Đánh thuế bất động sản : Liệu có đánh trống bỏ dùi?

H.H 11/02/2022 14:30

Mới đây, Thủ tướng đã có quyết định 2161 về phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm đáng chú ý Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trườg bất động sản (BĐS) như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả BĐS nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Trước đó vào hồi đầu tháng 9 năm 2021, Trong cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý Thanh Hóa nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị và được đánh giá là một gợi ý rất thiết thực vừa giúp thu được thuế, vừa hạn chế việc đầu cơ bỏ hoang bất động sản.

Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công, sau này có thể nghiên cứu áp dụng thuế tài sản cho cho Hà Nội, TP HCM.

Thực ra, thuế tài sản nhà ở đã được cơ quan quản lý là Bộ Tài chính đưa ra bàn thảo hơn 20 năm nay, cũng tốn khá nhiều bút mực thuế tài sản nhà ở vẫn “án binh bất động" vì có nhiều băn khoăn đi kèm.

Trong khi đó ở góc độ người dân, nhiều người cho rằng, nên ban hành luật thuế BĐS thứ hai để chống đầu cơ đất và áp mức thuế thật cao. Bởi hiện nay, vì nạn đầu cơ đất, tung tin thổi giá nên nhiều người mua gom nhà đất nhưng không để ở, trong khi người thực sự có nhu cầu ở lại không thể mua được nhà.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, thừa nhận rằng, thị trường BĐS đã phát triển vượt bậc nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

Thị trường vẫn lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, một luật sư cho rằng đánh thuế bất động sản cần phải đánh luỹ tiến và đánh mạnh. Ví dụ, mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% nhưng với người có nhiều tài sản thì có thể đánh tới 10%.

Hơn nữa, phải làm sao tránh tình trạng thuế chồng thuế. Một căn nhà 10 tỷ thì đánh thuế. Nhưng nếu có 2 căn nhà 1 tỷ, một nhà ở một nhà cho thuê thì chả có lý do gì để đánh thuế. Đặc biệt khi nhà cho thuê đã phải nộp nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập...

Giới chuyên gia cho rằng nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công. Việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Thuế tài sản nên được hiểu là có ít tài sản thì không nên đánh thuế. Nếu đánh thuế, vị luật sư cũng nêu quan điểm, không nên tách rời nhà và đất như trong dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra.

Nói với Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cũng đồng tình với định hướng của Chính phủ trong việc đưa ra các loại thuế nhằm hạn chế đầu cơ minh bạch thị trường BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu , nhấn mạnh phải xem xét các giải pháp "đặc trị" sốt đất và bình ổn giá nhà thông qua việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế BĐS.

Như đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh sẽ chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường BĐS bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Đặc biệt sớm ban hành "thuế BĐS". Vì hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp "thuế sử dụng đất phi nông nghiệp", trong đó có "đất ở" với thuế suất đối với "đất ở" trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.

Thực tế, tại các nước phát triển, nguồn thu thuế lớn nhất không nằm ở khoản phí đánh trên người dân như VAT, thuế phí xăng dầu, cầu đường mà là thuế về sở hữu tài sản và thu nhập chiếm tới 50% - 70%.

Còn tại Việt Nam, việc đánh thuế BĐS được đánh giá như biện pháp thu thêm. Các chuyên gia cho rằng, với cách thức thu thuế BĐS như hiện nay, thì việc đầu tư vào BĐS có lợi hơn rất nhiều so với bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh.

Thế nên, đã sinh ra hiện tượng các nhà đầu cơ mua đất, găm đất, găm nhà kinh doanh, khiến nhiều dự án đô thị bị bỏ hoang.

H.H