Sâm Ngọc Linh, ‘Quốc bảo’ của Việt Nam - Kỳ 1: Dược liệu quý, giá trị kinh tế cao
Mỗi kg sâm củ hiện nay có giá dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, riêng lá sâm Ngọc Linh hiện hơn 10 triệu đồng/1 kg lá tươi.
Dược liệu quý!
Trong khi đó, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết UBND tỉnh cũng đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 gửi Bộ NN&PTNT.
Ông Bửu nhấn mạnh: “Sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu, hàng hóa chủ đạo không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm mà nó còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ rừng”.
Theo tài liệu, sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) được xếp vào một trong 5 cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn quốc, sâm Canada, sâm Triều tiên, sâm Việt Nam). sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.
Theo đó, sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) là loại sâm quý thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu 5 (K5), củ Ngải rọm con, hay cây thuốc giấu… Phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh chứa 52 hợp chất saponin, trong đó có 26 hợp chất saponin không có trong các loại sâm khác.
Ở Việt Nam, sâm Ngọc Linh được tìm thấy tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Từ lâu cây sâm Ngọc Linh đã nổi tiếng về công dụng chữa bệnh đem lại sức khỏe cho người dân.
“Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787 ngày 5/6/2017 phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia cho cây sâm Ngọc Linh. Do có giá trị rất lớn nên cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm Quốc gia - sâm Ngọc Linh là ‘Quốc bảo’ của Việt Nam”, ông Bửu nhấn mạnh.
Trong văn bản 8746/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ nêu, xét báo cáo và đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 3212/TTr-UBND ngày 31/5/2021 về Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; ý kiến của các Bộ: Khoa học và Công nghệ (Công văn số 3076/BKHCN - PTTTDN ngày 1/11/2021), NN&PTNT (Công văn số 4371/BNN- TT ngày 13/7/2021), Y tế (Công văn số 5609/BYT-YDCT ngày 14/7/2021),...
Theo đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh có liên quan nghiên cứu, đề xuất phù hợp về phát triển sản phẩm sâm Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam theo Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021.
Còn tại Lễ khánh thành công trình xây dựng “Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh”, Thủ tướng Chính phủ nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giá trị của sâm Ngọc Linh mà theo các nhà khoa học, không có loại sâm nào trên thế giới có được.
“Đây là Quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và quốc bảo này cần gắn liền với quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và các giá trị khác, để làm sao hàng triệu người có thể sử dụng sâm Ngọc Linh” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Kinh tế cao
Hiện nay giá trị của sâm Ngọc Linh là rất lớn, mỗi kg sâm củ hiện nay có giá dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, riêng lá sâm Ngọc Linh hiện hơn 10 triệu đồng/1 kg lá tươi. Đặc biệt, đối với cây sâm Ngọc Linh từ củ đến ngọn, lá, bông, hạt sẽ được thu hoạch toàn bộ không bỏ một thứ gì. Thậm chí có tiền cũng chưa chắc mua được sâm Ngọc Linh như ý muốn.
Ông Hồ Quang Bửu cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2005 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 02/CT-CP của Chính phủ về phát triển y học cổ truyền và nâng cao nội lực trong công tác đảm bảo thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã và đang tạo ra bước chuyển biến mới trên cả nước về trồng và bào chế từ dược liệu; Chính phủ đã có Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Ban hành kèm theo quyết định này là danh mục các chương trình dự án trọng điểm vùng Tây nguyên, trong đó phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành cây đặc sản Quốc gia.
“Trong những năm qua lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã rất chú trọng đến việc phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm.
Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu Sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh (bao gồm cả thuốc chữa bệnh) để tạo nên sản phẩm đặc hữu của Quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Bửu cho biết.
Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc xây dựng chiến lược để đưa cây sâm Ngọc Linh tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích và xây dựng cơ sở chế biến, góp phần tiêu thụ sản phẩm thu hoạch từ rừng cho người dân tại địa phương, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây gắn với du lịch theo định hướng của tỉnh Quảng Nam.