Cổ phiếu ngân hàng trở lại đà tăng trưởng
Kết thúc năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng.
Triển vọng năm 2022?
Đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tích cực và đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh vào giữa năm, cổ phiếu nhiều ngân hàng quay đầu giảm mạnh. Báo cáo mới đây của FiinGroup nhận định, cổ phiếu nhiều ngân hàng đã có dấu hiệu hồi phục trong thời gian gần đây tuy vẫn còn cách khá xa so với đỉnh lập vào thời điểm giữa năm.
Giá cổ phiếu ngân hàng được nhiều chuyên gia và một số công ty chứng khoán nhận định đã chiết khấu về vùng giá hấp dẫn để mua vào. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng, tốc độ tăng giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021 đã vượt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Tính chung cả nhóm này, tốc độ tăng giá là 36,1%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là 32,8%.
Một số ngân hàng có tốc độ tăng giá cổ phiếu vượt tăng trưởng lợi nhuận như VCB, TCB, BID, VPB, CTG, MBB, ACB, VIB, SHB, HDB. Định giá cổ phiếu ngân hàng theo P/B và P/E đều đang ở mức cao lần lượt là 13,1 lần và 2,3 lần, cao hơn một chút so với P/E và P/B trung bình lịch sử 5 năm là 12,7 và 2 lần…
Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng trong thời gian qua, những điều này tạo áp lực về số lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, qua đó ảnh hưởng lên giá cổ phiếu.
Theo ông Daniel Tabbush, sáng lập viên Tabbush report, hiện nay nếu sử dụng phương pháp định giá theo P/E hay P/B sẽ không phù hợp và công bằng cho các ngân hàng Việt Nam. Bởi Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và nhiều triển vọng hơn so với các nước trong khu vực và có sự phân hóa lớn về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Daniel cho rằng, sử dụng PEG (PE đi kèm với tốc độ tăng trưởng của EPS) sẽ phù hợp để đánh giá và so sánh các ngân hàng Việt với các ngân hàng trong khu vực.
Các ngân hàng Việt hiện đang mang những yếu tố hấp dẫn về định giá vượt bậc với PEG hiện chỉ giao động ở mức 0.2 đến 1 (mức 0.5 là tốt nhất), trong khi đó các ngân hàng trong khu vực hiện nay mức PEG đã lên đến 2 hoặc thậm chí 4. Điều này sẽ mang đến cơ hội to lớn, một khi ngành tài chính Việt Nam mở cửa rộng hơn cho room ngoại, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến với các ngân hàng.
Bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc bộ phận phân tích Dragon Capital cho biết, hiện nay, quỹ này đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao do tự tin vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm này.
Theo bà Dương, tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn nhờ vào tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ, nhất là khi nền kinh tế quay trở lại ổn định sau giãn cách xã hội.
Hơn nữa, nguồn thu nhập của các ngân hàng ngày càng trở nên đa dạng hơn, không chỉ đến từ cho vay mà còn từ nguồn thu phí dịch vụ với sản phẩm ngày càng đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của nhóm khách hàng bán lẻ.
Vẫn còn sóng!
Với các diễn biến vĩ mô từ cuối quý IV/2021 và nửa đầu năm 2022, mức tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng so với cùng kỳ có thể tiếp tục chậm do mức nền so sánh cao của quý IV/2020 và nửa đầu năm 2021.
Chia sẻ với báo chí bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định “Với triển vọng tăng trưởng trong 3-6 tháng tới không còn hấp dẫn như nửa đầu năm 2021, sức hút của cổ phiếu ngân hàng cũng giảm đi”.
Trong cả năm 2022, giám đốc SSI Research cho rằng triển vọng ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa trở lại cũng như tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Nếu giả định mở trở lại các đường bay quốc tế vào nửa cuối năm 2022 và không còn giãn cách xã hội nghiêm ngặt như năm 2021, triển vọng của ngành ngân hàng cũng sẽ sáng hơn trong nửa cuối năm 2022.
Còn theo các chuyên gia phân tích tại VNDirect, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm nay nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Trong đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế.
Về dòng tiền, thanh khoản thị trường tăng ổn định trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp sẽ còn kéo dài, nên cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này với việc chiếm 1/4 vốn hóa toàn thị trường.
Tuy vậy, các chuyên gia tại đây cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2022 nhiều khả năng sẽ chậm lại và rủi ro chính đối với ngành là việc xuất hiện các biến thể mới của dịch Covid-19, cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cao hơn cản trở việc mở rộng cho vay.