Xứng danh Xòe Thái
Năm 2021, Xòe Thái đã ghi dấu ấn đặc biệt khi được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Như vậy, Xòe Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ cho Xòe Thái đệ trình lên UNESCO, GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, đã từ hơn chục thế kỷ qua, Xòe luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của cộng đồng dân tộc Thái. Đây là một loại thực hành văn hóa vừa có nét chung của múa dân gian như các dân tộc khác, vừa mang bản sắc văn hóa riêng, Xòe đồng hành cùng cộng đồng qua quá trình lao động làm ăn để tồn tại, đồng thời lại luôn gắn bó với các hình thức thực hành tín ngưỡng của người Thái từ xa xưa.
Xòe không chỉ đơn thuần thể hiện một cuộc sinh hoạt nắm tay nhau nhún nhảy vòng quanh đống lửa mỗi khi có hội hè đình đám, mà loại hình văn hóa nghệ thuật này luôn luôn được sáng tạo và thể hiện hết sức phong phú, sinh động và đa dạng. Xòe gắn với các thực hành nghi lễ vòng đời người, gắn với các sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Thái.
Xòe Thái với sự tích hợp giá trị giữa tín ngưỡng và nghệ thuật mang bản sắc văn hóa tộc người rõ nét, đã góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Thái nói riêng, cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên nghệ thuật Xòe truyền thống của dân tộc Thái đang có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh những điệu Xòe truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, ít nhiều đã phá vỡ tính nguyên bản của nghệ thuật Xòe truyền thống. Cùng với nó là sự biến đổi về âm nhạc, nhiều nơi đã thay thế nhạc truyền thống bằng âm nhạc hiện đại.
Theo nhạc sĩ Tuấn Giang, hiện tượng lai ghép văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập là một thực thể hiện hữu của giới trẻ, của lớp người lao động công nghệ, thức ăn nhanh đường phố, số hóa đời sống nghệ thuật, thuộc về thế hệ mới. Vì thế, âm nhạc trong Xòe Thái đương đại cần phát triển theo hai mảng, hay hai khu vực văn hóa, nghệ thuật rõ ràng. Ở đó, mảng bảo tồn phát huy các giá trị Xòe Thái cổ, với dân ca Thái cổ, do nghệ nhân biểu diễn, gồm nghệ nhân già và lớp kế nghiệp trẻ.
Còn với khu vực Xòe Thái đương đại với âm nhạc đương đại, do đa số là thế hệ trẻ múa, hoặc lực lượng quần chúng nhảy múa. Xòe đương đại, Xòe cải biên, lai ghép âm nhạc, sáng tác mới, hoặc âm nhạc Âu, Mỹ đương đại như Rap, Hiphop, Rock, Pop… Tuy nhiên, về cơ bản để phát triển lâu dài thì Xòe Thái cần sớm được bảo tồn phát huy. Các tỉnh Tây Bắc có Xòe Thái, cần phát triển Xòe Thái cổ truyền, đồng hành cùng âm nhạc dân ca Thái cổ xưa, liên kết với văn hóa du lịch để phát triển múa Xòe Thái bền vững, ít bị thất truyền trong nhịp sống văn hóa của con người, xã hội đương đại.
Có một thực tế thế hệ trẻ khi Xòe không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu Xòe đến nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, còn lại không được thực hành rộng rãi.
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, sắp tới sẽ phải dịch những lời bài hát gắn với các múa Xòe để mọi người hiểu hết về giá trị của nghệ thuật này.
“Hàng trăm câu lạc bộ Xòe ở các thôn, bản người Thái khắp vùng Tây Bắc đã và đang là những nguồn lực nòng cốt xây tạo mối đoàn kết cộng đồng trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay. Đó cũng chính là những giá trị cơ bản của Xòe Thái đã được UNESCO ghi nhận và đánh giá cao” - ông Thanh nói.
Không thể phủ nhận, nghệ thuật trình diễn múa dân gian Xòe Thái là một trong những biểu hiện của nền văn hóa dân tộc, nó là sự chắt lọc tinh hoa của phong tục tập quán mang tính tích cực của dân tộc. Từ lâu, Xòe Thái đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa đặc trưng, “tài sản văn hóa” chung của đồng bào 20 dân tộc anh em sống trên vùng núi cao Tây Bắc của Việt Nam. Để tiếp tục bảo vệ và phát huy, nâng tầm di sản văn hóa nghệ thuật Xòe Thái như một tài sản văn hóa phi vật thể, cần thực hiện theo Công ước của UNESCO năm 2003, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức.
Không phải lúc nào, giá trị của di sản cũng được nhận thức đúng, từ nhận thức đúng sẽ có hành động đúng.
Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần nâng tầm giá trị di sản ở tầm nhìn quốc gia và quốc tế. Qua đó, Xoè Thái đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung.
Mỗi kiểu xòe thường là nơi hội tụ các biểu tượng văn hóa, qua đó thể hiện quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như ý thức ứng xử với tự nhiên, xã hội và con người với nhau của các thế hệ người Thái trên tiến trình lịch sử.