Sẵn sàng để hút vốn ngoại
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI dự báo tiếp tục khởi sắc trong năm 2022 này. Hiện nhiều địa phương đã chuẩn bị quỹ đất sạch, rà soát các điều kiện cần thiết để hút vốn ngoại.
Mở hàng bằng nhiều dự án lớn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam sẽ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài. Bên cạnh đó, sẽ chủ động lên danh sách các DN đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng đầu năm 2022, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 666 triệu USD, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 481 triệu USD, chiếm gần 23% tổng vốn đầu tư, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 451 triệu USD, chiếm gần 21,5% tổng vốn đầu tư, giảm 27% so với cùng kỳ.
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã điều chỉnh tăng vốn. Tại Nghệ An, Tập đoàn Goertek đã quyết định tăng vốn đầu tư Dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, địa phương đã nỗ lực cao nhất trong công tác thu hút đầu tư, không ngừng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để thúc đẩy thu hút các dự án lớn, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh tích cực, hợp tác cùng phát triển giữa tỉnh với các nhà đầu tư chiến lược.
Cũng đầu năm 2022, tại Phú Thọ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD. Tương tự tại Bắc Ninh, dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD.
Ngoài ra, theo thống kê trên cả nước còn có 100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Một số địa phương khác có kết quả thu hút FDI khả quan ngay từ những ngày đầu năm 2022. Cụ thể, trong tháng 1, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cấp mới cho 3 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 0,4 triệu USD và 2.724 tỉ đồng; cấp điều chỉnh cho 17 dự án, trong đó có 5 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 58 triệu USD. Số vốn đầu tư cấp mới và bổ sung quy đổi đạt khoảng 174,4 triệu USD.
Là địa phương nằm trong top 10 về thu hút vốn FDI, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết năm 2021 dòng vốn quan trọng này vào tỉnh tiếp tục duy trì tốt, với 20 dự án mới, vốn đăng ký trên 637 triệu USD và nhiều dự án đăng ký bổ sung vốn khác. Đặc biệt, để đón dòng vốn FDI, Bắc Giang đã sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Còn Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, cho biết vốn FDI “rót” vào tỉnh trong tháng 1/2022 đạt gần 70 triệu USD. Trong đó, gồm 1 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 1,2 triệu USD và 11 dự án tăng vốn gần 69 triệu USD.
Phát huy các lợi thế
Đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, vì đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm phân tích: Với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng, theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có nhiều nhóm lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư - điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Điển hình là Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với các tín hiệu mới ngay từ đầu năm và thực tế qua các cuộc trao đổi với các nhà đầu tư cho thấy, việc tăng 10 - 20% vốn đăng ký FDI lên 40 tỉ USD trong năm 2022 là có thể thực hiện được. Hiện nhiều dự án đầu tư về năng lượng, sản xuất điện tử… đã vào và một số nhà đầu tư cũng đang tìm hiểu nên tôi nghĩ chúng ta có thể lạc quan cho dòng vốn FDI năm nay.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Ngọc:
Thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác
Bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch Covid-19 cũng đã tạo sức ép để Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện; cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được cải cách theo hướng đơn giản hóa...
Vốn FDI vào Việt Nam đã khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước. Các hiệp định thương mại cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn. Lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được nâng lên, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được đẩy mạnh cải cách theo hướng đơn giản hóa... Chính các yếu tố nói trên đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis lựa chọn.
Về lâu dài, để dòng vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… Đồng thời, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất
Việt Nam cần phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón dòng vốn FDI đi kèm với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát dịch bệnh Covid -19, đảm bảo nguồn cung lao động ổn định.
Đặc biệt là tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là câu chuyện dài hơi liên quan tới đất đai, giấy phép xây dựng; thủ tục xuất nhập khẩu cần phải được khơi thông hơn nữa. Bên cạnh đó là những cải cách để tạo thêm không gian cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như cân nhắc nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, tạo niềm tin giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước...
T.Hằng(ghi)