Động lực mới cho chiến lược ngoại giao
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ cho giai đoạn tới là “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
5 điểm mới của Chiến lược Ngoại giao văn hóa
Chiến lược ngoại giao văn hóa (NGVH) giai đoạn 2021 - 2030 cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII về công tác đối ngoại và công tác văn hóa, thực hiện chủ trương “phát huy hơn nữa NGVH, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”1. Đây là văn bản định hướng quan trọng của Chính phủ trong triển khai công tác NGVH. Kế thừa các nội dung, quan điểm lớn của Chiến lược NGVH giai đoạn 2011-2020 nhưng Chiến lược NGVH đến năm 2030 có 5 điểm phát triển mới.
Thứ nhất, nội hàm của công tác NGVH được xác định rõ hơn. Mục tiêu của NGVH được gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra trong đó nhấn mạnh tới nhiệm vụ “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa” và “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”.
Thứ hai, về quan điểm, Chiến lược khẳng định rõ việc triển khai phải luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại cũng như chính sách phát triển văn hóa của đất nước trên cơ sở thực hiện đồng bộ các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Về phương châm, NGVH xác định lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống mới nổi lên, điển hình như đại dịch Covid-19, do vậy Chiến lược cũng đặt yêu cầu phải triển khai các mặt công tác NGVH một cách sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới.
Thứ ba, về giải pháp thực hiện, Chiến lược đưa ra 6 giải pháp đột phá và 5 giải pháp cụ thể. Trong đó 5 giải pháp cụ thể có thể được khái quát hóa bằng nhóm 5 từ khóa là “thúc đẩy - hội nhập - quảng bá - vận động - tiếp thu”. Việc định rõ các giải pháp đột phá và giải pháp cụ thể sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp triển khai Chiến lược một cách hiệu quả, trên cơ sở phát huy được thế mạnh của mình.
Thứ tư, Chiến lược khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương hàng năm chủ động xây dựng và gắn các đề án, kế hoạch của mình vào Chiến lược NGVH, từ đó tạo tính đồng bộ, liên thông giữa Trung ương và địa phương, giữa trong và ngoài nước, đồng thời phát huy được tính đặc thù, đặc sắc và điểm mạnh của mỗi địa phương.
Thứ năm, về chủ thể tổ chức thực hiện, Chiến lược huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan ở Trung ương, tất cả các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nghệ sĩ, học giả… Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành triển khai Chiến lược quan trọng này.
Trọng tâm trong giai đoạn tới
Trong chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng ta khẳng định “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Để triển khai được nhiệm vụ trên, thời gian tới công tác NGVH cần bám sát và hiện thực hóa các chính sách, đường lối đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng nói chung, các hội nghị chuyên ngành quan trọng về đối ngoại và văn hóa nói riêng. Theo đó, Đảng ta đã xác định đối ngoại có “vai trò tiên phong”, có tính “toàn diện, hiện đại”, trong khi văn hóa được xác định là “hồn cốt của dân tộc”, “văn hóa là một mặt trận” và “phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Do vậy, thời gian tới NGVH cần tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời khơi dậy và “chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, là “nền tảng tinh thần”, “sức mạnh nội sinh” của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Bám sát quan điểm của Đảng, “phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm”, ngành Ngoại giao cũng xác định phương châm “ngoại giao phục vụ phát triển” nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là tri thức, công nghệ và vốn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa phương châm “NGVH lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm”. Trong đó, với địa phương, cần tích cực hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, ngành nghề, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác. Với người dân, cần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để tiếp cận nhanh tri thức mới của nhân loại, nâng cao chất lượng thụ hưởng; phát huy vai trò của đội ngũ các nhà tri thức, văn hóa, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp công nghiệp văn hóa, phát triển văn hóa đỉnh cao, có nhiều tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước2. Với doanh nghiệp, cần hỗ trợ xây dựng bản sắc doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia triển khai NGVH, kết hợp giới thiệu sản phẩm gắn với tinh hoa văn hóa Việt.
Trong công tác quảng bá, NGVH cần tiếp tục đóng góp tích cực để xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam văn minh, an toàn, tươi đẹp, văn hóa độc đáo, giàu truyền thống, phát triển năng động, con người thân thiện, mến khách, điểm đến tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về NGVH với nâng cao năng lực cán bộ làm công tác NGVH.
Với lịch sử hào hùng, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, cùng với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp phát triển đất nước thời gian qua, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để triển khai chính sách NGVH xứng tầm với vị thế của đất nước. Chiến lược vừa được ban hành sẽ là một động lực mới, định hướng quan trọng trong công tác NGVH qua đó góp phần thực chất, hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại cũng như mục tiêu phát triển văn hóa của đất nước trong thời gian tới./.
(1) Văn kiện Đại hội XIII.
(2) Theo phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Ngoại giao văn hóa xác định lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống mới nổi lên, điển hình như đại dịch Covid-19, do vậy Chiến lược cũng đặt yêu cầu phải triển khai các mặt công tác Ngoại giao văn hóa một cách sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới.