Thích ứng để sống chung cùng Covid

ĐỨC TRÂN 05/02/2022 14:29

Covid-19 như một cơn sóng thần ập đến trên phạm vi toàn thế giới, và nó đã làm thay đổi cuộc sống và thói quen của chúng ta. Vậy sự thay đổi đó như thế nào?

Học trực tuyến cũng là để phòng, chống dịch. Ảnh: Quang Vinh

Thay đổi để sống chung cùng Covid-19

Không thể phủ nhận những mất mát đau thương mà Covid-19 đã gây ra, hàng triệu người đã chết, kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề, số người thất nghiệp tăng chóng mặt và trẻ em không thể đến trường trong một thời gian dài, quá nhiều tổn thất chưa thể thống kê cụ thể. Covid-19 khiến cuộc sống của mỗi một cá nhân thay đổi, khiến cách sống của một gia đình thay đổi và làm tư duy của cả một cộng đồng thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó không phải lúc nào cũng là tiêu cực.

“Người dân Việt Nam đã thích ứng với việc đeo khẩu trang thường xuyên khi ra ngoài, khi tiếp xúc cùng người khác cũng như việc thực hiện các biện pháp 5K” - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định.

“Trước khi có Covid-19, điều này gần như không thể, nhưng hiện tại, có thể nói, bất cứ ai trước khi ra đường đều sẽ chuẩn bị khẩu trang và giữ khoảng cách cùng người khác khi đối thoại, hay rửa tay thường xuyên. Đây là một thói quen vô cùng có ích trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng Covid-19. Các số liệu thống kê mới nhất đều cho thấy, trong năm vừa qua, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, ho gà, tay chân miệng… giảm đi rất nhiều”.

Khi được khuyến cáo phải tăng sức đề kháng để chống lại Covid-19, không ít người chú trọng việc tập thể dục thường xuyên, lựa chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đó là cũng là một biểu hiện tốt. Nhiều người cũng quan tâm việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là chú ý dọn dẹp sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc của mình.

Dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta từ cuối tháng 4/2021. Để phòng, chống dịch, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khu vực thành nơi phong tỏa, cuộc sống, công việc và kinh tế của người dân chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng vô hình chung, sau một thời gian dài các quán bia hơi, quán karaoke đóng cửa, không ít người đã thay đổi thói quen tụ tập, nhậu nhẹt sau giờ tan sở, thay vào đó, họ dành thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, đồng thời hình thành nên các thói quen tốt như chơi với con cái, chăm đọc sách, tập thể dục, tự giải trí ở nhà…

Thậm chí, thói quen hiếu kỳ, chen chân vào đám đông cũng giảm rõ rệt vì hầu như ai cũng ý thức được rằng ở đám đông đó đầy rủi ro nhiễm bệnh.

Tình người trong dịch Covid-19. Ảnh: Hạnh Châu

Không hoang mang

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, thay đổi quan niệm về Covid-19 là bước đi quan trọng để chúng ta chủ động thích ứng cùng đại dịch.

“Nếu còn quan điểm quá lo sợ trước Covid-19 thì bao giờ mới hết lo? Thế giới này hơn 7 tỷ người, chỉ cần 1 người bị nhiễm thì nỗi lo vẫn còn đó. Bởi vậy, trong bối cảnh mà việc loại trừ virus SARS-CoV-2 có thể là bất khả thi, thì phải xem nó như là một “hiện tượng” hay một “phần tất yếu” của thế giới hiện đại. Chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh cũng như đại dịch này, hiểu rõ các khả năng lây nhiễm, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin, hiểu biết và trách nhiệm.

Đại dịch này sẽ còn kéo dài và việc sống chung an toàn với nó là một xu thế khi xem đây là một phần tất yếu của cuộc sống loài người và không còn sự lựa chọn nào khác.

“Trước hết, chúng ta đều phải thực hiện thông điệp 5K, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để đối diện với nó. Bên cạnh đó, phải sắp xếp lại công việc, cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đề phòng đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, không để nó gây hại đến các mối quan hệ của con người, không làm cản trở đến giáo dục, và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau” - ông Hùng nói.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, để thích ứng với đại dịch, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và xây dựng cảm xúc tích cực trong đại dịch là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể, mọi người cần duy trì một tinh thần thoải mái, tạo thói quen suy nghĩ tích cực; chuẩn bị một tâm lý thích ứng với Covid-19, thay đổi thói quen sinh hoạt, lắng nghe cảm xúc tích cực của cơ thể, giải tỏa suy nghĩ đau buồn, luyện tập và chăm sóc sức khỏe bản thân… là phương thức thích ứng tốt nhất trong đại dịch.

Không chỉ người dân mà lực lượng chức năng ở tuyến đầu, các nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần, được nghỉ ngơi đầy đủ, tạo ra và tìm thấy niềm vui trong công việc.

“Mỗi cá nhân cần đề cao ý thức và trách nhiệm công dân, tin tưởng vào các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch. Các yếu tố tích cực, những mô hình, sáng kiến chung tay phòng, chống dịch của cộng đồng cần được khích lệ, tôn vinh và lan tỏa. Người dân cần được tiếp cận dễ dàng với các trung tâm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Nên dành hẳn một chương trình truyền hình thường xuyên hướng dẫn cách phòng, chống, điều trị Covid-19 tại nhà, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, thay cho các nội dung quảng cáo thương mại hóa tràn lan và xuất hiện liên tục” - GS Anh nhận định

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thừa nhận: “Với những gì virus gây ra ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, chính bản thân tôi là người ủng hộ “zero Covid” khi chương trình tiêm chủng diện rộng chưa bắt đầu. Nhưng hiện tại, “Không sợ Covid-19” là cách sống mới mà chúng ta cần thay đổi”.

“Những tháng cuối năm này, số ca nhiễm vẫn tăng nhanh, nhưng tình huống đã hoàn toàn khác. Vaccine đã được phủ diện rộng và tỷ lệ tử vong rơi chủ yếu vào nhóm chưa tiêm, bệnh nền nguy hiểm. Hệ thống y tế cũng đã kinh nghiệm hơn với việc phát hiện và điều trị ca tăng nặng. Việc điều trị cách ly người nhiễm tại nhà đã được xã hội chấp nhận. Tâm lý nghi kỵ người nghi nhiễm đã không còn vì ai trong chúng ta cũng có thể là F0 hay F1” - ông Hiếu chia sẻ.

Sau những ngày vừa qua, theo tôi bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng các cơ sở y tế. Trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở phường xã đặc biệt là tuyến huyện của chúng ta còn kém, cụ thể là vấn đề con người và cơ sở vật chất trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung để nâng cao tay nghề.

Đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhiều thói quen ăn uống của chúng ta.

Đoàn kết cùng vượt qua đại dịch

Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều. Covid-19 như tấm gương phản chiếu sắc nét những mặt tốt và mặt xấu của xã hội chúng ta. Thấy được những giá trị cốt lõi của con người đó chính là sự đùm bọc chở che nhau trong cơn hoạn nạn. Những tấm gương hy sinh vì dân khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

Những nghĩa cử đẹp trong cộng đồng cả mùa dịch Covid-19 đã cho thấy niềm tin về lòng tốt, sự sẻ chia, là trách nhiệm và ý thức công dân của con người trong xã hội vẫn luôn tỏa sáng đúng lúc và hơn thế chính sự ấm áp những nghĩa cử cao đẹp của tình người đã đưa con người lại gần nhau hơn.

Trong “tâm bão” của dịch Covid-19, các y bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an và tình nguyện viên… không quản ngày đêm túc trực để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân bằng những hành động, việc làm ý nghĩa, tốt đẹp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và thanh niên tình nguyện không quản ngày đêm xuất hiện kịp thời túc trực trên các địa bàn thực hiện cách ly, đồng hành sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Hàng chục nghìn nhân viên y tế tự nguyện xung phong đi vào vùng dịch. Đợt cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021 đã có hơn 30.000 nhân viên y tế cả nước đi vào tăng cường cho các tỉnh phía Nam chống dịch.

Hàng chục bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc. Các nhân viên y tế làm việc liên tục trong các bộ quần áo bảo hộ nóng bức ngạt thở, với các ca trực, những buổi làm việc kéo dài đến 12 giờ và hơn thế cho mỗi ngày làm việc. Ngoài thực địa hàng nghìn nhân viên y tế không quản ngày đêm, không quản nắng mưa đi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết dịch, tiêm vaccine. Cường độ làm việc quá nặng cùng sự căng thẳng đã làm nhiều nhân viên y tế kiệt sức. Nhiều người đã bị lây nhiễm, cũng đã có người hi sinh.

Nhưng trên tất cả là sự khủng khiếp của dịch bệnh đã có tác động rất lớn đến tinh thần người trong cuộc. Rất nhiều y, bác sĩ đã phải chịu những áp lực nặng nề về tâm lý khi liên tiếp chứng kiến bệnh nhân ra đi, không khỏi hoang mang, không biết mình làm sai ở đâu, không biết mình có thực sự giúp gì cho người bệnh được không.

Thế nhưng cho dù kiệt sức, cho dù khủng hoảng tinh thần, cho dù nhân viên y tế người này người khác có những hoàn cảnh riêng khó khăn, nhưng không ai bỏ cuộc. Ngành y tế vẫn đứng vững. Nhân dân trong lúc khó khăn nhất vẫn được chăm sóc.

Cùng với đó, mỗi người dân tùy thuộc vào điều kiện của mình đã có những hành động thiết thực chia sẻ giúp đỡ những người còn khó khăn, yếu thế. Rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nghệ sĩ… trong cả nước đã chủ động đóng góp, thể hiện tấm lòng sẻ chia, chung sức cùng cộng đồng chống lại đại dịch. Tất cả mọi sự ủng hộ không chỉ bằng vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần tăng lên mỗi ngày, mỗi giờ thể hiện sự đồng cam cộng khổ, tương thân tương ái của người dân cả nước trong phòng, chống dịch Covid-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: “Có thể thấy, sau 2 năm đối phó dịch bệnh, chúng ta đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”. Covid-19 buộc từng cá nhân phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với Covid-19 đang được mỗi người thực hiện. Chẳng hạn, thay vì đi tới tận cửa các di tích, các nơi thờ tự như trước đây, chúng ta có thể theo dõi các hoạt động tôn giáo, tâm linh qua Internet nếu địa điểm đó có tổ chức phát trực tuyến. Khi nói chuyện vẫn mang khẩu trang, ngồi xa giữ khoảng cách, hạn chế bắt tay, ôm ấp chào hỏi”.

ĐỨC TRÂN