Nhiều cửa hàng không bán xăng, động thái cơ quan chức năng thế nào?
Việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở miền Tây đóng cửa, hàng loạt giải pháp của cơ quan chức năng nhằm “kích hoạt” đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu đến cửa hàng bán lẻ để bán cho người dân.
Những ngày qua, ở các tỉnh, thành miền Tây có hiện tượng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa không bán xăng cho người dân với lý do thiếu nguồn cung cấp.
Trước tình hình này, cơ quan chức năng đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương và vừa chỉ đạo lực lượng giám sát, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Mới đây, Sở Công thương TP Cần Thơ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công thương về việc báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn thành phố có 4 thương nhân đầu mối gồm: Công ty TNHH MTV xăng dầu Tây Nam Bộ, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh tại TP Cần Thơ, Công ty CP Dầu khí Mê Kông, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu và có 20 thương nhân phân phối xăng dầu có trụ sở trên địa bàn TP Cần Thơ.
“Cụ thể, 4 thương nhân đầu mối hiện nay vẫn đảm bảo nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu cho đến cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, hoa hồng hiện nay dao động từ 100 - 150 đồng/lít và có thể giảm trong thời gian tới. Đồng thời, không đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các thương nhân phân phối.
Ngoài ra, các thương nhân phân phối xăng dầu đang thiếu nguồn cung cho hệ thống phân phối, do không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối trên địa bàn. Mặc dù, hoa hồng hiện nay là 0 đồng. Trước tình hình trên các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối các thương nhân phân phối xăng dầu đã ngừng kinh doanh.
Việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của hệ thống thương nhân phân phối phải đóng cửa trên địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh và gây bất ổn tâm lý của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố” - Công văn của Sở Công thương TP Cần Thơ nêu rõ.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết online qua điện thoại, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: Theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố thì, Sở đã có nhiều văn bản để tuyên truyền 4 thương nhân phân phối lớn trên địa bàn để đảm bảo cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Có một số đơn vị thiếu cục bộ đã yêu cầu phải liên hệ ngay với đầu mối để đảm bảo cung cấp xăng phục vụ cho người dân. Hiện nay, lực lượng chức năng kiểm tra liên tục nếu phát hiện cơ sở nào găm hàng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm.
Cũng theo ông Sơn, nếu cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng dù đã liên hệ đến thương nhân đầu mối mà không cung cấp thì báo ngay về Bộ Công thương. Vì Bộ Công thương đã chỉ đạo thương nhân phân phối phải đảm bảo cung cấp xăng dầu cho cửa hàng, nếu không đảm bảo cung cấp thì báo về Bộ sẽ rút giấy phép và giao cho thương nhân khác cung cấp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cũng xác nhận tình hình cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa ở trên bàn tỉnh Sóc Trăng là có, nhưng không nhiều. Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với hệ thống phân phối vào ngày hôm qua (ngày 9/2 - PV).
Các đơn vị đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ nguồn nhiên liệu và Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng sẽ thành lập đoàn kiểm tra nếu các cơ sở kinh doanh găm hàng không bán thì sẽ xử lý theo quy định.
"Ngoài ra, đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có đơn xin ngừng hoạt động thì căn cứ vào quy định pháp luật sẽ chấp thuận, còn trường hợp không có đơn xin ngừng hoạt động mà không có lý do chính đáng thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật" - ông Chiêu nói.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết thêm: Một số cửa hàng xăng dầu, chủ yếu là hệ thống doanh nghiệp tư nhân, tạm ngưng phục vụ, nhưng số này không nhiều. Theo ông Hùng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, xuất phát từ giảm tỉ lệ hoa hồng áp dụng cho cửa hàng bán lẻ. Bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, một số cửa hàng tạm thời ngưng hoạt động.
Việc tạm ngưng hoạt động của một số cửa hàng này không ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng nhiên liệu vì ngành công thương đã dự báo được tình hình, ngành công thương đã hiệp đồng cùng cơ quan chuyên môn “kích hoạt” hệ thống cửa hàng bán bình ổn giá tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu của xã hội.