa Tết giản dị đó, nụ cười của hoa tỏa đi tất thảy mọi nhà. Cũng từ đó, nhiều anh chị thành vợ chồng.
Từ nét đẹp đoàn tụ của gia đình lớn – ngôi làng thân thương, tôi nghĩ về tính kết nối cộng đồng, sự chia sẻ. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, người làng quyên góp luôn bánh chưng, gạo nếp, thịt lợn để tặng cho những gia đình nghèo. Việc làm giàu ý nghĩa ấy sẽ thổi bùng lên ngọn lửa nhân nghĩa ở bất cứ nơi đâu…