Thực phẩm sau Tết: Giá cả có leo thang?

Nguyễn Hoài 09/02/2022 10:17

Những ngày đầu năm mới, hoạt động mua bán tại các chợ, siêu thị đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, sức mua vẫn chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều người tiêu dùng dè dặt mua sắm vì e ngại giá cả tăng cao sau dịp Tết. Song theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá cả các mặt hàng thực phẩm nhìn chung ở mức ổn định.

Sức mua giảm so với mọi năm

Do tác động của dịch Covid-19, dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, nhiều người dân không về quê ăn Tết. Ở lại thành phố, điều nhiều người lo lắng không phải là hàng hóa khan hiếm mà là giá cả tăng.

Người dân mua hàng tại siêu thị Big C.

Chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cũng như mọi năm, thời điểm sau Tết, giá cả các mặt hàng thực phẩm sẽ có xu hướng tăng nên năm nay, sau Tết chị hạn chế chi tiêu.

“Ngày mùng 5 Tết, tôi đi chợ thì thấy một số loại rau củ đã tăng giá. Nếu như những ngày cận Tết, tôi mua 10 nghìn/3 củ su hào thì hôm mùng 5 giá là 10 nghìn/củ. Tuy nhiên đến hôm nay, giá rau củ đã giảm, có một số loại thực phẩm đã trở lại giá như dịp trước Tết”, chị Nhung cho hay.

Với tâm lý e ngại sau Tết, giá cả hàng hóa sẽ có biến động nên trước dịp nghỉ lễ, chị Phạm Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã mua rất nhiều thực phẩm để tích trữ.

Chị Hương chia sẻ: “Tôi không lo việc không có hàng để mua mà ngại nhất là giá cả leo thang. Thế nhưng, hôm nay khi mua sắm tại siêu thị, tôi thấy giá cả hàng hóa không thay đổi nhiều”.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá các loại thực phẩm nhìn chung không tăng, cơ bản ở mức ổn định. Trong đó, nhiều mặt hàng như rau xanh, giá bán đã trở lại bình thường như những ngày trước Tết Nguyên đán.

Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), giá cả các mặt hàng thực phẩm nhìn chung đã ổn định trở lại.

Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), mặt hàng su hào có giá giao động từ 5-8 nghìn đồng/củ; bắp cải từ 6-10 nghìn đồng/cái; cà chua có giá 18-20 nghìn đồng/kg… Cùng với rau xanh, giá thịt, cá, tôm cũng đã giảm.

Tại một số siêu thị, giá các mặt hàng cũng ở mức ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng được khuyến mại, có giá bán thấp hơn ngoài chợ dân sinh.

Dù giá cả các mặt hàng thực phẩm cơ bản đã trở lại mức bình thường nhưng theo các tiểu thương, sức bán vẫn chậm, giảm 20-30% so với năm ngoái.

Bà Hoàng Thị Thúy, bán thịt tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết, nếu như những năm trước hàng hóa khan hiếm hơn, kéo theo giá cả sau Tết tăng thì 2 năm nay, nguồn thực phẩm dồi dào, ổn định hơn nên giá bán cũng ở mức bình ổn. Tuy nhiên, sức mua nhìn chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm.

“Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân thu nhập giảm, họ chi tiêu tiết kiệm hơn. Thời điểm này mọi năm, tôi khá đông khách thì năm nay sức bản giảm bằng 1/3”, bà Thúy cho hay.

Tăng cường quản lý, theo dõi biến động giá cả

Để bảo đảm mục tiêu chung là kích cầu tiêu dùng, hiện nay, nhiều loại hàng hóa thiết yếu tại hệ thống các siêu thị lớn được giữ ổn định giá, thậm chí giảm giá cũng như đa dạng các chương trình khuyến mại.

Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Big C, đơn vị này đưa ra chương trình Khai lộc đầu năm, áp dụng từ ngày 2 đến 10/2. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng được bán giá thấp hơn bình thường. Đặc biệt, khách càng mua nhiều, giá càng giảm mạnh.

Siêu thị Big C giám giá nhiều mặt hàng để kích cầu người tiêu dùng.

Tương tự, hệ thống siêu thị Vinmart+ cũng giảm giá nhiều mặt hàng. Nhìn chung các loại hàng hóa thiết yếu được giảm giá từ 10 đến 25%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 45% như mì tôm, dầu ăn, nước mắm...

Còn tại các chợ truyền thống, để bảo đảm bình ổn giá, ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra giá cả các mặt hàng. Chị Nguyễn Thị Vân, bán thịt ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Tiểu thương chúng tôi chỉ mong bán bằng mọi năm, không mong hơn nên thời điểm này, chúng tôi không dám tăng giá để giữ khách”.

Được biết, để tăng cường quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ trọng tâm là phải tăng cường theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp. Đi đôi với đó là đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết.

Do đó, trong thời gian nghỉ Tết đã thành lập kênh thông tin báo cáo hàng ngày giữa các Sở Tài chính với Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để kịp thời cập nhật đầy đủ các diễn biến của giá cả thị trường.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức, triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường, nắm bắt tình hình thực hiện quản lý, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định như: Chương trình kết nối cung cầu, Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo đảm an toàn thực phẩm… Qua đó, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nguyễn Hoài