‘Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững’

PV 11/02/2022 14:38

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 được tiếp nối chuỗi bảy hội nghị trước đó kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003.

Hội nghị Khoa học Quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 “Đổi mới sáng tạo khoa học Trái đất, Kinh tế tuần hoàn và Tính bền vững” được tổ chức từ ngày 11-12/2/2022 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội nghị khoa học này do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các trường đại học đối tác trong nước, Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ và các trường đại học, các viện nghiên cứu từ Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, phối hợp tổ chức.

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 được tiếp nối chuỗi bảy hội nghị trước đó kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững, Hội nghị khoa học quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 sẽ là nơi để các nhà khoa học, công nghệ, nhà quản lý và các doanh nghiệp từ các nước trên thế giới trao đổi và thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học Trái đất, công nghệ địa môi trường, năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng và kinh tế để tìm ra giải pháp bảo vệ hành tinh Trái đất từ các biến động toàn cầu, khu vực và địa phương để phát triển bền vững, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững..

Hội nghị khoa học Hanoi Geoengineering 2022 hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khoa học Trái đất để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết, đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Hội nghị đã thu hút được 51 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Các chủ đề của Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 tập trung vào các chủ đề chính gồm:

- Khoa học Trái đất, công nghệ địa kỹ thuật, địa chất sinh thái cho phát triển kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn: các nghiên cứu môi trường và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; khắc phục môi trường; giảm chất thải, nước thải và khí nhà kính; giảm thiểu thiên tai và chống chịu với thiên tai; phục hồi môi trường và thiên tai; chống chịu với thiên tai và tăng trưởng xanh; phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và các địa hệ; công nghệ thủy văn (quản lý nước thải và xử lý nước), giảm ô nhiễm vi nhựa.

- Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và kinh tế tuần hoàn: Tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); khai thác bền vững và sử dụng sáng tạo các năng lượng truyền thống (than, dầu và khí); khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; du lịch sinh thái, bảo tồn di sản thiên nhiên; mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phân phối và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

- Giải pháp cho kinh tế tuần hoàn và nâng cao tính bền vững: các giải pháp khoa học và công nghệ; giải pháp thể chế và chính sách; nâng cao năng lực và hợp tác cho phát triển bền vững, duy trì tính bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chống chịu; các giải pháp chuyển đổi số và công nghệ sáng tạo (bao gồm: trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ chuỗi-khối, phân tích dữ liệu).

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 được tổ chức theo hình thức kết hợp offline và online với sự tham dự của 100 nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp đến từ Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trường Đại học và Viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Australia…

Hội nghị Hanoi Geoengineering 2022 nhằm tạo môi trường học thuật để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững nhằm cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng thúc đẩy phát triển đất nước ta trong giai đoạn 2021-2030 đó là “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đây là định hướng của Đảng, phù hợp với nhu cầu phát triển tất yếu khách quan có tính quy luật và có ý nghĩa rất quan trọng để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

PV