Nạn karaoke 'bức tử' làng quê - Bài 1: 'Tra tấn' những ngày Tết

Nguyên Du - Tấn Thành - Chí Đại 04/02/2022 10:55

"Điên đầu vì vấn nạn loa kẹo kéo, karaoke” là than thở chung của không ít người dân mỗi dịp lễ Tết dài ngày. Tiếng hát của những "ca sĩ" không chuyên đã gây khó chịu cho hàng xóm và người xung quanh, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền riêng tư của nhiều người.

Người bán kẹo kéo phục vụ khách tại một quán nhậu ở đường Ninh Binh phường 2, TP Bạc Liêu.

Vấn nạn kéo dài

Vài năm gần đây, từ khi tình trạng loa kẹo kéo hát karaoke xuất hiện tràn lan không chỉ ở các gia đình mà các hàng quán, nhất là quán nhậu xuất hiện ngày càng nhiều đã bị người dân phản ứng, bởi âm thanh vượt ngưỡng khiến người xung quanh “đau đầu nhức óc".

Từ nông thôn đến thành thị, từ nhà phố đất đến chung cư cao tầng, từ nhà mặt đường đến ngõ sâu, bất cứ nơi đâu người dân cũng phải "cắn răng" sống chúng với tiếng ồn từ các dàn loa karaoke công suất lớn phát ra từ nhà hàng xóm.

Anh L. V. T. ở ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Ngày Tết, xóm nhà tôi hầu như ngày nào cũng có người hát karaoke, chỉ thời gian đi ngủ khoảng 23h trở đi đến khoảng 6h sáng hôm sau là được yên. Có hôm 5, 6 nhà xung quanh cùng hát hò một lúc, tất cả hòa lại như một cái chợ trời. Nhà tôi có người lớn tuổi, mấy ngày qua bị tra tấn bởi những âm thanh chát chúa không sao chịu nổi...".

"Như hôm mùng 2 Tết này, hàng xóm nhà tôi mở tiệc “nhai micro” hát hò từ 12h trưa tới 21h55 mà vẫn chưa chịu dừng. Thậm chí, khi trong xóm có đám tang, họ vẫn tổ chức hát xuyên đêm, tôi cũng chịu luôn", anh T. ngao ngán chia sẻ.

Anh T. bức xức cho biết thêm: "Tôi nghĩ đã có quy định rõ ràng, nhưng vấn đề là ở sự cả nể của người dân và lực lượng chức năng địa phương. Rất mong cơ quan chức năng quản lý chặt, xử lý mạnh tay với những trường hợp như thế này để trả lại sự bình yên cho người dân".

Có lẽ những ai đã từng có mặt tại khu phố ăn uống trên đường Ninh Bình, phường 2, TP Bạc Liêu, địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch của thành phố mới hiểu được nỗi sợ hãi lớn nhất của nhiều du khách. Rất nhiều người chạy xe, kéo theo các thùng loa kẹo kéo hát hò để bán hàng rong. Những người này dừng ở các quán nhậu dọc theo hai bên tuyến đường Ninh Bình, mở loa hát và bán các loại thực phẩm như kẹo kéo, bánh… Nói là bán chứ thực chất giống như ép khách phải mua.

Anh T. N. bức xúc: "Có người hát nghe được, nhưng có người chẳng biết hát gì, hát như “cãi lộn” mà kẹo thì bán rất đắt, mỗi thanh kẹo nhỏ xíu mà bán tới 10.000 ngàn đồng. Mua để cho họ đi cho yên thân chứ hát hay ho gì đâu, kẹo cũng không rõ nguồn gốc. Không mua họ cứ đứng hát hoài, mình không nói chuyện gì được”.

Những tưởng mua được cho người này là được yên tĩnh trò chuyện, ai dè anh T. N. cùng nhóm bạn không kéo dài được bao lâu, khi thùng kẹo kéo này vừa đi thì thùng khác lại kéo đến.

Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết Online, Quảng Nam trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, có nhiều gia đình, quán xá ở các làng quê như huyện Phú Ninh, Núi Thành, TP Tam Kỳ, Hội An… nhiều gia đình đã quây quần bên nhau tổ chức hát karaoke dịp Tết.

Có những gia đình hát từ sáng đến tận đêm khuya, bật công suất loa hết cỡ, khiến nhiều gia đình bên cạnh bị ‘tra tấn’ bởi những âm thanh chát chúa rất khó chịu. Thật sự hoạt động karaoke như đã nói đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của rất nhiều người dân, trở thành tình trạng nan giải.

Anh Phạm Hồng Lĩnh trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ chia sẻ về việc hát karaoke gây tiếng ồn.

Mong mỏi của người dân

Một người bán vé số trên địa bàn TP Bạc Liêu cho biết, hiện tại những người dùng loa thùng hát karaoke để bán đồ cho khách ở các khu vực này đều có thỏa thuận với nhau. Có quy định giờ đến, giờ đi và xoay tua xoay vòng. Chỉ khổ cho những khách hàng và cả người dân sống ở tuyến đường này, phải gánh chịu sự tra tấn ngày này sang ngày khác.

Không riêng gì các điểm ăn uống trên một số tuyến đường như Ninh Bình, Trần Huỳnh của TP Bạc Liêu…, các loa thùng kẹo kéo đã tấn công vào các khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân gần như bị đảo lộn. Việc hò hát bất chấp giờ giấc, không quan tâm đến giờ nghỉ trưa, giờ học hành, giờ ngủ của hàng xóm luôn là điều khiến những cuộc vui dễ trở thành nỗi chán ngán của hàng xóm.

Anh Phạm Hồng Lĩnh (48 tuổi), trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ cho biết, những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều gia đình ở địa phương sum vầy bên nhau có tổ chức hát karaoke thì chẳng có gì sai trái cả. Thế nhưng họ hát phải có thời điểm, chứ hát đến 23h hoặc 0h sáng hôm sau thật sự đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ của nhiều người khác.

“Họ tổ chức hát karaoke bất kể giờ giấc từ sáng tới đêm khuya gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của con cái, đặc biệt các cháu nhỏ dù là Tết nhưng vẫn tranh thủ học bài và các gia đình có người già, đau ốm thì làm sao chịu thấu. Vì vậy, theo tôi nhiều người dân cần phải ý thức trong việc giữ gìn trật tự chung ở địa phương. Mình vui nhưng không nên để ảnh hưởng đến đời sống của người khác”, anh Lĩnh chia sẻ.

Bà Hoa cho biết, hát karaoke công suất lớn gây ảnh hưởng đến người dân.

Bà Nguyễn Thị Hoa (68 tuổi), trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh nói, từ mùng 1 Tết đến mùng 4 Tết, bà thấy có nhiều gia đình ở địa phương bật nhạc hát karaoke từ sáng tới đêm khuya gây ức chế. Đặc biệt khi bà làm việc đồng áng về rất mệt mỏi cần nghỉ ngơi và muốn không gian yên tĩnh mà cũng không được.

Còn hát karaoke dịp Tết bà không có ý kiến gì cả, vì Tết là để các gia đình quây quần bên nhau, hát để vui xuân, có không khí Tết. Tuy nhiên, mọi người cần có ý thức trong việc giữ an ninh trật tự, đừng quá gây tiếng ồn.

“Ở địa phương tôi từng có trường hợp do hát karaoke mà cãi vã với nhau gây ra mất tình làng nghĩa xóm. Nửa đêm rồi mà nó cứ gào lên “chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi! Ai mà chịu thấu. Tôi mong sao mọi người vui chơi lành mạnh, đừng quá vui hát bất chấp thời gian, công suất làm ảnh hưởng đến người khác”, bà Hoa tâm sự.

Cùng chung nỗi niềm bị tiếng ồn do hát karaoke, chị Vũ Thị Trinh (43 tuổi), trú TP Hội An chia sẻ: "Bây giờ hát karaoke rất dễ chỉ cần có 1 cái loa kẹo kéo, 1 micro và chiếc điện thoại kết nối Bluetooth và wiFi thì có thể hát được. Tết người ta lại ăn nhậu, hát hò nhiều hơn, bất kể giờ giấc nghe đinh tai nhức óc. Tôi đề nghị chính quyền phải có quy định như không được bật loa công suất quá lớn trong khung giờ từ 22h đến sáng hôm sau".

“Mừng 3 tết trong lúc nên này nhà tôi cúng đưa ông bà thì đối diện nhà tôi, họ hát karaoke mở hết công suất gào lên ‘anh muốn sống bên em trọn đời’ rồi hù hú hu cái chi chi đó, chẳng ra cái hệ thống gì cả. mà mình biết làm sao bây giờ”, cụ Nguyễn Tâm Như ở TP Tam Kỳ tâm sự.

Anh Nguyễn Thanh Hải ở cũng ở TP Tam Kỳ cho rằng: “Có người hình như họ nghiện karaoke, họ có thể hát cả ngày không chán, việc đó thì chẳng có gì sai, nhưng họ không nghĩ đến hàng xóm đi làm về trưa hay tối muốn nằm nghỉ ngơi tí cũng không yên. Con cái học bài nhất là học online thì không thể học được. Còn cái Tết từ Tất niên cho đến gặp đầu năm karaoke gào thét mãi chúng tôi bị tra tấn mà biết làm sao bây giờ”.

Chị Vũ Thị Trinh cho rằng: “Tôi mong sao cơ quan chức năng có quy định ban hành luật cấm các hành vi gây tiếng ồn khu dân cư, việc xử lý về hành vi hát karaoke giao cho chính quyền địa phương, nếu trường hợp nào vi phạm thì lập biên bản xử phạt hành chính, qua đó, giúp đảm bảo an ninh trật tự và không gây ra ồn ào cho khu dân cư”, bà Trinh cho hay.

Nỗi bức xúc với vấn nạn karaoke tra tấn ngày một nở rộ những ngày Tết, nhiều người cho rằng, dẹp karaoke tra tấn không quá khó, chỉ cần một tổ gồm ba dân phòng và hai công an phường, bỏ ra khoảng năm phút chạy xe máy tới yêu cầu chủ nhà tắt nhạc, nhắc tới lần thứ 2 thì cảnh cáo, lần thứ 3 thì lập biên bản xử phạt, vậy là xong. Không cần cứ phải cứng nhắc, phải có máy đo độ ồn này kia để xứ lý theo đúng quy trình. Cứ làm mạnh tay và kiên quyết, đặc biệt là không cả nể, ý thức người dân sẽ dần được cải thiện.

Nguyên Du - Tấn Thành - Chí Đại