Trẻ em dưới 12 tuổi có cần thiết tiêm vaccine phòng Covid-19?

Nguyễn Hoài 11/02/2022 10:45

Nên hay không nên cho con tiêm vaccine phòng Covid-19 đang là băn khoăn của nhiều phụ huynh có con dưới 12 tuổi.

Để chuẩn bị cho học sinh các khối lớp còn lại được trở lại trường, hiện các trường tại Hà Nội đang lấy ý kiến của phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ đang lo ngại về tác dụng phụ của vaccine.

Lo lắng tác dụng phụ

Con gái út chị Nguyễn Thị Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) năm nay học lớp 3, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ). Theo dự kiến, chỉ còn ít ngày nữa các con sẽ được đi học trở lại. Chị Hoa cho biết, trường con gái chị đã lấy ý kiến phụ huynh về việc đồng ý cho con tiêm vaccine.

Tuy nhiên, chị Hoa bày tỏ, chị rất lo về phản ứng phụ của vaccine vì trước đó, đã từng xảy ra một số trường hợp phản ứng nặng, thậm chí tử vong sau khi tiêm vaccine cho trẻ ở lứa tuổi 12 trở lên.

Ở thời điểm đó, con gái lớn của chị Hoa, học lớp 7, trong độ tuổi tiêm vaccine, chị Hoa cũng như đứng giữa ngã ba đường, không biết nên hay không nên cho con tiêm vaccine.

Học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

“Sau khi nghe con gái lớn nài nỉ tôi đành đồng ý cho con tiêm mặc dù rất phân vân. Lần này đến con gái út, tuổi còn nhỏ nên tôi lo lắng hơn. Cuối cùng tôi vẫn chưa đồng ý cho con gái út tiêm vaccine phòng Covid-19”, chị Hoa chia sẻ.

Con trai chị Lê Như Quỳnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 6 tuổi, bị bệnh dị ứng với một số loại thực phẩm, nên chị Quỳnh đang cân nhắc việc tiêm vaccine cho con.

Hơn nữa, theo tìm hiểu ý kiến các chuyên gia, hệ miễn dịch của trẻ em tốt hơn người lớn. Nếu không may, lứa tuổi này mắc Covid-19 thì các triệu chứng sẽ rất nhẹ, không có biến chứng và khỏi bệnh nhanh. Thế nên, thời điểm này, vợ chồng chị Quỳnh chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

“Tôi đọc thấy thông tin trẻ dưới 11 tuổi khả năng diễn biến nặng do Covid-19 rất ít. Hầu hết các con ở lứa tuổi này bị nhiễm cũng chỉ như mắc cúm. Con của bạn tôi cũng đã từng là F0, nhưng cháu cũng khỏi rất nhanh và tự điều trị tại nhà. Vì vậy, tôi cho rằng, việc tiêm vaccine với lứa tuổi này không cần thiết”, chị Quỳnh nêu quan điểm.

Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ ý kiến lo lắng không muốn cho con tiêm vaccine phòng Covid-19 vì tác dụng phụ. Một số phụ huynh cho rằng, đọc nhiều thông tin trên mạng xã hội, nhiều nước trên thế giới còn e dè, thậm chí không tiêm vaccine cho độ tuổi này.

Đây là vaccine mới được nghiên cứu mà chưa được kiểm chứng hậu quả, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này của trẻ.

Tại sao trẻ phải tiêm vaccine?

Trong khi nhiều bố mẹ đang lo ngại, băn khoăn giữa việc nên hay không nên cho trẻ dưới 12 tuổi tiêm vaccine thì sau khi học sinh ở nhiều địa phương đi học trở lại đã xuất hiện ca F0 trong trường học.

Trước thực tế nhiều ý kiến trái chiều về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ ở lứa tuổi này, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh việc cần thiết phải tiêm. Theo đó, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện, từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, nặng nhập viện.

Phụ huynh chia sẻ quan điểm về việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi trên mạng xã hội.

PGS.TS Phan Trọng Lân cho hay, qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lân, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Hiện nay qua theo dõi với biến thể Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng. Vì vậy, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Ông Lân cũng cho biết, vaccine được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, FDA Hoa Kỳ cũng như Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt. Số nước sử dụng tăng lên hàng ngày và đến nay là 44 nước và 3/4 số nước đó đã sử dụng vaccine.

Đối với vaccine, vấn đề thử nghiệm lâm sàng là vấn đề hết sức thận trọng, đầy đủ. Với vaccine này, các lứa tuổi lớn từ 18 tuổi trở lên thử nghiệm trước, sau đấy là lứa tuổi 12-17, và sau nữa là 5-11. Quá trình này được làm một cách hết sức thận trọng, bài bản qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc cung ứng đến việc tiêm chủng. Với chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Hiện nay, Bộ Y tế đang đốc thúc sớm nhất để có vaccine. Hy vọng khi có vaccine với kinh nghiệm tiêm chủng, các kế hoạch đã đưa ra thì chúng ta sẽ tiêm sớm nhất để làm thế nào có miễn dịch bảo vệ trẻ”, ông Lân nhấn mạnh.

Nguyễn Hoài