Tuyển sinh đại học 2022: Áp dụng nhiều phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển
Hàng loạt trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh 2022. Thống kê hiện nay có tới 14 phương án tuyển sinh ĐH. Nhiều thí sinh băn khoăn, có nên tận dụng hết các phương án xét tuyển để tăng cơ hội vào trường ĐH, ngành học mình yêu thích?
Chọn phương án xét tuyển nào?
Mùa tuyển sinh nào, câu chuyện chọn trường, chọn ngành cũng là băn khoăn hàng đầu của tất cả các sĩ tử. Song trong bối cảnh hiện nay khi nhiều trường ĐH, trong đó có cả những trường ĐH top đầu tăng cường sử dụng các phương án tuyển sinh không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH thì thí sinh còn một nỗi lo khác là nên đăng ký xét tuyển theo phương thức nào để có lợi nhất, tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ của bản thân?
Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thực chất từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển ĐH cơ bản là xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ 2 phương thức trên.
Trong đó, phương thức thứ 3 tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.
Nhìn từ phía các trường, việc đưa ra nhiều phương án giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển, tạo cảm giác “yên tâm” đối với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu cho từng chương trình đào tạo hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo (thí dụ chương trình dạy - học bằng tiếng Anh).
Tuy nhiên, các trường có nghĩa vụ giải trình trước thí sinh và xã hội về sự tương đương giữa các phương án xét tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo để đảm bảo sự công bằng tương đối cho thí sinh.
Về phía thí sinh, việc các trường đưa ra nhiều phương thức cũng là tạo điều kiện để thí sinh cân nhắc và lựa chọn phương án phù hợp, có nhiều lợi thế nhất của bản thân để xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý cần căn cứ vào mặt bằng chung của thí sinh đối với phương thức xét tuyển đó để đăng ký, không nên vội vàng.
Lưu ý để trúng tuyển
Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố sau.
Thứ nhất, nếu thí sinh có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực.
Thứ hai, con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu.
Thứ ba, việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH học Quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá Tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho các em do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển ĐH.
Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý, thí sinh nghiên cần cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường ĐH công bố và lựa chọn, chuẩn bị các điều kiện của bản thân phù hợp với yêu cầu của phương thức xét tuyển. Mỗi thí sinh có thể đăng ký tất cả các phương án xét tuyển của trường đó, ngành đó nhưng nên có sự cân nhắc tối đa.
Bởi ngoài phương án xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT (thí sinh nào cũng phải trải qua kỳ thi này mới tốt nghiệp THPT được), thì các phương án như thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ hay tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy… đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng, không phải cứ đăng ký thi theo kiểu may rủi vừa mất thời gian, vừa lãng phí tiền bạc của gia đình.
Em Nguyễn Trường An (học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Thuận, Bắc Giang) cho biết, em đã tìm hiểu về các trường khối kỹ thuật và nhận thấy năm nay, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu được phân bổ khác nhau giữa các phương thức. Trong đó, nhiều trường giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực.
Tuy nhiên, do không đủ điều kiện học ôn các bài thi riêng, cũng khó khăn để tham dự kỳ thi nên em quyết định cố gắng ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đăng ký thêm nguyện vọng ở các trường top dưới, nhằm tăng khả năng trúng tuyển.
Tương tự, em Trần Thu Hằng (Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ban đầu em dự định thi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vì năm ngoái, chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của trường chiếm đến 50%.
"Nhưng trong mùa tuyển sinh 2022, chỉ tiêu này giảm chỉ còn 10 - 15% nên cơ hội thu hẹp rất nhiều. Vì vậy, em đã đăng ký thêm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để có thêm cơ hội trúng tuyển và các trường top trên”.
Các trường ĐH lưu ý rằng dù trúng tuyển bằng phương thức nào, thí sinh cũng đều được đào tạo và hưởng các chính sách như nhau. Thí sinh nên có sự chuẩn bị sớm đối với các phương thức xét tuyển riêng để nắm chắc cơ hội vào ĐH, không bị áp lực vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.