Ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm

H.Hương - T.Như 11/02/2022 09:00

Những ngày đầu năm mới, dòng tiền có xu hướng trở lại các ngân hàng trong khi nhu cầu chi tiêu của người dân giảm sau Tết. Thời điểm này các ngân hàng cũng đang nhích nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Vậy điều này có gây áp lực đến việc giữ ổn định lãi suất cho vay?

Gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn thời điểm này.

Ngân hàng nhích nhẹ lãi suất tiết kiệm

Sau thời gian dài duy trì lãi suất huy động ở mức rất thấp, hiện nay với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã có sự tăng ở các ngân hàng nhỏ. Theo bảng lãi suất đang niêm yết tại MSB, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất đang là 5,6%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; từ 5-5,3%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng. Như vậy nếu gửi tiền tiết kiệm trên ứng dụng MSB mBank dịp này, khách hàng có thể được hưởng lãi suất cao nhất là 6,4%/năm.

Còn tại Ngân hàng BIDV, từ ngày 31/1/2022, khách hàng khi thực hiện các giao dịch trên kênh Ngân hàng số BIDV SmartBanking và dịch vụ Thẻ sẽ được tích điểm B-point trong chương trình BIDV Membership Rewards. Từ những điểm B-point tích lũy thành công, khách hàng có thể dùng để đổi thành các phần quà như thẻ nạp điện thoại/mua sắm/ăn uống/du lịch…

Trên thực tế tại các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, lãi suất tiền gửi tăng ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Mức cao nhất cho kỳ hạn 1-6 tháng hiện là 3-3,95%/năm và 5-6,8%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Áp lực lạm phát gia tăng khi cung tiền đưa ra thị trường ngày một nhiều hơn, trong khi thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn... cũng sẽ là lý do để các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, gửi tiết kiệm đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người chú ý do thị trường chứng khoán chao đảo, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng cũng đang tranh thủ đồng loạt tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu cho vay dịp cao điểm sau Tết.

Lãi suất cho vay sẽ thế nào?

Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Có thể thấy, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản thì việc tăng lãi suất là điều dễ hiểu để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng. Đây là tín hiệu cho thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng sắp tới sẽ hấp dẫn hơn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá đang chịu áp lực lớn, việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi. Điều đó có nghĩa, kỳ vọng giảm lãi suất cho vay đã không còn. Trong khi niềm mong mỏi của không ít doanh nghiệp hiện nay là lãi suất sẽ giữ nguyên bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, các quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách hút tiền về (thu hẹp bảng cân đối tài sản) và Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2022. Điều này sẽ tạo nên áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam.

Trong khi đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nêu rõ: Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%/năm trong năm 2022 và 2023, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên. Trong bối cảnh như vậy, ông Nghĩa cho rằng, ngoài biện pháp hành chính, Ngân hàng nhà nước vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành, hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc để “kìm cương” lãi suất.

“Người gửi tiền quan tâm là lãi suất thực dương, tức là người ta gửi lãi suất 6%/năm, trừ đi lạm phát 3% họ sẽ còn dương 3%. Lạm phát năm vừa qua là 1,85%, lạm phát năm 2022 có nhiều áp lực nhưng theo dự báo sẽ không tăng mạnh. Do đó, mặt bằng lãi suất vẫn hoàn toàn có thể được giữ ổn định, thậm chí giảm thêm trong năm 2022”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 8/2, tại cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất-kinh doanh; Khuyến khích, vận động tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

H.Hương - T.Như