Huyền tích Mường Xia

ANH TUẤN 08/02/2022 14:00

Khi những nụ đào bung cánh khắp các lèn đá, bà con lại tưng bừng tổ chức lễ hội Mường Xia để tri ân công lao to lớn của vị thần Tư Mã Pha Dùa và cầu mong vị thần ấy phù hộ cho bản mường một năm mới ấm no, an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở…

Lễ rước “đá vía” về đền thờ vị thần Tư Mã Pha Dùa được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm trong dịp đầu năm mới.

Lễ hội Mường Xia trước đây được đồng bào huyện vùng cao Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) tổ chức 5 năm một lần với tên gọi “lễ cầu mường”. Đó là dịp để làng trên, bản dưới tri ân vị tướng Tư Mã Hai Đào, người có công lao to lớn tiến quân lên biên giới, diệt trừ quân xâm lược, cai quản yên lành, phồn thịnh cả vùng trời biên giới vào thế kỷ XVII.

Các mẹ, các chị người dân tộc Thái chuẩn bị kỹ trang phục lộng lẫy khi tham gia lễ hội Mường Xia.

Khi vị tướng tài ba hóa thân vào đất trời, bà con tôn ông thành thần Tư Mã Pha Dùa, giữ vía cho mường bản và lập đền thờ, tiện việc tâm nhang. Song, thời cuộc thay đổi, sau lần tổ chức cuối cùng vào năm 1957, lễ hội lặng lẽ tồn tại ở bản Trung Sơn, xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn bằng việc duy trì cúng tế hàng năm mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hai thiếu nữ người Thái phấn khởi tham gia vào công tác chuẩn bị cho lễ hội.

Phải mất gần 6 thập kỷ, đến năm 2010, lễ hội Mường Xia mới được khôi phục. Kể từ đây, vào ngày 9 - 10 tháng 2 âm lịch, Mường Xia lại tưng bừng mở hội, lưu giữ cơ bản những nét văn hóa đặc sắc thuở xưa.

Học sinh với tiết mục múa Pồn Pông.

Trong không gian tươi đẹp nơi phên dậu của Tổ quốc, khi những nụ đào năm cánh bung khắp các lèn đá, đồng bào vui mừng thả hồn vào những lời ca, điệu múa mượt mà, uyển chuyển, được đắm mình say sưa trong những thanh âm ngàn đời của các nhạc cụ: Khua loóng, cồng chiêng, khèn bè…; ngắm nhìn các thiếu nữ xinh đẹp thuần khiết, lung linh trong những bộ trang phục truyền thống.

Sản vật của núi rừng được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa vào đền.

ANH TUẤN