Dạy và học thời Covid

THU HƯƠNG 07/02/2022 06:30

Năm 2022 sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mà trở thành xu hướng tất yếu, giải pháp lâu dài để thích ứng với dịch bệnh.

Học sinh một số trường bắt đầu học trực tiếp. Ảnh Quang Vinh.

Linh hoạt các hình thức dạy học trực tuyến

Hơn 20 triệu học sinh (HS), sinh viên và gần 2 triệu nhà giáo các cấp học đã bắt đầu năm học 2021-2022 với nhiều điều mới. Ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lễ khai giảng trực tuyến trên truyền hình vào đúng ngày 5/9 lần đầu tiên được tổ chức trong sự bồi hồi, xúc động của cả thầy cô, phụ huynh và HS. Chưa bao giờ một điều bình thường là được đến trường, đi học trở thành niềm mong ước “xa xỉ” của cả thầy và trò như 2 năm qua.

Nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, ở năm Covid thứ hai, thầy và trò cả nước đã không còn bỡ ngỡ với hình thức học trực tuyến, trừ khối lớp 1 lần đầu cầm bút, làm quen với sách với phấn nhưng lại do phụ huynh cầm tay chỉ dạy nên khó khăn nhiều hơn các anh chị lớp trên.

Nhớ lại thời điểm ngay từ khi bùng phát dịch Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã nhanh chóng bắt nhịp với việc học trực tuyến để đảm bảo kế hoạch năm học. Khó khăn chồng chất nhưng vừa triển khai vừa học hỏi, vướng đâu gỡ đó, sai đâu sửa đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, hình thức học tối ưu này trong hoàn cảnh dịch bệnh được các trường đồng loạt áp dụng.

Những lớp học ảo mà thật - thật mà ảo được duy trì đem lại sự yên tâm phần nào cho cả xã hội khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn, HS các cấp ở nhà mãi không có hoạt động giao lưu gì đáng kể…

Tất nhiên, học trực tuyến không chỉ toàn là thuận lợi. Khó khăn đầu tiên gặp phải đó là cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ khi đường truyền phập phù, nhiều nơi không có sóng điện thoại, mạng yếu nên học một buổi bị thoát ra khỏi lớp vài lần… Về phía HS, thậm chí cả giáo viên, nhiều thầy cô không có thiết bị để dạy.

Từng nhà trường, từng địa phương đã chủ động thống kê và kêu gọi các mạnh thường quân, doanh nghiệp thực hiện chương trình xã hội hóa để giúp đỡ các HS có hoàn cảnh khó khăn về thiết bị học tập. Một chương trình với ý nghĩa nhân văn như “Sóng và máy tính cho em” ra đời đã giúp hàng nghìn trẻ em trên cả nước có được điện thoại, máy tính bảng… để bắt nhịp với việc học.

Cô Khúc Hồng Quý, giáo viên trường THPT Thuận Thành số 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại thời điểm tháng 5/2021 khi cô đang ở trong khu cách ly tập trung vẫn tích cực soạn bài, soạn đề và ôn thi tốt nghiệp cho HS lớp 12, ôn tập thi học kỳ cho HS khối 10. Không có mạng wifi, cô phải mua gói data cho di động để dùng. Lúc thì cô bị out, lúc mạng của học trò chập chờn nên việc học liên tục bị gián đoạn, nhưng cô và trò vẫn nỗ lực hết sức.

Không tạo áp lực cho học sinh

Giáo viên Nguyễn Minh Lý, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, so với học trực tiếp trên lớp, dạy học qua internet khiến thời gian tương tác giữa giáo viên và HS ít đi. Vì vậy, để tăng hiệu quả của các giờ thực hành vốn là hạn chế của học online, các thầy cô trong trường đã nhiều lần họp bàn và đi đến thống nhất là phải tổ chức các buổi học theo hướng mở.

Không chỉ hướng dẫn HS thao tác đơn thuần mà giáo viên cần đặt những câu hỏi gợi mở, qua đó kích thích khả năng tư duy và sáng tạo của HS. Ðồng thời thiết kế bài giảng cũng yêu cầu các nội dung HS tự tìm hiểu trước, trong và sau khi học bài đó để HS nắm vững bài, tận dụng thời gian online để hỏi đáp những điều còn thắc mắc, nghi vấn. “Thời gian lao động của cả thầy và trò đều phải tăng lên so với học trực tiếp mới đảm bảo các yêu cầu đặt ra của bài học” - cô Lý nêu thực trạng.

Về phía Bộ GDÐT và các Sở GDÐT nhiều địa phương thời gian qua đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn dạy học trực tuyến cho giảng viên, giáo viên các cấp để trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết phải có trong quá trình dạy học trực tuyến. Theo ThS Kiều Phương Thùy - Khoa Công nghệ thông tin, Trường ÐH Sư phạm Hà Nội, để dạy học trực tuyến hiệu quả, cần tuân thủ quy tắc 5T bao gồm: Trang thiết bị phù hợp, Tinh giản nội dung, Tăng cường tự học, Tích cực tương tác, Tinh thần thoải mái.

Trong đó, đầu tiên là phần trang thiết bị phù hợp gồm máy tính, điện thoại có kết nối internet của cả thầy và trò, lựa chọn các nền tảng học tập và các công cụ, phần mềm hỗ trợ phù hợp với mục đích sử dụng của giáo viên, phù hợp với HS và bối cảnh dạy học.

Thứ hai là tinh giản nội dung. Trong đó, lựa chọn yêu cầu cần đạt, nội dung cốt lõi, số hóa học liệu, video hình ảnh, âm thanh…

Thứ ba là tăng cường tự học bằng cách giao nhiệm vụ học tập phù hợp cho HS trước giờ lên lớp bằng cách xem video, đọc sách giáo khoa, làm phiếu bài tập… Có thể chọn hình thức làm bài tập theo nhóm hoặc tự làm bài tập ở nhà, giáo viên cần hỗ trợ và kiểm tra HS thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư là tích cực tương tác bằng cách chia nhỏ hoạt động, thông thường từ 4-5 phút/hoạt động thay vì 7-8 phút như trên lớp học trực tiếp. Thầy cô sử dụng đa dạng hình thức như giơ tay, thả tim,… để HS luôn vận động, không nhàm chán. Tiếp theo có thể đặt câu hỏi, gọi ngẫu nhiên HS trả lời hoặc lấy phản hồi của cả lớp. Cũng có thể chơi các trò chơi, làm bài tập tương tác trên các ứng dụng sẵn có ngay trong giờ học để xem mức độ hiểu bài của HS đến đâu và điều chỉnh cách dạy học phù hợp.

Cuối cùng là tinh thần thoải mái. Ðiều này rất quan trọng bởi học trực tuyến so với học trực tiếp chắc chắn sẽ có những sự cố ngoài ý muốn nhiều hơn nên thầy cô cần chuẩn bị các phương án dự phòng để không bị động nếu xảy ra. Lựa chọn những gì phù hợp nhất để triển khai trong nội dung bài học. Tuyệt đối không tạo áp lực cho HS.

Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Hương Quỳnh - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học tiếng Anh, Khoa Tiếng Anh, Trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho rằng giáo viên cần căn cứ trên khung chương trình để lựa chọn nội dung cốt lõi truyền tải tới HS do giới hạn về thời gian, hình thức học khác với trên lớp. Sau đó, tách thành các phần nhỏ, chuỗi hoạt động theo tiến trình để đảm bảo dưới sự hướng dẫn của giáo viên HS có thể hoàn thành được. Giáo viên cần cân nhắc lựa chọn các hình thức thể hiện, có thể sử dụng kênh hình, kênh chữ, có kèm video hay audio hay kèm video… Cần nhìn xem HS sẽ tương tác với học liệu theo cách nào.

Mỗi hình thức học tập đều có những ưu nhược điểm riêng, nhất là với phương án học trực tuyến còn khá mới mẻ với hệ thống giáo dục Việt Nam. Dạy học trực tuyến hoàn toàn khác so với các lớp học truyền thống, vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết cơ bản về việc sử dụng các trang thiết bị, phần mềm dạy học. Vì không thể lên lớp và gặp mặt trực tiếp HS nên giáo viên cần tìm hiểu thêm một số phương pháp dạy học mới, phù hợp hơn cho các lớp học trực tuyến.

Ðể giúp giáo viên hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, nhà trường, các trung tâm giáo dục cần đầu tư vào việc đào tạo giáo viên cách sử dụng công nghệ dạy học trực tuyến mới nhất, những quy định, lưu ý khi giảng dạy trực tuyến.

Về phía phụ huynh, cha mẹ phải luôn đồng hành, làm tốt công tác tư tưởng cho các em đối với việc học trực tuyến. Ðể HS hiểu rõ, chuẩn bị tâm thế tiếp cận phương pháp này nên tạo không gian yên tĩnh, cố định, sắp xếp đồ dùng học tập gọn gàng và dễ lấy khi cần. Nên loại bỏ tất cả những đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như ti vi, đồ chơi, vật nuôi,… ra khỏi tầm mắt của HS.

Dạy học trực tuyến phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GDÐT bàn giải pháp đẩy mạnh dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã lưu ý với ngành Giáo dục: “Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá HS, không làm gia tăng bất bình đẳng trong học tập, đặc biệt trong thi cử, nhất là các kỳ thi chuyển cấp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho HS, phụ huynh cũng như toàn xã hội yên tâm”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp; trong đó sẽ chú trọng đến khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Bộ GDÐT sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới việc tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác.

Về lâu dài, Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Cân nhắc thời gian học tập phù hợp

Theo thầy Nguyễn Trường Giang (Học viện Quản lý Giáo dục), bên cạnh hàng loạt những ưu điểm của việc học trực tuyến như phù hợp với nhiều kiểu học, cải thiện sự chuyên cần của HS, chi phí thấp… thì việc thực hiện cần có sự nghiên cứu triển khai kỹ lưỡng, hợp lý nếu không sẽ lợi bất cập hại. Trong đó, cần cân nhắc về thời gian dạy và học trực tuyến phải khoa học, phù hợp với từng đối tượng, từng độ tuổi.

Lấy ví dụ về con gái đang học lớp 2 theo hình thức trực tuyến, thi kiểm tra vào buổi tối, thầy Giang cho rằng làm như vậy vô tình làm rối loạn đồng hồ sinh học của các bé. Mặc dù nhiều vị phụ huynh cho rằng học buổi tối phụ huynh có thể kèm con, rất thuận lợi nhưng trên thực tế, việc bé học bài ở nhà khác hoàn toàn với việc bé học trực tuyến khi cô dạy, 2 việc khác nhau.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi trong thời gian dịch này việc học trực tuyến vẫn nên thực hiện giống như lịch học bình thường trên lớp, nhưng rút ngắn thời gian học kiến thức theo từng khoảng, giữa các khoảng đó có thể cho HS nghỉ giải lao hoặc hướng vào những trò chơi mà có thể tương tác được giữa HS với nhau” – thầy Giang đề xuất.

Học trực tuyến khó khăn nhất với lứa tuổi tiểu học do các em còn nhỏ, chưa thao tác thành thạo nhiều kỹ năng. Song từ thực tế nhiều trường tư thục, dân lập và cả công lập đang triển khai dạy hàng ngày buổi sáng – chiều cho HS đúng như thời khóa biểu học trực tiếp cho thấy HS sau những bỡ ngỡ ban đầu cũng đã làm quen và thành thạo tất cả các kỹ năng cần thiết để học trực tuyến. Như vậy, giúp các em chủ động trong việc học và tối về, phụ huynh có thể tiếp tục theo dõi, đôn đốc bài vở những phần còn khuyết theo nội dung chương trình.

GS. Nguyễn Trọng Hoài (Trường ÐH Kinh tế TPHCM) nhận định trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn hiện hữu cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của các thành tựu chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục, dù đã phủ vaccine với tỉ lệ cao thì học tập trong bình thường mới phải tận dụng các công nghệ số là điều tất yếu.

“Không nhất thiết phải học trực tiếp bình thường theo cơ chế truyền thống 100% thời gian như trước đây mà đòi hỏi hệ thống giáo dục phải có một cách tiếp cận học mới theo các nền tảng công nghệ giáo dục. Từ đó sẽ có khả năng giảm thiểu lưu lượng người học đến trường trong mọi thời điểm mà khả năng giao tiếp vẫn diễn ra bình thường. Mô hình này sẽ giúp người học và người dạy không còn bị sốc phải chuyển sang học hoàn toàn online khi bất ngờ ứng phó với Covid-19 có thể tái bùng phát” - GS Nguyễn Trọng Hoài cảnh báo.

Học online cần thiết và khả thi nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn học trực tiếp khi HS được tương tác trực tiếp với giáo viên, phát triển các kỹ năng quan sát, nghiên cứu, thực nghiệm…Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo cần cân nhắc, tận dụng thời gian dịch bệnh được kiểm soát để cho HS đến trường củng cố các kỹ năng, kiến thức cần thiết bổ khuyết sau quá trình học trực tuyến kéo dài.

“Năm 2022, Bộ GDĐT xác định đây sẽ là năm tập trung để triển khai đề án về chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, những xây dựng, hạ tầng về công việc, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về sử dụng và khai thác để vừa phục vụ cho đổi mới hoạt động dạy và học, đồng thời cũng chính là việc rất thiết thực trong ứng phó với dịch bệnh”, - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), bản chất của việc dạy học trực tuyến là giáo viên sẽ có thêm một “người bạn”, có thêm một công cụ đắc lực. Khi có một trường học công nghệ với hệ quản trị, hệ thống dữ liệu và đánh giá, tương tác tốt thì giáo viên như có thêm người trợ lý. Tuy nhiên, giáo viên phải có thêm kỹ năng “chọn bạn”, tức là chọn công cụ để phục vụ cho việc dạy học của mình.

Người thầy cũng thêm vai trò như là một huấn luyện viên khi dẫn dắt, hướng dẫn kỹ năng công nghệ cho học sinh. Để làm được điều này, giáo viên cũng phải có hiểu biết về sử dụng công nghệ (giao tiếp, biểu đạt thông tin, thiết kế bài học...).

THU HƯƠNG