Những vần thơ gửi về từ Trường Sa

ĐOÀN ĐẠI TRÍ 07/02/2022 14:00

Cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) không chỉ có bão gió, hiểm nguy, mà còn có cả những vần thơ không kém phần lãng mạn. Những vần thơ mang hơi thở của biển cả và nắng gió đại dương xa xôi như một món quà đặc biệt mà thầy giáo Nguyễn Hữu Phú (39 tuổi), người đang dạy học ở đảo Song Tử Tây gửi về đất liền.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú và các học trò ở đảo Song Tử Tây.

Câu thơ gieo bốn mùa bão gió

Tôi quen thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú khoảng 3 năm trước trong chuyến công tác thăm Trường Sa. Lúc đó anh mới tới dạy học ở đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa) và cũng bắt đầu cầm bút sáng tác thơ. Những bài thơ đầu tiên của anh xuất hiện trên tạp chí Nha Trang, các tạp chí văn học địa phương hay báo văn nghệ khác. Rồi dần dần công nghệ thông tin giúp những bài thơ của Nguyễn Hữu Phú nhanh tới với độc giả hơn. Sau khi viết xong, anh có thể dễ dàng liên lạc và gửi tác phẩm cho các tờ báo, tạp chí để biên tập, chọn đăng.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú bảo, chính cuộc sống ở Trường Sa đầu sóng ngọn gió giúp anh có nhiều cảm xúc hơn để sáng tác. Khi được tận mắt chứng kiến sự khó khăn vất vả của các anh em cán bộ chiến sĩ, người dân và các bạn học sinh hiên ngang đối mặt với khắc nghiệt của thời tiết. Mùa nắng thì nắng cháy da. Mùa mưa bão thì gió mưa xối xả, biển sóng cao quăng quật tít mù. Còn một điều nữa là nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình của các anh em cán bộ chiến sĩ cũng khiến những vần thơ của anh nảy nở, thăng hoa. Đặc biệt là mỗi khi Tết đến Xuân về càng làm nỗi nhớ ấy da diết hơn. Tất cả tạo nên trong tâm hồn thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú một cảm xúc thật mãnh liệt để anh ghi chép, viết ra giúp độc giả trong đất liền thấu hiểu một phần cuộc sống xa xôi ngoài đại dương kia.

Tôi đã may mắn đọc nhiều bài thơ của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú và thực sự cảm thấy xúc động. Những câu thơ được viết từ tận đáy lòng mình. Anh viết nhiều thơ về mẹ, quê hương đất nước, về sóng gió Trường Sa, cuộc sống biển đảo xa xôi...

Em đến nơi đây mới thấu hiểu nỗi gian truân đời người lính thủy

Gió buốt thấu xương nắng cháy rạn người

Bao hiểm nguy bủa vây rình rập

Căng mắt sa trường canh gác ngày đêm

Hay như bài thơ “Tổ quốc nơi đầu sóng” in Tạp chí văn nghệ Gia Lai, Nguyễn Hữu Phú viết:

Biển cuộn trào mênh mông sóng vỗ đêm nay

Giữa ngàn khơi bao la thân thương hòn đảo nhỏ

Cờ Tổ quốc đỏ tươi năm cánh sao vàng tung bay lộng gió

Rất đỗi thiêng liêng trên cột mốc chủ quyền

Ngoài ra anh cũng chia sẻ, càng sống ở mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này, anh càng yêu hơn Tổ quốc mình. Càng muốn gắn bó với ngôi trường xã đảo Song Tử Tây, yêu các em học sinh rất chăm ngoan, lễ phép và kiên cường đối mặt trước khó khăn thời tiết khắc nghiệt vẫn rạng ngời mướt xanh như cây bàng vuông, cây phong ba.

Quân và dân trên đảo chuẩn bị bánh Tết. Ảnh: N.H.P.

Cầu nối đất liền

Năm vừa qua là một năm đặc biệt không chỉ của người dân Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tất nhiên với quân và dân đang sinh sống ngoài Trường Sa cũng không ngoại lệ. Chia sẻ cùng chúng tôi, thầy Nguyễn Hữu Phú bảo anh vẫn đọc báo mỗi ngày, vẫn biết thông tin từ đất liền, đặc biệt là dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên điều may mắn là đảo Song Tử Tây nơi anh sinh sống tới nay không ai bị mắc Covid-19. Anh kể dù vẫn có những chuyến tàu từ đất liền ra Trường Sa công tác nhưng trước khi đi đều thực hiện việc cách ly, tiêm chủng nên rất an toàn. Ngoài ra mọi người trên đảo cũng được tuyên truyền nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện tốt quy định 5K dù sống giữa bốn bề đại dương.

Những ngày cuối năm này, cũng như hàng triệu người dân Việt Nam dù sinh sống bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào mọi người cũng đều tất bật chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên đán cổ truyền. Thầy Phú cho biết, việc chuẩn bị Tết trên đảo đến sớm hơn so với ở đất liền. Phần vì đồ đạc không dư dả, muốn mua lúc nào cũng sẵn và phần vì Tết ở ngoài đảo xa luôn thiêng liêng, ý nghĩa hơn. Hầu như ai cũng mong ngóng những ngày Tết, đặc biệt là các cô cậu học trò của anh. Với riêng mình, anh cũng chuẩn bị một ít gạo nếp, đậu xanh để góp cùng mọi người gói bánh chưng, bánh tét để thắp hương gia tiên. Ngoài ra anh cũng chuẩn bị cho mình 1 cành phong ba, cành phi lao có gắn hoa nhựa mai đào cho không khí Tết được đầm ấm hơn. Mặc dù Tết năm nay sẽ thiếu thốn hơn so với những năm chưa xảy ra dịch bệnh nhưng tình làng nghĩa xóm, tình quân dân trên đảo lại càng gắn bó chia sẻ nhiều hơn, ấm cúng hơn.

Anh còn chia sẻ rằng trước Tết (giữa tháng 12/2021), quân và dân trên đảo còn hứng chịu một cơn bão mạnh chưa từng có trong vài năm trở lại đây. Đó là cơn bão Rai số 9 khiến mọi thứ trên đảo tan hoang, nhà cửa bị tốc mái, cây cối gãy đổ gần như hoàn toàn, nước vào nhà làm hư hỏng một số vật dụng. Mặc dù trước đó công tác phòng, chống chuẩn bị rất chặt chẽ nhưng cơn bão diễn ra ngoài sức tưởng tượng. Sau khi mưa gió đi qua, anh cùng những cô cậu học trò nhỏ của mình đã phải mất mấy ngày để phơi lại sách vở vì bị ướt. Tôi cũng đã xem những bức ảnh anh chia sẻ trên trang cá nhân, nhìn những cô cậu học trò nhỏ hì hục gỡ từng trang sách giáo khoa ướt nhèm nước mà không khỏi xúc động.

Cuộc sống ở Trường Sa hiện lên trong thơ Nguyễn Hữu Phú phảng phất một chút thơ mộng và chân thực, như chiếc cầu nối giúp đất liền hiểu hơn về biển đảo xa xôi ngoài kia. Và đó cũng là một món quà tri ân mà anh gửi vào trang viết để cảm ơn tình cảm đất liền.

Những sắc màu lung linh rợp đảo Trường Sa

Hoa bàng vuông, hoa phong ba…

tỏa hương ngào ngạt

Em đến thăm anh

giữa ngày xuân xanh ngát

Tháng Giêng rưng rưng, bịn rịn, nồng nàn

ĐOÀN ĐẠI TRÍ