Sử dụng trái phép thông tin của người khác: Tăng chế tài xử phạt
Bị phạt 60 triệu đồng nếu sử dụng trái phép thông tin của người khác. Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin.
Cụ thể, khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022 sửa đổi, bổ sung tiêu đề khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020 như sau: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi gồm: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Như vậy, theo quy định mới, hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng thay vì mức 20 - 30 triệu đồng được quy định trước đó.
Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ lộ lọt dữ liệu thông tin của khách hàng từ một số tổ chức, đơn vị kinh doanh dẫn đến tình trạng khách hàng bị làm phiền qua các cuộc gọi, nhắn tin quảng cáo. Nguy hiểm hơn, dữ liệu này có thể bị những đối tượng xấu sử dụng mạo danh, nhắn tin lừa đảo qua tài khoản….
Thực trạng này đã gây ra không ít thiệt hại về tài sản cho người dân. Trước đó, Bộ Công an đã từng cảnh báo về tình trạng gian lận, trộm cắp danh tính, xác thực thông tin người dùng/định danh thông qua CMND, hình ảnh selfie khi đăng ký các dịch vụ của công ty tài chính, ngân hàng… để làm giả hồ sơ vay và chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu trò sau: Xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của các công ty dịch vụ thứ 3 (công ty tài chính, công ty viễn thông, ngân hàng…) để đánh cắp thông tin của khách hàng (gồm tên và số điện thoại).
Gọi điện thoại đến cho khách hàng và tự xưng là người của công ty tài chính, nhân viên ngân hàng, nhân viên viễn thông… với một kịch bản “thuyết phục” đã được chuẩn bị trước, từ đó có được toàn bộ thông tin của khách hàng (bao gồm: ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND, hình chụp CMND…).
Chuyển toàn bộ thông tin cá nhân của khách hàng cho nhân viên ngân hàng (cũng thuộc đường dây gian lận) để đăng ký tài khoản ngân hàng dưới tên của khách hàng.
Sau đó, kẻ gian sẽ dùng thông tin của khách hàng và tài khoản ngân hàng giả mạo để đăng ký khoản vay với các công ty tài chính tiêu dùng.
Toàn bộ khoản vay đã đăng ký sẽ được giải ngân qua tài khoản ngân hàng giả mạo đó.
Khách hàng khi bị đánh cắp thông tin sẽ gặp nhiều rủi ro tiềm ẩn kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng như, về mặt pháp lý, vì là người đứng tên khoản vay và tài khoản ngân hàng, khách hàng có rủi ro chịu trách nhiệm cho việc thanh toán toàn bộ khoản vay.
Bên cạnh các rủi ro tài chính, trên CMND có thông tin ngày sinh, địa chỉ nơi ở. Chính vì vậy, kẻ gian sẽ biết rõ nơi ở của khách hàng, từ đó theo dõi để phục vụ cho ý đồ của mình…
Chính bởi vậy, dư luận kỳ vọng với việc gia tăng chế tài sử phạt, thực trạng thông tin cá nhân bị rò rỉ sẽ không còn tái diễn trong thời gian tới.