Những ngày tháng không quên

THANH GIANG 02/02/2022 17:55

Sau một năm căng mình đối mặt với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19, giờ đây TP Hồ Chí Minh bước sang Xuân mới 2022 thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, “lấy lại những gì đã mất”.

Phối cảnh Đường hoa Nguyễn Huệ TPHCM chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Lê Quân

Trải qua hai năm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng từ cuối tháng 6/2021, TPHCM thật sự bước vào “cuộc chiến” chưa từng có tiền lệ, vượt mọi dự báo. Ngành y tế phải huy động tổng lực để giám sát, truy vết, xét nghiệm, điều trị. Chưa bao giờ trong lịch sử, những người làm y tế đã nghỉ hưu cũng được kêu gọi “ra trận” chống dịch. Sinh viên y khoa, nhân viên y tế các tỉnh, thành cùng vào cuộc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giành giật sự sống cho đồng bào. Thậm chí, ở giai đoạn đỉnh dịch, khi mà số ca nhiễm hàng ngày tăng lên chóng mặt, thành phố như bị “hụt hơi”. Ngành y tế phải kêu gọi mọi người cùng đăng ký tham gia chống dịch, ngay cả lực lượng F0 mới khỏi bệnh.

Một thành phố năng động bị thương tích đầy mình vì những hàng rào thép gai giăng khắp phố nhỏ, ngõ nhỏ. Một thành phố ồn ào, náo nhiệt là thế nhưng lại trở nên im ắng, sống chậm đến lạ thường. Đây là khoảng thời gian mà mọi người chưa từng ghi nhận ở TPHCM. Các khu phố vốn luôn nhộn nhịp, bỗng rơi vào cảnh vắng lặng “cửa đóng then cài”.

“Phố Wall ở Sài Gòn” trên tuyến đường Hàm Nghi - Nguyễn Công Trứ vắng bóng nhân viên chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm. Gần 250 chợ truyền thống ở các quận/huyện và thành phố Thủ Đức không hoạt động. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi rơi vào tình trạng quá tải nặng khi mọi người rồng rắn xếp hàng hàng mấy tiếng đồng hồ để được mua thực phẩm. Rồi có thời điểm, hệ thống bán lẻ chỉ bán cho những người đi chợ hộ…

Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, hầu hết các ngành nghề hoạt động cầm chừng từ đầu tháng 7. Công ty, nhà xưởng phải chuyển đổi công năng thực hiện “3 tại chỗ” theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sau thời gian dài thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội của lãnh đạo TPHCM, nhiều doanh nghiệp bị đuối sức do chi phí sản xuất tăng, năng suất giảm...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thống kê, đến cuối tháng 9, chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”. “Không khi nào doanh nghiệp lại khó khăn như giai đoạn vừa qua, vừa sản xuất đảm bảo nguồn cung, vừa phòng chống dịch trong điều kiện quá ngặt nghèo. Có thời điểm doanh nghiệp thực sự suy kiệt”, bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM tâm sự.

Đợt dịch bệnh lần thứ 4 gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế đầu tàu. Theo thống kê, quy mô nền kinh tế thành phố vận hành dưới 50% trong tháng 9/2021. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm bình quân mỗi ngày thành phố thu khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng đến tháng 9, giảm còn 600 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định: “Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố, đất nước. Đó là kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân,... Đáng lưu ý, ước tính thiệt hại kinh tế của thành phố trong năm 2020 và 2021 vào khoảng 273 ngàn tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD”.

Khó khăn từ dịch bệnh được phân tích rõ, song TPHCM sẽ vực dậy nền kinh tế như thế nào?

Chia sẻ kế hoạch vượt bão Covid-19, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn nhiều trở ngại nhưng việc phục hồi kinh tế thành phố theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. Cần có giải pháp đồng bộ với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới... Đây còn là sự quyết tâm chính trị đưa TPHCM trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, thành phố tăng trưởng âm 6,78%, vì vậy thành phố quyết tâm khôi phục nền kinh tế trở lại quỹ đạo. Theo đó, trong năm 2022, nếu điều kiện dịch diễn biến phức tạp, thành phố sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch, các hoạt động kinh tế - xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2022, thành phố đề ra 20 chỉ tiêu, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6-6,5%. TPHCM phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”.

“Năm 2022, TPHCM sẽ tập trung khắc phục việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư công. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thành phố sẽ tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Văn Nên nói.

Đại dịch buộc tất cả các quốc gia phải suy nghĩ lại một cách sâu sắc cho định hướng phát triển trong tương lai. TPHCM không đột phá thì Việt Nam khó đột phá” - Thành phố cố gắng tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại từ 17 lên 21% là rất đáng mừng. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là triển khai nguồn lực như thế nào, bởi nắm bắt được thách thức, cơ hội nhiều thì tạo ra giá trị rất lớn. Trong chiến lược tương lai, muốn đi xa không nên chỉ nghĩ vào nguồn lực mà phải nghĩ đến thời cơ, thách thức, xu thế.

GS.TS Vũ Minh Khương (Giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) nhận định.

Năm 2022 là năm thử thách với TPHCM trong phát triển kinh tế. Thành phố phải đảm bảo, đại dịch sẽ không bùng phát lại để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất; người dân sinh hoạt, chi tiêu bình thường. Ngoài ra, nên khuyến khích các doanh nghiệp có thêm nhiều chương trình kích cầu mua sắm thường xuyên, theo mùa hoặc dịp đặc biệt. Cũng cần có những biện pháp phù hợp để mở cửa du lịch cho khách nội địa và quốc tế, gia tăng các hoạt động kích cầu mua sắm...

Để nâng tầm phát triển, TPHCM nên sớm áp dụng công nghệ thông tin chuyển đổi sang mô hình chính phủ điện tử, chính quyền số từ cấp phường/xã đến quận/huyện. Từ đó hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất.

GS Hà Tôn Vinh (Chủ nhiệm Chương trình Giáo dục và Đào tạo doanh nghiệp cao cấp, Đại học Tổng hợp California Miramar University tại Việt Nam).

THANH GIANG