2022 - Triển vọng phục hồi du lịch
Với kỳ nghỉ Tết dài cùng với các kế hoạch kích cầu, du lịch Việt Nam đang có màn khởi động ấn tượng trong những ngày đầu Xuân. Đây được coi là “bàn đạp” thúc đầy hoạt động du lịch khởi sắc và mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp không khói trong năm mới.
Những con số ấn tượng
Sau một thời gian dài “đóng băng”, thị trường du lịch trong nước đang dần khởi sắc, tự tin và mạnh dạn bước đi để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng, du lịch dịp Tết Nhâm Dần sẽ là “đòn bẩy” để du lịch Việt Nam tăng tốc trong mùa du lịch Hè sắp tới, giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng thị trường du lịch nội địa và thiết lập lại thị trường du lịch nước ngoài.
Tổng cục Du lịch vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý du lịch các tỉnh thành, hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sôi động trở lại tại một số trung tâm du lịch lớn trên cả nước, tạo đà phục hồi cho ngành du lịch năm 2022.
Nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang, trang hoàng không gian tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch để phục vụ khách du lịch, đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29/1 đến 6/2), ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý ở một số địa phương trọng điểm đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Đơn cử như TP Hồ Chí Minh đón trên 300 nghìn lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.100 tỷ đồng; Hà Nội đón trên 105 nghìn lượt khách, công suất sử dụng phòng đạt 22,4%; Quảng Ninh phục vụ 289.661 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; Khánh Hoà phục vụ 98.610 lượt khách; Kiên Giang phục vụ 98 nghìn lượt khách, riêng Phú Quốc có 79 nghìn lượt khách với công suất sử dụng phòng đạt 71,3%...
Đặc biệt, khách du lịch quốc tế đến theo chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine trong dịp Tết đạt 467 khách.
Đánh giá chung về kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, Nghị quyết số 128 của Chính phủ chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, được các địa phương và nhân dân đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc.
Công tác đẩy nhanh tiêm chủng vaccine được thực hiện quyết liệt; hoạt động phục hồi du lịch được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ; doanh nghiệp du lịch quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt.
Đặc biệt, nhu cầu du lịch của nhân dân dồn nén ở mức cao và người dân tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch và thực hiện tốt quy định 5K.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hệ thống doanh nghiệp du lịch chưa kịp củng cố do nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chuyển ngành nghề.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng chưa kịp phục hồi do nhiều lao động đã chuyển nghề khác. Một phần cơ sở lưu trú du lịch chưa kịp khôi phục 100% công suất do thiếu lao động...
“Lượng lớn khách du lịch đến các điểm đến gần theo phương thức tự đi, không đặt trước... nên tại một số điểm đến du lịch đã có tình trạng ách tắc giao thông, tăng giá dịch vụ, thiếu phòng nghỉ” - ông Khánh nói.
Tạo đà tiến lên
Lượng khách du lịch tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho thấy nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng, vui Xuân của người dân là rất lớn.
Với việc phủ vaccine diện rộng, cùng với dịch bệnh đang được kiểm soát và sự vào cuộc quyết liệt các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến đảm bảo an toàn cho du khách, hứa hẹn một năm 2022 nhiều triển vọng phục hồi du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, khách du lịch đến Hà Nội trong dịp Tết vừa qua chủ yếu là các nhóm nhỏ, các gia đình đi tham quan bảo tàng, công viên, khu sinh thái và các điểm du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ngoại thành.
Ngoài ra, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên các điểm di tích chưa được mở cửa trở lại, song Hà Nội đã tổ chức chợ hoa, hội chợ Tết, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn TP Hà Nội đến mua sắm, chụp ảnh lưu niệm.
Cũng theo bà Giang, trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách. Đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế.
“Hà Nội sẽ tập trung xây dựng đề án nâng cấp chất lượng một số khu điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố; phát huy các loại hình sản phẩm du lịch hoạt động hiệu quả cao hơn, tăng tỷ trọng trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch. Ngành du lịch tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa là điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng” - bà Giang nói.
Còn vể phía các doanh nghiệp du lịch, Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho biết, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, công ty đã tổ chức 4 chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) đưa gần 1.000 khách từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc. Đây là dòng khách có chi tiêu cao, nghỉ tại các khách sạn từ 4 sao trở lên.
Ông Duy cũng cho biết thêm, các tour dịp Tết năm nay tại Vietravel vẫn giữ mức giá bình ổn. Nhìn chung, nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này còn khá hạn chế, vì vậy các doanh nghiệp lữ hành đang kỳ vọng trong năm 2022 nguồn khách quốc tế sẽ được mở rộng hơn với các chính sách đón khách quốc tế, mở rộng cụ thể hơn bằng việc các nước sớm nối lại các đường bay thẳng thì ngành du lịch mới có cơ hội hồi phục nhanh chóng.
Hiện các doanh nghiệp du lịch cũng đang từng bước xây dựng kế hoạch cho mùa du lịch Hè, khởi động từ đợt lễ 30/4 và 1/5.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Người dân đã yên tâm đi du lịch
Sau hơn 2 năm du lịch cả nước gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, đến nay cũng đã nhìn thấy những tia sáng, khi những người làm du lịch không còn tâm lý “ngồi chờ” dịch qua đi, thay vào đó là những giải pháp thiết thực, thích ứng an toàn, linh hoạt để “sống chung” với dịch.
Những mô hình du lịch trong điều kiện “bình thường mới” được hình thành, tạo lên nhiều hy vọng cho khả năng sớm “tỉnh giấc” và phục hồi của du lịch.
Dịch Covid-19 như “phép thử” lớn với toàn ngành, mà để phục hồi, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng liên kết để biến “nguy” thành “cơ”. Điều này không chỉ thể hiện ở việc cơ cấu lại sản phẩm, thay đổi cách làm du lịch, mà còn buộc các đơn vị phải tính toán đến những phương án hỗ trợ cho du lịch.
Mặc dù xu hướng du lịch đầu năm mới chủ yếu là hoạt động tự túc, gia đình, theo nhóm nhỏ, nhưng với việc khách du lịch nô nức du Xuân ngay đầu năm mới là tín hiệu vui của ngành du lịch. Người dân đã yên tâm khi đi du lịch. Điều này cho thấy, việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động du lịch đang được thực hiện tốt. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể sớm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trước mùa Hè năm nay.
Nhà nghiên cứu dân tộc học, PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Cần nâng cao nghệ thuật làm du lịch
Để phát triển du lịch nội địa thông qua khai thác văn hóa vùng miền, trước hết, cần có sự nhận thức đúng của chính quyền các địa phương. Nhiều nơi chưa ý thức được phát triển du lịch trong phát triển kinh tế xã hội.
Du lịch ở Việt Nam có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Tuy nhiên việc khai thác và phát huy giá trị nguồn tài nguyên văn hóa ở nước ta lại đang thua kém với các nước.
Để thu hút khách tham quan thì chính quyền địa phương cần phải nhận thức lại, xác định đúng tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế địa phương và của quốc gia. Phải biết khai thác các di sản của địa phương. Mỗi địa phương có một đặc sản riêng, đó là thế mạnh nhưng chúng ta làm chưa rõ, chưa tới tầm.
Vì thế cần lên một bản đồ về tài nguyên du lịch. Từ đó biến thành sản phẩm du lịch để quảng bá trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu của các địa phương. Đặc biệt ở ta sự liên kết vùng trong phát triển du lịch còn kém.
Cần hoàn thiện cơ chế chính sách đối với người tham gia và làm hoạt động du lịch. Chúng ta có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đặc sắc nhưng nghệ thuật làm du lịch còn kém. Vì vậy phải đào tạo được một đội ngũ chuyên nghiệp về làm du lịch.
Minh Quân - Phạm Sỹ(ghi)