DDCI - Công cụ bộc lộ tiếng nói của doanh nghiệp

H.Vũ 11/02/2022 08:20

Hiện đã có 53/63 địa phương ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Giới chuyên gia nhận định, nếu nhiều địa phương ban hành và đưa ra các công cụ đánh giá khách quan thực chất, nó sẽ là kênh quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của chính các địa phương.

Các doanh nghiệp sẽ có thêm một kênh để nói lên tiếng nói của mình.

Bộ Chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở Bộ Chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Cụ thể, Bộ Chỉ số DDCI được tiến hành độc lập, sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bộ Chỉ số DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và các nhà đầu tư.

Thực chất, đây là kênh riêng của mỗi tỉnh để lắng nghe “tiếng nói”, phản ánh của DN về “sự hài lòng” đối với các sở, ban, ngành của địa phương. Qua đó, lắng nghe tiếp thu để xây dựng bộ máy năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Tiếp nối theo nhiều địa phương khác, với mục tiêu phát huy vai trò chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vừa qua UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã quyết định ban hành phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh này xác định: “Trên cơ sở kết quả Bộ Chỉ số DDCI, tỉnh tiếp tục nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm tiếp theo”.

Theo đó, các chỉ số cho phép xác định được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác tham mưu, điều hành và từ đó chỉ ra đầu mối chịu trách nhiệm đối với các hành động nhằm phát huy thế mạnh và khắc phục những tồn tại đối với từng lĩnh vực cụ thể trong công tác tham mưu, quản lý, điều hành kinh tế ở cả cấp sở, ban, ngành và địa phương. Từ đó, có thể dễ dàng xác định trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình của từng đơn vị trong từng nội dung cụ thể của hoạt động quản trị kinh tế.

Đáng chú ý, “cái hay” là Đảng ủy khối các cơ quan (đối với các sở, ban, ngành) vận dụng kết quả xếp hạng chỉ số DDCI là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng với các Chi bộ, Đảng bộ và người đứng đầu, đảm bảo chỉ số DDCI phát huy tác dụng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại cơ quan, đơn vị nói riêng và chỉ số PCI của tỉnh nói chung. Nghĩa là từ sự “hài lòng” của DN cũng sẽ là tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ và người đứng đầu.

Và nếu “phủ sóng” được tới cả nước, đây sẽ là kênh giúp ích rất lớn cho cộng đồng DN. Trả lời câu hỏi: Bao giờ Bộ Chỉ số DDCI “phủ sóng” tới tất cả các địa phương? Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là nhu cầu của từng địa phương. Cho nên đặt ra mục tiêu càng nhiều tỉnh, thành phố sử dụng càng tốt.

Tuy nhiên theo ông Tuấn, việc sử dụng phải thực chất, phải có ý nghĩa. “Triết lý của DDCI hay ở chỗ, đây là kênh để cho DN và hộ kinh doanh “thể hiện tiếng nói của mình về vấn đề môi trường kinh doanh tại địa phương đó và họ chính là người giám sát, đánh giá thực thi của cấp cơ sở, ngành, quận huyện vốn là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân và DN. Đây là kênh rất có ý nghĩa bởi mỗi địa phương có một thực tế khác nhau. Đánh giá cụ thể của mỗi địa phương sẽ sát hơn là đánh giá bao trùm chung” - ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - một trong những cơ quan nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) nhìn nhận, đây là hình thức để cho thấy chính quyền cấp cơ sở “ứng xử” với DN như thế nào? Thậm chí qua đó có thể so sánh về tính hiệu quả của bộ máy giữa “quận này với quận kia”, “huyện này với huyện kia” trong cùng 1 tỉnh.

“Anh nào làm tốt, anh nào vòi vĩnh, tạo khó khăn sẽ được DN phản ánh. Bên cạnh đó là các sở, ngành cũng phải cạnh tranh với nhau về “thái độ” phục vụ của mình đối với DN tư nhân. Qua kết quả phản ánh của DN, bản thân mỗi tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh về “thái độ” đối với các sở, ngành, quận, huyện trong tỉnh, thành phố. Nơi vào bị phản ánh sẽ có sự “điều chỉnh về thái độ”. Đây là việc rất có lợi cho DN” - ông Dinh chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, cùng với chỉ số PAPI và Chỉ số cải cách hành chính PAR index thì DDCI sẽ thêm một kênh chuyên cho DN phản ánh. Việc đánh giá các cơ quan hành chính của các tỉnh sẽ là kênh so sánh xem ai làm tốt để từ đó có sự phấn đấu.

Tuy nhiên việc xây dựng các tiêu chí đánh giá trong Bộ Chỉ số DDCI cần khoa học và sát với tình hình thực tế. Bởi đó là công cụ để đánh giá cũng như thúc đẩy.

“Cho nên làm sao đánh giá phải chuẩn. Vì vậy, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách cụ thể. Bởi chỉ đánh giá đúng, mới phân loại đúng” - ông Dĩnh nói.

H.Vũ