Những đứa trẻ kiếm ăn ở đường phố Afghanistan
Khi nhiệt độ ở thủ đô Kabul xuống dưới mức đóng băng, những đứa trẻ khoảng 4 tuổi – sợ hãi, đói và rét, vẫn đang phải cố gắng kiếm sống từng đồng trên đường phố.
Thời thế hỗn loạn
Giữa những nhà hàng rực rỡ và đám đông nhộn nhịp ở một trong những khu chợ sầm uất nhất thủ đô Kabul, một cô bé 10 tuổi đang cố gắng bán những chiếc túi nhựa cho những người mua sắm đi ngang qua mình. “Nếu cháu không làm việc, chúng cháu sẽ chết đói”, Shaista nói. Dù cho các cửa hàng ở thủ đô Afghanistan luôn chất đầy thực phẩm, nhưng gia đình em lại không thể mua nổi bất cứ món nào.
Mỗi sáng, Shaista sẽ mua một vài chiếc túi mua hàng với giá 5 afghani (khoảng 1.200 VNĐ) mỗi chiếc, sau đó ra chợ để bán chúng với giá gấp đôi. Các nhân viên cứu trợ tại đây nhấn mạnh, thời điểm Liên hợp quốc dự đoán rằng 97% người dân Afghanistan có thể sống dưới mức nghèo khổ vào tháng 6/2022, số lao động trẻ em và người ăn xin đã tăng gấp ba lần ở thủ đô Kabul. Nhiều người đang chiến đấu chỉ để tồn tại.
Shaista run rẩy trong đôi giày nhựa mỏng manh của mình. Nhiệt độ ngoài trời đã giảm xuống dưới mức 0 độ C. Mùi trà xanh mới pha và bánh mì ấm nóng từ một tiệm bánh mì gần đó phảng phất trong không khí, nhưng trừ khi có ai đó tặng cô bé một bữa ăn, Shaista sẽ không được ăn cho đến bữa tối. Hàng trăm đứa trẻ giống Shaista, thậm chí một số đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi, đều đang làm việc cùng nhau trong khu chợ lớn. Chúng đang cầu xin với đôi bàn tay nhỏ bé lạnh lẽo khi đi lang thang qua những đám đông bận rộn.
Sự suy thoái kinh tế của Afghanistan đã khiến người dân nước này rơi vào cuộc khủng hoảng đói kém trầm trọng. Gần 80% chi tiêu của chính phủ cũ - bao gồm cả tiền lương của lao động – đều do nước ngoài tài trợ. Trong khi đó viện trợ chiếm đến 43% GDP của Afghanistan. Khi lực lượng Taliban nắm chính quyền vào tháng 8/2021, các quỹ phát triển tại đây đều nhanh chóng bị đình chỉ.
Hơn 9 tỷ USD, chủ yếu là tài sản tư nhân, hiện vẫn đang bị đóng băng trong các tài khoản ngân hàng ở Mỹ. Cộng đồng quốc tế hiện đang tiếp xúc một cách thận trọng với Các Tiểu vương quốc Hồi giáo, vì chế độ Taliban được biết đến chính thức đã bị cáo buộc giết chết hàng chục cựu quan chức Afghanistan và áp đặt những quy tắc bất công đối với phụ nữ.
Những lao động trẻ em
Shaista - đứa trẻ lớn nhất trong gia đình có 4 người con, có thể kiếm tới 50 afghani (khoảng 12.000 VNĐ) vào một “ngày may mắn”. Trách nhiệm giúp đỡ gia đình đè nặng lên vai đứa trẻ 10 tuổi. “Mỗi ngày, mẹ cháu sẽ mua bánh mì bằng số tiền cháu kiếm được. Cháu rất muốn đi học”, cô bé buồn bã.
Lao động trẻ em từ lâu đã trở nên rất phổ biến ở Afghanistan. Trước khi lực lượng Taliban tiếp quản, tổ chức UNICEF ước tính có tới 60.000 trẻ em đang kiếm sống trên đường phố thủ đô Kabul, nhưng con số này đã tăng gấp ba lần trong những tháng gần đây. Theo đại diện quốc gia của quỹ Street Child (Những đứa trẻ đường phố), ông Hamidullah Abawi khẳng định nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này không gì khác ngoài “đói và suy dinh dưỡng”.
Ông nhấn mạnh: “Nhiều đứa trẻ phải kiếm thức ăn cho cả bản thân và gia đình. Tôi đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của trẻ em Afghanistan những tháng gần đây và điều đó thật đau lòng”.
Ở ngoại ô thành phố, Noor Agha, 10 tuổi, là con cả trong gia đình có 8 người con, và là đứa trẻ duy nhất đang phải kiếm sống. Trong khu phố xập xệ với nhiều ngôi nhà gạch bùn và những con đường không trải nhựa, cậu sẽ phân loại rác, tìm những mảnh nhựa có thể dùng để đốt lò sưởi ấm và sắt vụn để bán.
“Cháu bắt đầu đi từ lúc mặt trời mọc và trở về nhà vào ban đêm”, Noor kể lại khi đang ngồi trong nhà – hay nói đúng hơn là một căn phòng nhỏ với vài tấm nệm xếp chồng lên nhau và góc bếp dùng để nấu nướng và sưởi ấm. Mẹ cậu bé đã không thể trả tiền thuê nhà trong nhiều tháng, chính vì vậy số tiền ít ỏi mà Noor kiếm được đều dùng để mua thức ăn cho cả gia đình.
Zahra Habibullah, bà mẹ đơn thân 51 tuổi của Noor, đã đưa các con đến thủ đô Kabul hai năm trước, sau khi ngôi nhà của họ ở tỉnh Kunduz bị hư hại nặng nề trong một cuộc không kích. “Chúng tôi ở ngay trên chiến tuyến và Noor đã bị thương bởi mảnh đạn. Sau khi mất nhà, tôi đã quyết định rằng gia đình tôi sẽ an toàn hơn nếu sống ở thủ đô Kabul”, bà nói.
Nhưng từ lúc lực lượng Taliban lên tiếp quản đất nước, Zahra đã mất việc, người chủ của bà đang phải vật lộn với vấn đề tài chính và không thể trả lương cho nhân viên.
Trong khi viện trợ lương thực đang tràn vào Afghanistan với việc Liên Hợp Quốc tuyên bố kháng nghị 4,5 tỷ USD, thì các lệnh trừng phạt đột ngột đã dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế không thể tránh khỏi, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh nghèo đói.
Nhà kinh tế người Afghanistan Haroun Rahimi nói rằng, tương lai của họ có vẻ khá ảm đạm. “Câu trả lời thật lòng là lực lượng Taliban sẽ không thể làm gì nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục đổ xuống quốc gia này. Không một chính phủ nào có thể làm được, ngay cả khi họ có các chính sách hoàn hảo”.
“Thời điểm hiện tại, họ cần tiền cũng như sự công nhận của quốc tế hơn bất cứ thứ gì khác”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng viễn cảnh này dường như rất khó xảy ra và tình trạng nghèo đói sẽ tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh một con đường nhỏ bẩn thỉu ở thủ đô Kabul, Khadjia ngồi trên một chiếc túi nhựa dưới trời tuyết, trước mặt cô bé là một ít bàn chải và xi đánh giày. Mọi người vội vã đi qua khi mặt trời bắt đầu lặn và nhiệt độ giảm xuống sâu hơn. “Chúng tôi không còn con đường nào khác”, mẹ của Khadjia tuyệt vọng. “Nếu không thể kiếm được tiền mua thức ăn, chúng tôi sẽ ôm bụng đói đi ngủ”.