Nạn karaoke ‘bức tử’ làng quê - Bài 5: Gốc rễ từ ý thức văn minh
Nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, nhưng nạn karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn lâu nay vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà vẫn chưa thể chấm dứt được.
Theo các chuyên gia, việc xử lý vi phạm này còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy định xử phạt còn chưa đủ mạnh.
Đừng “con gà tức nhau tiếng gáy”
Bàn về karaoke, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích lý do vì sao người dân thích ca hát. Ca hát là giải pháp của nhiều người để giảm tải áp lực trong cuộc sống và công việc. Vì vậy, hát karaoke là nhu cầu chính đáng của con người.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đức, có 3 nguyên nhân khiến nạn karaoke gây ồn ào vẫn liên tục diễn ra. Đó là: người tham gia thiếu lịch lãm, thiếu hiểu biết; muốn khoe, thể hiện mình có điều kiện; hoặc là một thói vui quá trớn.
Lâu nay, ở làng quê, không ít người dân vẫn tồn tại tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhà này hát được thì nhà kia cũng hát và phải hát to hơn. Tất cả là do thiếu văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó là sự quản lý còn hời hợt, chưa chặt chẽ của ban văn hóa xã, phường.
PGS.TS Đức cho rằng, ca hát là một nhu cầu không thể cấm. Tuy nhiên, ca hát phải trong khuôn viên gia đình, trong không gian kín, không gây ảnh hưởng tới mọi người. Muốn dẹp nạn karaoke gây ồn ào, bản thân người dân cần nâng cao hiểu biết, tôn trọng cộng đồng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Mỗi làng, xã cần đưa ra những quy định riêng về việc không hát quá to, hát quá giờ, và được ký cam kết với các gia đình vào những dịp lễ, tết.
“Đã có nhiều hệ lụy khi vui quá trớn, hát say sưa nhiều khi bất cần, bất chấp sự nhắc nhở của hàng xóm, những người xung quanh. Để giảm rủi ro trong cơn nóng giận có thể xảy ra, thay vì phạt nóng, chính quyền địa phương có thể đưa ra bằng hình thức 'phạt nguội'.
Tôi cho rằng, việc xử phạt hành vi này cần tình và lý thấu đáo. Muốn thay đổi một thói quen cần 'mưa dầm thấm lâu'. Vấn đề đầu tiên là phải giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân”, PGS.TS Đức nêu quan điểm.
Dưới góc nhìn của một nhạc sĩ, TS Mỹ học Thế Hùng cho rằng, karaoke là một phát minh quan trọng, dấu hiệu văn minh, là nhu cầu được thụ hưởng hoàn toàn chính đáng của con người. Nhưng hát karaoke gây ồn ào ảnh hưởng tới làng xóm, cộng đồng thì khó chấp nhận.
Theo TS Thế Hùng, sử dụng văn minh cuộc sống là phải có thẩm mỹ, văn hóa, phải nghĩ tới mọi người xung quanh chứ không phải mạnh ai người nấy hát.
“Tôi cho rằng, bên cạnh mặt tuyên truyền, giáo dục người dân, cơ quan quản lý cần chế tài phạt nặng, xử lý nghiêm để hạn chế tình trạng này”, TS Thế Hùng cho hay.
Xử phạt liệu có đủ răn đe?
Nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa địa phương, ông Đỗ Văn Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, công tác tuyên truyền về việc hát karaoke luôn được địa phương chú trọng.
Hằng năm, huyện ban hành nhiều kế hoạch, văn bản về thông tin tuyên truyền để nhân dân nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, trong đó có quy định bảo đảm độ ồn trong môi trường sống.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, dù chế tài xử phạt là cần thiết nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Tiếng ồn từ karaoke không chỉ trông chờ vào các quy định định hay việc xử phạt mà cần sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa các quy định cứng với văn hóa, đạo đức đồng bộ.
“Để xử phạt một vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn trong làng xã không hề dễ dàng. Theo tôi, trong văn hóa làng xã, cần cách xử lý mềm dẻo. Nhà nào sai nên dùng hương ước làng để điều chỉnh.
Chúng ta cần răn đe bằng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự bảo ban nhau của mỗi cá nhân, mỗi làng xã, cộng đồng dân cư”, ông Cường cho hay.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke, gây tiếng động, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100 - 300 nghìn đồng với cá nhân vi phạm (nếu là tổ chức thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền gấp đôi).
Với trường hợp “dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền” thì bị xử phạt từ 300 – 500 nghìn đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt nêu trên vẫn còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, LS Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đồng quan điểm: “Chúng ta có nhiều chế tài nhưng đều không đủ mạnh. Thu nhập hiện nay của người dân đã cao hơn nhưng mức tiền xử phạt vẫn như cũ. Thời giá đã không còn phù hợp với giá trị mà người làm luật đã đưa ra cho nên dẫn tới việc nếu sai thì phạt, phạt có mấy trăm chả bõ gì”.
Bên cạnh đó, theo LS Tiền, hiện nay có những bất cập trong việc xử phạt theo luật. Bởi theo Nghị định 155, quy định việc đo tiếng ồn phải được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã, phường được xử phạt hành vi này. Thế nên, đo nồng độ ồn thế nào, xử lý ra sao... khiến cán bộ địa phương gặp khó khăn.
“Tôi cho rằng tới đây cần sự phối hợp liên hành, cần sự giao trách nhiệm và phải xác định giao nhưng họ phải có quyền và điều kiện đi kèm, tránh việc giao rồi lại chung chung. Hơn nữa, phải sửa đổi luật hình sự để đưa các điều luật trong vấn đề xử lý hình sự về tội gây tiếng ồn này chứ không chỉ dừng lại phạt hành chính”, LS Tiền cho hay.
Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề, LS Tiền nhấn mạnh: “Cộng đồng muốn sạch, văn minh thì cần phải có tiếng nói chung tránh việc mặc kệ, việc ai người ấy làm.
Không chỉ giao cho xã phường mà các cấp chính quyền đều phải có tránh nhiệm. Đặc biệt người dân phải có tính tự giác, sẵn sàng tham gia tuyên truyền vì môi trường, vì cộng đồng để tạo ra một phong trào sâu rộng, làm thay đổi thói quen không tốt của một bộ phận người dân. Xử phạt chưa chưa chắc đã thành công mà cần sâu nhất là con người. Đấy là vấn đề tôi nghĩ cần thiết nhất”.