Mở cửa trường học: Bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh

Nguyễn Hoài 11/02/2022 14:21

Nhằm đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thúc đẩy việc mở cửa trường học an toàn tại các địa phương, những ngày qua, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp.

* Tại Hải Phòng, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GDĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác mở cửa trường học của một số trường trên địa bàn TP Hài Phòng.

Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỷ lệ tiêm vaccine của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng, tránh, chữa bệnh đã có bước tiến dài.

Kiểm tra tại các lớp học và trò chuyện với giáo viên, hiệu trưởng các nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết tâm cũng như công tác triển khai các điều kiện để mở cửa trường học của tập thể cán bộ, giáo viên, đặc biệt các em học sinh lớp 1 đã được đi học trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán.

Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, song Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, TP Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc mở cửa lại trường học, tổ chức dạy học trực tiếp dựa trên 5 điều kiện then chốt: Cấp độ dịch của thành phố đang ở cấp độ vàng (nguy cơ trung bình). Tỉ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học thấp. Không có ca nhiễm trong giáo viên, học sinh chuyển nặng và tử vong vì Covid-19.

Tỉ lệ bao phủ vaccine trong giáo viên, học sinh và của toàn dân đã đạt yêu cầu. Các trường học đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh, đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp.

Kết quả, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (ngày 7/2), 100% các trường THCS, THPT, GDTX đón học sinh trở lại học trực tiếp. Các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp, chậm nhất vào ngày 14/2.

Ứng phó với dịch ở trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Những nội dung này theo Bộ trưởng đã được làm rõ trong cuốn “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học” do Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường.

Trong bối cảnh không ít trường học đang gặp khó khăn trong bố trí nhân viên y tế, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng bám sát tình hình thực tế của địa phương để có sự sắp xếp, tăng cường chuyên môn y tế thường trực cho trường học trong phạm vi có thể và phù hợp.

* Tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GDĐT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, Sở GDĐT, đại diện một số trường đại học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về việc chuẩn bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên trở lại trường học sau thời gian dài phải học trực tuyến do đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng đoàn công tác của Bộ GDĐT kiểm tra hoạt động chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng tránh dịch tại một số trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai Võ Ngọc Thạch, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh song song với việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch trong nhà trường.

Tới thời điểm này tổng số học sinh trong độ tuổi 6-12 đã tiêm vaccine là 230.305, số học sinh đã tiêm 2 mũi là 211.602 em (tỉ lệ 91,88%). Số giáo viên, cán bộ quản lý đã tiêm 3 mũi là 33.630/46.218 người.

“Đồng Nai tuy đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhờ quyết tâm và chủ động triển khai việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sớm đã mang lại cho ngành nhiều kinh nghiệm quý báu.

Trong thời gian trước Tết, ngành giáo dục đã cho thí điểm dạy học trực tiếp ở các thị trấn, xã có dịch ở cấp độ 1 từ ngày 15/11/2021 đến 28/1/2022. Qua đó, đã có 11/11 huyện, thành phố tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp.

Tính đến ngày 24/1/2022 đã có 325 trường học tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh và học viên một số khối lớp Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT”, ông Thạch thông tin.

Từ ngày 14/2 tỉnh có kế hoạch tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh và học viên các cấp học đồng loạt đi học trực tiếp trở lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngành Giáo dục Đào tạo đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh, các cơ sở giáo dục cho biết, thời gian qua đã tập trung nỗ lực duy trì việc dạy học trực tuyến và triển khai thí điểm dạy học trực tiếp, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm đưa học sinh trở lại học trực tiếp đại trà. Đến nay, công tác chuẩn bị đã và đang được triển khai khẩn trương và chu đáo, đồng thời đẩy mạnh truyên truyền, tạo sự đồng thuận cho phụ huynh học sinh yên tâm đưa con em mình trở lại trường.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Thời gian tới ngày học sinh đồng loạt trở lại trường học trực tiếp không còn nhiều, do đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến xử lý tình huống phát sinh dịch bệnh khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng đề nghị Sở GDĐT phải phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong xử lý như, đảm bảo ổn định dạy và học; tiếp tục bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo chất lượng hiệu quả, củng cố kiến thức cho học sinh khi trở lại trường trước khi dạy chương trình mới, đảm bảo chất lượng và kế hoạch năm học 2021-2022.

Nguyễn Hoài