Phiêu lưu trong vũ trụ ảo
Nếu như công nghệ trí tuệ thông minh là cuộc chạy đua suốt nhiều năm với cả những điều tiếng, thì năm 2022 được “tiên đoán” là năm của vũ trụ ảo. Tới nay, Chính phủ Barbados là quốc gia đầu tiên đã ký thỏa thuận thành lập đại sứ quán kỹ thuật số, một hành động được coi là quyết định mở rộng phạm vi tiếp cận ngoại giao của mình sang vũ trụ ảo.
Đặc phái viên Barbados tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Gabriel Abed nói với CoinDesk: “Các đại sứ quán là điểm khởi đầu để có được thị thực nhập cảnh vào một quốc gia. Bạn có thể tưởng tượng điều đó sẽ trông như thế nào trong môi trường ảo không? Và thị thực điện tử đó có thể dẫn bạn đến đâu?”.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã tuyên bố sẽ gia nhập vũ trụ ảo với tên gọi tạm thời là “Metaverse Seoul”. Seoul dự định tạo ra một hệ sinh thái giao tiếp ảo cho tất cả lĩnh vực quản lý của thành phố, bao gồm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và dịch vụ công dân trong 3 giai đoạn kể từ năm 2022.
Trong khi đó, Tập đoàn Facebook (Mỹ) thông báo đổi thương hiệu dưới một công ty mẹ mới Meta, và tìm cách mở rộng sang vũ trụ ảo. Hàng chục công ty khác, bao gồm Microsoft, Roblox và Nvidia, cũng đang tìm cách phát triển phần mềm và phần cứng để bắt kịp trào lưu thế giới kỹ thuật số.
Cũng là một thông tin “giật gân” khi trang Crunchbase cho biết các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót cả trăm tỉ USD vào nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thế giới ảo và 2022 được dự đoán là năm chứng kiến vũ trụ ảo bùng nổ. Theo đài CNBC, vũ trụ ảo cho phép người sử dụng làm việc hoặc vui chơi trong không gian 3D ảo, hoặc lấy thông tin từ internet và tích hợp chúng với thế giới thực theo thời gian thực.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Meta khẳng định họ đầu tư vào thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) nhiều đến mức lợi nhuận của công ty bị giảm 10 tỉ USD. Trong những năm tới, theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), sẽ có đến 1.350 tỉ USD được đầu tư để phát triển các công nghệ này. Trước mắt, Meta đang lên kế hoạch ra mắt kính thực tế ảo Project Cambria trong năm nay. Thiết bị này được cho là sẽ có phần cứng mang lại trải nghiệm “thực tế hỗn hợp” tốt hơn, bên cạnh công nghệ theo dõi khuôn mặt và mắt giúp thiết bị này phản hồi nhanh hơn với lệnh của người dùng.
Không giống với Meta, Apple chưa bao giờ xác nhận họ đang nghiên cứu và phát triển kính thực tế ảo. Tuy nhiên, Apple đã và đang đặt nền tảng cho một sản phẩm hoàn toàn mới, được cho là một bộ kính cao cấp giúp người dùng trải nghiệm kết hợp VR và AR. Sự ra đời của sản phẩm này có thể làm rung chuyển thị trường và tạo ra một hướng tiếp cận mới cho nhiều đối thủ thách thức, giống như những gì iPhone và Apple Watch từng làm với thị trường điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh.
Google cũng có những động thái cho thấy họ đang nghiêm túc trở lại với nỗ lực phát triển AR sau thất bại của kính thông minh Google Glass. Google đã mua lại North, một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển kính AR, vào năm 2020. Gã khổng lồ công nghệ này còn có một đội ngũ mới tập trung phát triển hệ điều hành AR và đang tuyển dụng nhân sự rầm rộ để hỗ trợ nỗ lực “cải tiến thiết bị AR”.
Trong khi đó, Microsoft đang đẩy mạnh đầu tư vào các dịch vụ đám mây để làm “chất kết dính cho các thế giới ảo” - nền tảng cho phép người dùng chia sẻ trải nghiệm ảo cùng nhau.
Cho đến nay, vũ trụ ảo được coi là cuộc đua của “hai ông lớn” Microsoft và Meta. Cả hai công ty đều cho biết người dùng sẽ có thể tạo hình đại diện, hoặc phim hoạt hình của chính họ, và hình ảnh này có thể di chuyển tự do giữa các thế giới ảo khác nhau.
Microsoft cho biết, trong nửa đầu năm 2022, người dùng Teams sẽ có thể bắt đầu xuất hiện dưới dạng ảnh đại diện trong các cuộc họp trực tuyến mà họ đã tham dự. Ông Jared Spataro - người đứng đầu ứng dụng Teams, nói rằng: “Việc có một ô vuông trong cuộc trò chuyện video nhóm sẽ khiến bạn không cảm thấy lạc lõng”.
Ngược lại với Microsoft, Facebook đã hướng thẳng vào thực tế ảo. Với bản beta mở của Horizon Workroom, một ứng dụng miễn phí được thiết kế để nhân viên làm việc cùng nhau trong văn phòng ảo thông qua tai nghe Oculus. Người dùng có thể nghe thấy mọi âm thanh từ những người khác trong phòng. Hiện có gần 300 triệu người sử dụng Microsoft Teams ít nhất một lần mỗi tháng.
Tuy nhiên, ông Peter Barrett - một nhà đầu tư mạo hiểm cảnh báo sau đại dịch Covid-19: “Mọi người đều đã trải qua sự mệt mỏi khi tương tác với ai đó qua Zoom. Chúng tôi muốn ở bên những con người cụ thể”. Ðiều đó có thể được hiểu là vũ trụ ảo chưa chắc đã “lên ngôi” ngay trong năm 2022 cho dù nó được coi là một xu hướng công nghệ lẫn thương mại.
Giới chuyên gia công nghệ cho rằng, dù có thể chưa “phủ sóng” ngay nhưng vũ trụ ảo vẫn sẽ là “điều gì đó hấp dẫn bậc nhất” cho phép con người được sống trong một thế giới khác, một thế giới lung linh do chính mỗi người tưởng tượng ra và muốn chìm đắm trong đó trước khi quay về với cuộc sống thực. 10 năm trước, truyền hình Mỹ đã tung ra bộ phim “bom tấn”, mang tên “Lost” - Mất tích, trong đó thế giới thực và ảo đan xen. Gần 100 tập phim đưa người ta phiêu lưu trong thế giới thực và cả thế giới “siêu thực” phần nào làm thỏa mãn cơn khát tưởng tượng về cõi nhân sinh của con người.
“Chúng ta sẽ không còn phải tìm kiếm những điều giả tưởng qua những bộ phim của Hollywood khi công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn. Khao khát về một thế giới ảo là khao khát của loài người và chính điều đó tạo nên những thành tựu khoa học vĩ đại giúp con người bay lên không trung mơ hồ và lặn sâu vào đáy đại dương thăm thẳm. Vũ trụ ảo tiếp nối giấc mơ và khát khao của con người, đó chính là những gì chúng ta hoàn toàn có thể có được trong một tương lai gần” - Philippe M’Coneill, nhà Tương lai học đến từ Chicgo (Mỹ) nói ngay khi đang phải điều trị Covid-19 trong bệnh viện.
Hiểu theo nghĩa đen thì Meta có nghĩa là “Beyond hay vượt ra ngoài”, còn Verse là viết tắt của từ Universe - Vũ trụ, thế nên chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng Metaverse là một khái niệm nằm ngoài vũ trụ thực. Metaverse có thể được xem như là một thế giới mở, người tham gia có thể xây dựng và sống trong thế giới đó.
Metaverse được xem là một bước đột phá công nghệ của tương lai, tuy nhiên những ý tưởng công nghệ mang tính vượt bậc ấy lại rất trừu tượng và khó có thể định nghĩa một cách chính xác trước khi chúng được áp dụng rộng rãi. Điển hình có thể kể đến là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như IOT, điện toán đám mây hay sharing economy… đang dần được ứng dụng rộng rãi trong đời sống chúng ta nhưng không phải ai cũng hiểu rõ được chúng. Tuy thế thì loài người vẫn tiến về phía trước với những giấc mơ như những cuộc phiêu lưu.