Chàng trai TP HCM mang cảnh quan thiên nhiên đa màu sắc lên mặt bàn
Dưới bàn tay tỉ mẩn, khéo léo, Đậu Viết Tùng (31 tuổi, TP HCM) đã “hô biến” phần mặt bàn làm từ gỗ đơn điệu trở thành những bức tranh sinh động, khắc họa cảnh quan thiên nhiên "đa màu sắc" tuyệt đẹp dưới đáy đại dương.
Xuất phát từ một video của nghệ nhân nước ngoài làm Epoxy Resin (ES - một dạng keo trong suốt) trên mặt bàn, năm 2017, Viết Tùng ấp ủ ý định sẽ tạo ra những sản phẩm tương tự. Nghĩ là làm, chàng trai 31 tuổi quyết định mày mò đi học cách làm và thử nghiệm sản xuất.
Thời gian đầu, anh Tùng tập trung làm các sản phẩm về hiệu ứng màu với một số mẫu bàn cá vẽ đơn giản. Ban đầu tiếp xúc với ES, Tùng cũng chỉ biết vẽ cá qua 5-7 lớp để tạo nên hiệu ứng 3D.
Dần dà, anh nảy ý định kết hợp gỗ với ES. Chiếc bàn thu nhỏ mô hình đáy đại dương ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí chàng trai trẻ.
“Mình bắt đầu làm ES từ đam mê làm mộc. Sau đó tình cờ phát hiện ra vật liệu ES khi kết hợp với gỗ tạo được hiệu ứng tuyệt vời”, anh nói.
Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, 9X chia sẻ điều khó nhất khi thực hiện đấy là phải tìm hiểu các kỹ thuật quan trọng, điểm then chốt mà những kênh chia sẻ trên mạng cố ý giấu đi.
Để thực hiện một tác phẩm theo chủ đề san hô cần trải qua rất nhiều bước như: lựa chọn phôi gỗ; phác thảo các mảng chính, phụ; tạo hình các mảng san hô, cá biển (mực, sứa, sao biển, cá,...) bằng đất sét; bố cục chúng lên phôi gỗ; tô màu và đổ keo; cuối cùng là mài gỗ và đánh bóng hoàn thiện.
Theo Viết Tùng, các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm quan trọng như nhau, mỗi công đoạn đều có những lưu ý riêng. Ví dụ như công đoạn tìm kiếm phôi gỗ, layout dòng sông sẽ cần phôi khác phôi gỗ dành cho layout biển cả. Hay công đoạn triển khai layout thì đòi hỏi người làm phải trang bị kiến thức về pha, phối màu, hoặc kỹ thuật vẽ, sắp đặt, nặn...
Để khắc phục những khó khăn trên, thông qua quá trình hoàn thiện các công đoạn, Tùng đều phải tự học và tự rút kinh nghiệm cho bản thân, về cả mỹ thuật lẫn kỹ thuật.
“Một tác phẩm được xem là hoàn thiện, đạt chuẩn khi đảm bảo đủ cả 2 yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật. Nếu tác phẩm khắc họa khung cảnh đẹp mà độ hoàn thiện xấu thì cũng không được, mà hoàn thiện đẹp nhưng hiệu ứng xấu thì tác phẩm cũng xem như bỏ đi", Viết Tùng khẳng định.
Tác phẩm ES trên mặt bàn do Viết Tùng thực hiện thu hút người xem bởi sự tinh xảo, đẹp mắt. Không tự bó hẹp sức sáng tạo, Viết Tùng luôn biết cách làm mới bản thân với nhiều ý tưởng khác nhau. Anh cũng tự mày mò, nghiên cứu và học hỏi để cho ra đời những sản phẩm mới lạ, độc đáo. Nhờ vậy, mỗi tác phẩm đều có sự khác biệt về màu sắc, kết cấu, số lượng sinh vật biển…
Hiện, Tùng tự trau dồi khá nhiều kỹ năng hỗ trợ cho việc làm mới các sản phẩm, anh không ngại mày mò thêm kỹ năng vẽ 3D, nặn đất sét, điêu khắc, làm tiểu cảnh diorama… Ngoài chủ đề đại dương, chàng trai 31 tuổi còn thực hiện một số mô hình độc đáo khác như bộ xương rồng dưới biển, xác ướp Ai Cập, đầm lầy cá sấu, vùng biển cá đuối...
Thông qua những tác phẩm về đại dương, đầm lầy, cá... Viết Tùng muốn truyền cảm hứng về tình yêu đối với thiên nhiên, động vật cũng như muốn nói rằng cái đẹp của tự nhiên là cái đẹp hoàn hảo nhất.
Trên mạng xã hội, Viết Tùng cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop, khóa học dạy nghề khắp ba miền để quảng bá loại hình nghệ thuật này tới những người có cùng đam mê hay chia sẻ kinh nghiệm tới các hội nhóm thông qua những bài viết, video hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, 9X bày tỏ mong muốn đưa cảnh sắc Việt Nam, đặc biệt là các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng... vào các sản phẩm tranh ES của mình. Từ đó, anh có thể truyền bá văn hóa của đất nước đến gần hơn với bạn bè và du khách quốc tế.