Khám phá 7 kỳ quan thế giới cổ đại
Dựa trên tầm nhìn của người Hy Lạp ngày ấy, 7 kỳ quan thế giới cổ đại được cho là những công trình kiến trúc vĩ đại nhất trải dọc Địa Trung Hải ngày ấy. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn một trong số chúng là được bảo tồn nguyên vẹn.
Xuôi dòng lịch sử, 7 kỳ quan thế giới cổ đại là minh chứng, là một phần của những hành trình tuyệt vời của nhân loại trên khắp các nền văn hóa và văn minh khác nhau, đồng thời thể hiện ý chí tuyệt đối và quyết tâm của những xã hội cổ xưa nhằm tôn vinh các vị thần, chung tay tạo nên những tác động cho hậu thế. Về số phận và sự tồn tại ngày nay của bảy kỳ quan thế giới cổ đại thì chỉ còn một kỳ quan là tồn tại nguyên vẹn, hai kỳ quan chỉ còn tồn tại dưới dạng phế tích và bốn kỳ quan đã hoàn toàn bị xoá sổ.
Vườn treo Babylon
Vườn treo Babylon hay còn gọi là vườn treo Semiramys là công trình được xây dựng vào khoảng năm 600 trước công nguyên (TCN). Công trình này được cho là do vua Nebuchadnezzar II của vương quốc Babylon (nay là Iraq) xây dựng để làm khuây khỏa nỗi nhớ quê hương của vợ mình là Amyitis.
Hoàng hậu Amyitis là con gái của Cyaraxes, vua của người Median nằm ở khu vực Tây Bắc Iran ngày nay. Vốn đã quen với những dãy núi hùng vĩ cùng những thảm cỏ xanh tươi, bà cảm thấy vùng đất Lưỡng Hà (vùng đất bao phủ cả Babylon) trơ trọi, bằng phẳng và bị chiếu rọi quanh năm bởi mặt trời là cực kỳ buồn chán.
Vì thế Nebuchadnezzar II đã quyết định tái tạo lại hình ảnh quê hương của Amyitis bằng cách cho xây dựng những khu vườn trên mái nhà, từ đó tạo thành vườn treo Babylon. Kiến trúc này bị hư hại nặng nề vào thế kỷ thứ II TCN và sau đó phần lớn tàn tích của chúng cũng bị hủy hoại khi cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq nổ ra.
Tượng thần Zeus ở Olympia
Tượng thần Zeus là bức tượng khắc họa lại hình ảnh vị thần tối cao trong thần thoại Hy Lạp do nhà điêu khắc nổi tiếng Phidias xây dựng vào khoảng năm 435 TCN. Bức tượng được làm từ ngà voi, vàng, các loại đá quý và gỗ cây tuyết tùng với chiều cao khoảng 12m. Tạo hình của bức tượng là cảnh thần Zeus đang ngồi trên ngai vàng, một tay cầm cây quyền trượng tượng trưng cho quyền lực tối cao và tay còn lại cầm bức tượng thần Nike - vị thần của sự chiến thắng.
Hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng về kết cục của bức tượng tuy nhiên theo một số miêu tả, bức tượng đã được chuyển tới Constantinople (nay là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó bị thiêu cháy trong trận hỏa hoạn năm 475 sau CN.
Lăng mộ của Mausolus
Lăng mộ Mausolus còn được gọi là Lăng mộ Maussollos hoặc Lăng mộ Halicarnassus - một trong những lăng mộ nổi tiếng nhất trên thế giới. Công trình này được xây dựng vào khoảng năm 353 - 350 TCN cho mục đích chôn cất Mausolus - vương hầu của một quốc gia nhỏ thời đế chế Ba tư cùng người vợ đồng thời là chị gái của mình là Artemisia.
Công trình này đã tồn tại qua rất nhiều thế kỷ, thậm chí nó vẫn còn nguyên vẹn sau khi thành phố Halicarnassus bị xâm lược và phá hủy vào thế kỷ thứ 2 TCN. Tuy nhiên đến thế kỷ thứ 14 sau CN, lăng mộ bị tàn phá bởi một loạt các trận động đất và đến năm 1404, chỉ còn phần móng của công trình là còn nhận rõ được.
Đền Artemis
Đền thờ nữ thần Artemis là một công trình kiến trúc được xây dựng ở thành phố Ephesus (nằm cách tỉnh Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ 3km) vào khoảng năm 550 TCN bởi kiến trúc sư người Hy Lạp là Chersiphron và con trai là Metagenes. Ngôi đền được xây dựng để tôn vinh nữ thần Artemis - vị thần của sự săn bắn và là người bảo hộ cho các thiếu nữ trong thần thoại Hy Lạp.
Ngôi đền đã từng trải qua nhiều lần mở rộng, sửa chữa và đến năm 430 TCN, công trình này đã có chiều dài khoảng 115m, chiều rộng 55m với cấu trúc gồm 127 cây cột bằng đá. Tuy nhiên vào năm 356 TCN, ngôi đền bị thiêu hủy bởi một người đàn ông Hy Lạp cuồng danh vọng và sự nổi tiếng. Sau đó, vào năm 323 TCN một ngôi đền khác đã được xây dựng lại ngay trên nền đất cũ.
Ngôi đền mới cũng chẳng có số phận khá hơn. Vào năm 262 sau CN, bộ tộc người Goth (một chủng tộc German) đã đột kích vào thành phố và thiêu cháy ngôi đền. Hiện nay chỉ còn lại phần nền và một số bộ phận phụ của ngôi đền thứ 2 là còn tồn tại.
Hải đăng Alexandria
Được xây dựng vào khoảng năm 201 TCN, ngọn hải đăng Alexandria nằm trên hòn đảo Pharos thuộc thành phố Alexandria, Ai Cập. Với chiều cao 135m, công trình này từng nắm giữ danh hiệu kiến trúc cao thứ 2 thế giới (chỉ thua Đại kim tự tháp Giza của Ai Cập) trong thời gian dài. Ngọn hải đăng này tồn tại trong khoảng thời gian rất lâu, tới 16 thế kỷ, trước khi dừng hoạt động và bị sụp đổ sau hai trận động đất năm 1303 và 1323.
Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes
Bức tượng được xây dựng ở Rhodes, một hòn đảo của Hy Lạp nằm tại phía đông nam biển Aegean. Bức tượng được xây dựng để vinh danh Helios - vị thần Mặt Trời trong Thần Thoại Hy Lạp và cũng là người bảo hộ cho hòn đảo này. Được xây dựng từ năm 292 - 280 TCN, bức tượng có chiều cao khoảng 34m và được làm hoàn toàn bằng đồng thau.
Tuy nhiên trong trận động đất năm 226 TCN, bức tượng đã bị gãy ở phần đầu gối và hoàn toàn sụp đổ. Các mảnh vỡ nằm ở thành phố suốt 8 thế kỷ cho đến khi được một thương gia người Edessa (nay là thành phố Urfa của Thổ Nhĩ Kỳ) mua lại. Ông ta cho nấu chảy chúng thành những tấm đồng rồi đem về quê mình.
Đại kim tự tháp Giza
Đại kim tự tháp Giza là công trình cổ xưa nhất trong danh sách top 7 kỳ quan thế giới cổ đại đồng thời cũng là kỳ quan duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Với chiều cao 146m, công trình này từng giữ danh hiệu là kiến trúc nhân tạo cao nhất thế giới tới tận gần 4 thiên niên kỷ (từ khoảng thế kỷ 26 TCN - năm 1300 sau CN).
Đại kim tự tháp Giza là một phần của khu lăng mộ Giza gồm 3 cấu trúc chính: Đại kim tự tháp Giza, Kim tự tháp Menkaure và Kim tự tháp Khafre. Bên cạnh đó, quần thể kiến trúc này còn một số kim tự tháp phụ, các công trình vệ tinh cùng kiến trúc đặc biệt nổi tiếng là bức tượng Nhân sư.