Quảng Ngãi: Lễ hội đua thuyền Tứ linh đầu năm mới ở đảo Lý Sơn

Tấn Thành-Chí Đại 05/02/2022 19:52

Chiều 5/2, (tức mùng 5 Tết), bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngày 4/2 đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh mừng xuân Nhâm Dần 2022.

Theo đó, lễ hội được tổ chức tại 2 Di tích Quốc gia Đình làng An Hải và Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, với 8 thuyền đua (ở làng An Vĩnh 4 thuyền đua và làng An Hải 4 thuyền đua), mỗi thuyền đua có 24 vận động viên và mang biểu tượng tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng.

Thời gian đua từ ngày 4/2 đến 7/2 (tức mùng 7 Tết).

Các thuyền ở lễ hội đua thuyền Tứ linh ở đảo Lý Sơn.

Sau đó, đến ngày 8/2 (tức mùng 8 Tết), UBND huyện Lý Sơn tổ chức hội đua thuyền huyện với 8 thuyền đua của 2 làng này. Tiếp đến, chọn 4 thuyền đua có kết quả cao nhất để đua vòng vô địch.

Ông Võ Minh, trú huyện Lý Sơn cho biết, lễ hội đua thuyền này là mong muốn người dân bình yên, nông nghiệp cũng như ngư nghiệp bội thu, đắc tài đại lợi. Ngoài ra, cầu mong sự bình an, tốt lành trong năm mới, mà còn là giá trị truyền thống văn hóa nối kết từ quá khứ đến hiện tại, xuyên suốt hàng trăm năm qua trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Nhiều người dân đảo Lý Sơn theo dõi coi lễ hội đua thuyền Tứ linh.

“Lễ hội còn mang ý nghĩa tri ân công đức các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và những tiền nhân đã ra đi bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ là họ là những Cai đội, Chánh suất đội, Thuỷ quân ở đảo Lý Sơn được sung vào đội Hoàng Sa ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Minh nói.

Các vận động viên đua thuyền.

Ông Bùi Tá Thanh, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh cho biết: “Trước đây, việc tổ chức lễ hội đua thuyền Tứ linh là để thi thố tài năng điều khiển thuyền đua trên biển nhằm tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội sung vào đội Hoàng Sa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ngày nay, vận động viên tham gia đua thuyền Tứ linh cũng được tuyển chọn từ những ngư dân giỏi nghề đi biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Lễ hội này đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân đất đảo, thể hiện khát vọng chinh phục biển khơi, nơi mà cha ông đã không tiết thân mình để cắm mốc, dựng bia chủ quyền thiêng liêng của đất nước”.

Tấn Thành-Chí Đại