Học sinh Việt kiều ở Campuchia quay trở lại học trực tiếp
Học sinh là con em việt Kiều ở Campuchia mướn phòng trọ hoặc ở nhà người quen tại Việt Nam được tạo mọi điều kiện để được đi học khi biên giới chưa mở cửa.
Sau Tết, với sự nỗ lực của ngành Y tế tỉnh An Giang phối hợp với ngành giáo dục tỉnh đã khẩn trương tiêm vaccine cho học sinh đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang cơ bản đã khống chế, địa phương cũng chuẩn bị các kịch bản, xây dựng phương án, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh quay trở lại đến trường học trực tiếp vào ngày hôm nay, 14/2.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online trong ngày 14/2, tại Trường THPT Quốc Thái (xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang) với số lượng học sinh toàn trường hơn 1.000 em học sinh.
Trong đó, có cả học sinh là con em Việt kiều ở Campuchia đã mướn nhà trọ hoặc ở nhà người thân tại Việt Nam để thuận tiện cho việc đi học.
Nhà trường cũng đã lấy ý kiến của phụ huynh học sinh để đón học sinh quay trở lại học trực tiếp, đa số các phụ huynh đều đồng ý để cho con quay trở lại học trực tiếp.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 Nhà trường cũng đo thân nhiệt cho các em học sinh trước khi vào trường và trang bị nước sát khuẩn trước phòng học để các em học sinh tự sát khuẩn, đặc biệt là luôn thực hiện đeo khẩu trang trong quá trình đi học.
Đồng thời, xây dựng kịch bản để xử lý nếu phát hiện các em học sinh có triệu chứng ho, sốt,.. để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Em Đỗ Thị Diễm My, học sinh lớp 12A7 (Trường THPT Quốc Thái) cho biết: Do dịch, biên giới đóng cửa, không thuận tiện để đi học nên khoảng 2 năm nay, em sống ở Việt Nam tạm trú ở nhà người thân để thuận tiện cho việc đi học.
Hôm nay, quay trở lại trường học trực tiếp cảm thấy rất an toàn. Bản thân em cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như: Sát khuẩn, đeo khẩu trang,... trong quá trình đi học.
"Trước khi quay trở lại đi học trực tiếp, thì cô giáo chủ nhiệm cũng đã phổ biến, sinh hoạt với lớp về việc chuẩn bị các kiến thức để phòng, chống dịch Covid-19 như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và hạn chế đi qua lại giữa các lớp với nhau để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, nếu có triệu chứng như: Ho, sốt, đau họng,...thì kịp thời báo với giáo viên để xử lý. Hiểu được kiến thức trong phòng, chống Covid-19 cũng rất cảm thấy yên tâm khi đi học trở lại trực tiếp", em My nói.
Chị Bùi Thị Đà, phụ huynh có con đang ở lớp 12A3 Trường THPT Quốc Thái, hiện đang tạm trú ở xã Bệt Chạy, huyện Koh Thum, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) cho biết: Gia đình làm ăn sinh sống ở Campuchia. Lúc trước chưa có dịch Covid-19 thì con gái đi học qua lại biên giới, được nhà nước hỗ trợ để cho con gái về nước học "tiếng mẹ đẻ" và quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho con gái đi học cảm thấy rất vui.
"Hiện nay, biên giới mở cửa, nên gia đình đã mướn phòng trọ trên địa bàn xã Long Bình để thuận tiện cho con đi học. Ngoài ra, nhà trường cũng đã phối hợp với y tế địa phương tổ chức tiêm vaccine đủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho con gái nên nhà trường đón học sinh quay trở lại học trực tiếp cảm thấy cũng rất yên tâm và ủng hộ", chị Đà nói.
Thầy Nguyễn Quốc Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Thái cho biết: Ban giám hiệu trường đã xây dựng các kế hoạch cụ thể từ việc thực hiện các biện pháp, kịch bản phòng dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp đến việc đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Ngoài ra, Nhà trường cũng đã rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định và tăng cường các biện pháp thông thoáng khí cho phòng học, phòng làm việc. Đồng thời cũng kiểm tra thân nhiệt, chuẩn bị nước sát khuẩn trước phòng học để học sinh rửa tay trước khi vào lớp và giãn cách tránh tập trung đông.
"Nhà trường có hơn 1.000 em học sinh với 30 lớp, để tránh tập trung đông người buổi sáng chỉ mở 15 lớp và buổi chiều 15 lớp. Đồng thời, giãn cách các phòng học và mỗi lớp chỉ sử dụng 1 phòng theo quy định tránh nguy cơ nhiễm chéo các phòng học với nhau. Ngoài ra, Ban Giám hiệu của trường cũng đã lên kế hoạch để bồi dưỡng và dạy thêm để trang bị kiến thức cho các em học sinh yếu trong thời gian học trực tuyến được bù đắp kiến thức cho các em học sinh", thầy Thanh nói.
Được biết, các trường học trên địa bàn biên giới huyện An Phú (tỉnh An Giang) có hơn 1.200 em học sinh đang theo học ở các cấp học từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT, là con em Việt kiều còn "kẹt" ở Campuchia. Do tình hình dịch Covid-19 đóng cửa biên giới, nên gia đình đã mướn phòng trọ hoặc ở nhà người thân bên phía Việt Nam để thuận tiện cho các em để học tập.