Hái tiền triệu mỗi ngày nhờ dịch vụ đánh bóng lư đồng ngày Tết

Nguyên Du 29/01/2022 15:24

Chỉ còn 2 hôm nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là giai đoạn tăng tốc rất quyết liệt của những người chuyên làm nghề đánh bóng lư. Đây Công việc này tuy có vất vả nhưng thu nhập hậu hỉnh kiếm tiền triệu mỗi ngày, giúp bà con có thêm thu nhập để sắm sửa trong ngày Tết.

Mỗi khi đến Tết Nguyên đán, người dân Bạc Liêu thường có nhu cầu làm mới lư đồng để bàn thờ tổ tiên tinh tươm, sạch sẽ. Việc làm mới lư đồng mang theo hi vọng xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước "tài lộc" về với gia đình của người dân Bạc Liêu.

Lư đồng được đánh xong chờ khách đến nhận.
Con ông Vinh ghi chú thông tin khách hàng để tránh thất lạc đồ của khách.

Những ngày cận Tết, dịch vụ chùi, đánh bóng lư đồng hút khách, đem về thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho những người làm nghề này. Ông Phan Tài Vinh, 67 tuổi, ngụ phường 7, TP Bạc Liêu là thợ đánh bóng lư đồng có tiếng với thâm niên hơn 30 năm. Ông Vinh cho biết, trước đây ông chỉ làm nghề đánh bóng lư đồng. Nhận thấy đây là nhu cầu của nhiều người, ông kiêm luôn nghề đánh bóng các vật dụng có chất liệu bằng đồng, nhôm như: bàn ủi, tay nắm cửa, mâm ăn cơm, chuông, bàn ghế bằng nhôm…

Bộ lư vừa mới đánh xong.
Kỳ lân sau khi được chùi, đánh bóng nhìn rất đẹp.
Với nghề chùi, đánh bóng lưu đồng, gia đình ông Vinh kiếm hàng chục triệu đồng mỗi dịp Tết.

Riêng các bộ lư đồng tùy theo kích thước lớn nhỏ mà có giá từ 80 ngàn đến hơn 200 ngàn một bộ. Ngày thường vẫn có khách nhưng những ngày gần Tết, ông phải huy động hết thành viên trong gia đình mới làm xuể. Bình quân, mỗi ngày ông nhận được hàng chục đơn hàng.

Mỗi ngày gia đình ông Vinh nhận hơn 10 bộ lư đồng.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online tại thời chùi lư đồng của ông, lúc này đã là ngày 27 tháng Chạp âm lịch, khách mang hàng đến liên tục nhờ gia đình ông đánh bóng. Ông Vinh cho biết thêm, công việc này làm theo mùa vụ. Mỗi năm chỉ có thể làm ăn khấm khá từ đầu tháng Chạp âm lịch, ngày thường rất ít người có nhu cầu chùi lư.

Theo ông Vinh, công việc chùi lư tưởng dễ nhưng không hề đơn giản. Để đánh bóng 1 bộ lư đồng phải đòi hỏi nhiều công đoạn và công sức của người thợ. “Để đánh bóng một bộ lư đồng như mới, nghe thì đơn giản nhưng cũng lắm công phu, nhất là gặp những bộ lư lớn, chạm trổ tinh xảo, gia chủ xem như bảo vật gia truyền nên phải thật cẩn thận khi đánh bóng, lơ mơ là bị bồi thường như chơi”.

Công đoạn chùi bột lư đông đồng sáng, bóng loáng.

Sau khi tháo rời toàn bộ lư đồng, tùy theo kết cấu của đồ vật, người thợ phải phân loại để dùng chất tẩy công nghiệp hoặc axit nhằm tẩy lớp oxi hóa trên mặt đồng. Theo những người thợ ở đây, bộ lư mà khách dùng keo để bao 1 lớp (để chống oxi hóa) là khó đánh sạch nhất và phải dùng nhiều công sức mới tẩy được lớp keo cũ. Ngoài ra, việc đánh bóng một bộ lư cũng phải tùy vào độ lớn nhỏ của sản phẩm đó.

Sau khi dùng thuốc tẩy và axit để tẩy rửa sản phẩm, công đoạn tiếp theo là dùng giấy nhám đánh bay các lớp mảng bám trên bề mặt sản phẩm. Nhìn đơn giản, nhưng thực chất, việc này rất hại sức khỏe, đặc biệt là da tay.

Lư đồng được làm sạch qua nước, người thợ để khô và đưa vào máy để chùi lư.

Sau khi sản phẩm được làm sạch qua nước, người thợ để khô và đưa vào máy để chùi lư. Trước khi đánh, người thợ dùng sáp để tạo độ trơn giữ màu được lâu, không bị oxy hóa trở lại.

Lần lượt 2 người thợ đưa các bộ phận của bộ lư đồng vào bánh xe. Công việc đòi hỏi phải tinh ý và vững tay. Lúc này từng bộ phận của chân đèn, lư đồng được đánh bóng sáng rực, độ nóng của sản phẩm cũng tăng lên do lực ma sát liên tục. Khi đánh lư đồng, tay thợ phải khéo léo, tỉ mẩn, làm sao để lư đồng được bóng loáng mà không bị trầy xước, biến dạng.

Lư đồng được đánh bóng sáng rực, độ nóng của sản phẩm cũng tăng lên do lực ma sát liên tục.

Công việc này khá mệt nhọc khi phải ngồi hàng giờ liền. Bên cạnh đó người thợ còn phải đối mặt với độc hại từ bụi do cọ xát lư đồng và cả những chất hóa học mà dân trong nghề sử dụng như lơ đánh bóng, bột làm sáng. Nhưng vì mưu sinh và là nghề gia truyền nên thợ đành chấp nhận

Khi đánh lư đồng, tay thợ phải khéo léo, tỉ mẩn, làm sao để lư đồng được bóng loáng mà không bị trầy xước, biến dạng.

Với công việc chùi lư của mình, ông Vinh cho biết, mỗi dịp Tết gia đình ông thu nhận đánh bóng từ ngày rằm (tức 15 tháng Chạp) và kéo dài đến tận tối 29 Tết. Tính sơ năm nay ông cũng nhận đánh hơn 300 bộ lớn nhỏ. Tiền lời thu về cũng hơn 40 triệu đồng. Ngày tết có được số tiền đón Xuân tuy có vất vả nhưng là niềm vui của những người đã và đang làm nghề đánh bóng lư đồng hôm nay.

Nguyên Du