Châu Á hậu Tết Nguyên đán: Ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục
Nhiều quốc gia ở châu Á đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được tổ chức rộng rãi. Các quan chức y tế phải vật lộn với biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao và dự đoán rằng con số sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.
1. Bắt đầu từ ngày 1/2, nhiều nước ở châu Á áp dụng các biện pháp hạn chế do đại dịch ở nhiều quốc gia đã giảm thiểu đám đông và các chuyến đi chơi cùng gia đình.
Đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc đang đối mặt với số ca bệnh gia tăng, ảnh hưởng tới chính sách "không Covid-19" mà thành phố 7,5 triệu dân này đang áp dụng. Ngày 8/2, đặc khu hành chính này đã báo cáo đỉnh mới là 614 ca mắc Covid-19.
“Chúng tôi dự đoán số ca mắc mới sẽ tăng trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, với các biện pháp phòng dịch hiện tại, chúng tôi hy vọng vẫn có thể ngăn chặn dịch bệnh”, ông Edwin Tsui, một quan chức của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe tại Hồng Kông cho biết.
Hiện, Hồng Kông yêu cầu tất cả các trường hợp mắc Covid-19 phải nhập viện, nhưng những người tiếp xúc gần với các ca bệnh được phép cách ly tại nhà, bắt đầu từ ngày 8/2. Nếu có kết quả dương tính khi bị cách ly tại nhà sẽ được chuyển đến bệnh viện. Hồng Kông đã thực hiện biện pháp phòng dịch phù hợp với chính sách “không Covid” của Trung Quốc nhằm mục đích dập tắt hoàn toàn các đợt bùng phát dịch bệnh, ngay cả khi nhiều quốc gia khác đã thay đổi cách tiếp cận để sống chung với virus.
Tại Singapore, số ca mắc mới cũng gia tăng đáng kể sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với số ca tăng gấp ba lần hồi cuối tuần trước. Singapore đã báo cáo hơn 100.000 trường hợp trong tháng qua, tuy nhiên hơn 99% trường hợp là nhẹ hoặc không có triệu chứng.
2. Tại nhiều nước ở châu Á, các nhà chức trách đang áp dụng một mô hình tương tự khi biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn trở nên chiếm ưu thế, ngay cả khi các quan chức y tế ở một số quốc gia báo cáo rằng, sự gia tăng các ca nhiễm biến thể này không khiến tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong cao như biến thể Delta trước đó.
Tại Nhật Bản, gần 90.000 trường hợp mắc mới trên toàn quốc đã được báo cáo hôm đầu tuần, trong đó có 17.526 trường hợp ở Tokyo, do tình trạng lây nhiễm Omicron cục bộ không có dấu hiệu chậm lại.
Các chuyên gia cho biết, chiều hướng nhiễm bệnh đang dịch chuyển sang những người cao tuổi dễ bị tổn thương, khiến các bệnh viện phải bắt đầu kê thêm giường bệnh. Dưới 5% dân số của Nhật Bản đã nhận được liều vaccine ngừa Covid-19 thứ ba.
Tại Hàn Quốc, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, nước này có thể chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày tăng vọt đạt 130.000 tới 170.000 vào cuối tháng 2. Hiện, quốc gia này đã báo cáo 38.691 trường hợp nhiễm mới, tăng gấp 9 lần so với mốc hồi giữa tháng 1, khi Omicron trở thành chủng virus nổi trội.
Tại Trung Quốc, các ca mắc mới cục bộ tiếp tục dao động, giảm xuống mức thấp nhất là 9 ca vào cuối tuần trước, nhưng lại tăng lên 45 ca vào ngày 7/2, hầu hết là ở khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây. Các trường hợp gần đây đã bao gồm một số ít ca nhiễm biến thể Omicron, mặc dù những vụ bùng phát như vậy đã được kiểm soát chặt chẽ.
Nhà chức trách Trung Quốc đã áp đặt nghiêm ngặt việc khóa cửa tại địa phương và xét nghiệm hàng loạt, khi nước này khởi động Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tuần trước.
Trong khi đó, quốc đảo Tonga xa xôi ở Thái Bình Dương đã cố gắng kiềm chế đợt bùng phát đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch toàn cầu, nguồn lây có thể xuất phát từ hoạt động cung cấp nước và vật tư y tế khẩn cấp sau đợt phun trào núi lửa và sóng thần hồi tháng trước.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Siaosi Sovaleni cho biết, 2 công nhân dỡ hàng người Tonga đã cho kết quả dương tính vào tuần trước. 2 trường hợp này đã chính thức được xác nhận, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 7 trường hợp.
3. Tại Đông Nam Á, số lượng ổ dịch tại các quốc gia cũng đang tăng lên tương tự ở Indonesia, cận kề với con số đánh dấu mốc đỉnh của đợt bùng phát tàn phá nước này hồi năm ngoái.
Ngày 6/1, Indonesia ghi nhận 533 trường hợp mắc Covid-19 mới và 7 trường hợp tử vong. Một tháng sau, vào ngày 7/2, con số hàng ngày đã tăng lên 36.057 ca. Số người chết hàng ngày cũng tăng lên 57 trường hợp, gần gấp 4 lần tỷ lệ một tuần trước.
Tại Thái Lan, ngày 8/2, nước này đã báo cáo hơn 10.000 trường hợp mắc mới hàng ngày, đây là ngày thứ ba liên tiếp con số này được ghi nhận. Tuy nhiên, Bộ Kiểm soát dịch bệnh cho biết, số lượng bệnh nhân nặng đã giảm, trong khi tỷ lệ tử vong vẫn được kiểm soát. Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) Opas Karnkawinpong cho biết, nước này có thể xem xét nới lỏng một số hạn chế vì biến thể Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn.
Ở các quốc gia khác, nơi mà Tết Nguyên đán cũng là dịp lễ lớn, các chính phủ cũng cảnh giác cao độ trước những dự đoán rằng, Omicron sẽ tiếp tục gây ra tình trạng lây nhiễm cao hơn.
Các ca mắc mới ở Malaysia đang tăng cao hơn, khi Bộ Y tế nước này báo cáo 11.034 ca hồi đầu tuần. Sự gia tăng diễn ra sau Tết Nguyên đán khi nhiều người Malaysia đi du lịch. Tuy nhiên, các quan chức y tế nước này cho biết, hầu hết các trường hợp không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ.
Quan chức y tế hàng đầu Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah đã cảnh báo rằng, số ca mắc hàng ngày tại nước này có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng 3 và kêu gọi người dân Malaysia tiêm liều vaccine tăng cường. Khoảng 98% người trưởng thành Malaysia đã hoàn thành việc tiêm chủng và một nửa trong số họ đã được tiêm mũi thứ ba.
Trong khi đó, Philippines đã tiến hành nới lỏng các hạn chế do Covid-19 và mở cửa đón khách du lịch khi số lượng ổ dịch giảm xuống còn khoảng 8.300 hôm Chủ nhật. Nhưng các hạn chế về khoảng cách xã hội vẫn tiếp tục được áp dụng trong bối cảnh lo ngại bùng phát lây nhiễm trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng của đất nước này vào ngày 9/5.