Nạn karaoke ‘bức tử’ làng quê - Bài 3: Thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng cần tôn trọng người khác
Đã nhiều năm vào mỗi dịp Tết, tình trạng hát karaoke đã trở thành vấn nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và quyền riêng tư của nhiều người. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nan giải. Theo một số chuyên gia văn hóa thì cần có những chế tài xử phạt nghiêm để răn đe, tránh tình trạng nhờn luật.
Việc hát karaoke từ lâu đã khá là phổ biến ở Việt Nam.
Trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thời gian Tết nguyên đán, khi mà các quán karaoke không được hoạt động thì người dân chuyển sang hát karaoke ở nhà nhiều hơn. Điều này chứng tỏ trong xã hội thực sự tồn tại nhu cầu giải trí thông qua phương tiện karaoke. Đây là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Mỗi dịp Tết là lúc để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Nhưng khoảng thời gian quý giá đó đã bị phá vỡ do tiếng ồn từ các dàn loa phát ra nhà hàng xóm. Tình trạng karaoke tự phát diễn ra ở bất cứ nơi đâu, từ nông thôn đến thành thị, mọi ngõ ngách và bất cư thời gian nào có thể sáng, trưa, thậm chí là cả đêm muộn…
Không ít người viện cớ vào mấy ngày Tết để xả hơi khiến hàng xóm đành bất lực. Việc ca hát vui xuân trong ngày Tết quá đà làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Nguyên nhân xuất phát từ sự nhận thức trong giao tiếp của một bộ phận người dân. Một số người thoải mái thể hiện và làm những điều mình thích mà không để ý rằng những điều đó đang làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Không ít vụ việc nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến gây gổ, đánh nhau cũng chỉ vì tiếng hát làm khó chịu hàng xóm.
Tình trạng trên không chỉ xuất hiện ở thành phố mà còn nở rộ ở những vùng nông thôn. Lối sống ở nông thôn thì việc tôn trọng không gian riêng tư của người khác chưa được như đô thị.
Đặc biệt ý thức về không gian công cộng, không gian riêng tư của người khác chưa thực sự tốt. Chính vì thế tình trạng hát karaoke trở nên phổ biến.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chúng ta cần có chế tài xử lý về tiếng động ở khu vực nhà riêng. Tuy rằng anh thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong việc hát karaoke nói riêng hoặc nhu cầu cá nhân khác nhưng không để ảnh hưởng và tôn trọng đến sự riêng tư của hàng xóm. Ở đây chúng ta đang thiếu chế tài cho hành vi như vậy.
Có thể đã có những quy định cho quán karaoke nhưng chưa thực sự có chế tài cho hành vi ở nơi riêng tư. Nhân việc này chúng ta cần thực hiện những quy định liên quan đến các hành vi làm ồn ở những khu vực riêng tư”.
Cuộc sống đô thị của Việt Nam không mới nhưng chưa thực sự văn minh. Vì thế cách chúng ta sống tôn trọng không gian riêng tư của người khác chưa thực sự tốt dẫn đến nhiều hành vi chưa phù hợp. Chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến chuyện tôn trọng mình và tôn trọng không gian riêng tư người khác.
Pháp luật cũng đã có những quy định về việc hát karaoke gây ồn ào. Cụ thể, tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị đinh 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi hát karaoke gây ồn ào là hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng nếu được thực hiện trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Hành vi ca hát karaoke gây mất trật tự này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi. Thậm trí còn có thể còn bị phạt tiền đến 160 triệu đồng.
Tuy nhiên theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn thì những quy định đã không được thực thi dẫn đến tình trạng nhờn luật.
“Chúng ta đã có những quy định. Nhưng chỉ khi hàng xóm có những phàn nàn hoặc có những lý do nhất định thì cơ quan chức năng mới đến kiểm tra. Việc chúng ta có những quy định nhưng không được thực hiện dẫn đến câu chuyện bị nhờn luật. Chính vì thế khiến cho tình trạng này xảy ra tràn lan cả ở nông thôn và đô thị trong những dịp Tết”.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, karaoke là một loại hình rất là văn minh, văn hóa nhưng phải hát ở trong không gian kín, không gây ảnh hưởng đến mọi người.
“Hiện nay ở nước ta, có một trào lưu là người dân bật to như tra tấn nhà hàng xóm theo kiểu phô trương, nhạc càng vang to thì càng tốt. Mọi người không nghĩ rằng ô nhiễm tiếng ồn vi phạm quyền con người. Theo tôi cần phải tuyên truyền giáo dục cho mọi người. Để người dân tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Bên cạnh đó cần xử phạt nghiêm để hạn chế”.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các cơ quan ban ngành cần có những giải pháp triệt để: “Chúng ta phải có một nhận thức đúng về giải trí loại hình karaoke trong khu dân cư, nơi công cộng để không làm ảnh hưởng người khác. Mình thỏa mãn nhu cầu của chính mình nhưng cần tôn trọng không gian riêng tư người khác.
Cùng với đó phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt nghiêm minh hơn. Dựa trên những quy định đang có để có những hình thức xử phạt mang tính làm gương. Trên cơ sở đó sẽ ngăn chặn được tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay”.