Đánh thuế bất động sản như thế nào?
Các chuyên gia cho rằng, với cách thức thu thuế bất động sản như hiện nay, thì việc đầu tư vào bất động sản có lợi hơn rất nhiều so với bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Thế nên, đã sinh ra hiện tượng các nhà đầu cơ “găm” đất, “găm” nhà, khiến nhiều dự án đô thị bị bỏ hoang…
Cần thiết đánh thuế bất động sản
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2161 về phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả BĐS nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Thực ra, thuế tài sản nhà ở đã được Bộ Tài chính đưa ra bàn thảo hơn 20 năm nay, nhưng đến hiện tại vẫn “án binh bất động”. Trong khi đó người dân cho rằng, nên ban hành Luật thuế BĐS thứ hai để chống đầu cơ đất và áp mức thuế thật cao. Bởi hiện nay, vì nạn đầu cơ đất, tung tin thổi giá nên nhiều người lao vào mua gom nhà đất chỉ để đầu cơ, không phải để ở, trong khi người thực sự có nhu cầu ở lại không thể mua được nhà.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhấn mạnh, phải xem xét các giải pháp “đặc trị” sốt đất và bình ổn giá nhà thông qua việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế BĐS. Như đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh sẽ chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường BĐS bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý định đầu cơ.
Đặc biệt cần sớm ban hành Thuế BĐS vì hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp “thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, trong đó có “đất ở” với thuế suất đối với “đất ở” trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.
Thực tế, tại các nước phát triển, nguồn thu thuế lớn nhất không nằm ở khoản phí đánh trên người dân như VAT, thuế phí xăng dầu, cầu đường mà là thuế về sở hữu tài sản và thu nhập (chiếm tới 50% - 70%).
Còn tại Việt Nam, việc đánh thuế BĐS được đánh giá như biện pháp thu thêm. Các chuyên gia cho rằng, với cách thức thu thuế BĐS như hiện nay, thì việc đầu tư vào BĐS có lợi hơn rất nhiều so với bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Thế nên, đã sinh ra hiện tượng các nhà đầu cơ “găm” đất, “găm” nhà khiến nhiều dự án đô thị bị bỏ hoang.
Những băn khoăn
Thực tế thuế BĐS bao gồm nhà và đất, Việt Nam đã có dự tính từ cách đây 30 năm. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng có đề xuất nhưng chưa nhận được sự đồng thuận chung của dư luận xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, đánh thuế BĐS sẽ tác động đến đất, các công trình trên đất và nó gắn với nhiều vấn đề lịch sử. Đây là luận cứ để đem ra bàn có nên áp dụng thuế BĐS hay không và áp như thế nào cho phù hơp? Điều mà ông Ánh băn khoăn là, đánh thuế đất hay chỉ đánh thuế tài sản trên đất. “Vì thực tế hiện nay, việc đánh thuế đất là rất vô lý, thuế đất phi nông nghiệp quá thấp. Đơn cử tại phố Hàng Trống (Hà Nội) trên diện tích 70m2 thuế đất đóng 2,1 triệu đồng/năm”, ông Ánh phân tích.
Nhìn rộng ra các nước phát triển, tài sản càng lớn thì đánh thuế càng cao, bởi vì họ phải bảo vệ tài sản cho chủ thể. Còn tại Việt Nam, bất cứ loại thuế nào cũng đều đánh trên doanh thu và thu nhập, kể cả trực thu và gián thu. “Nếu ở các nước phát triển, việc thông tin về tài sản được công khai minh bạch, thì ở Việt Nam ngược lại”, ông Ánh nói. Theo ông Ánh, việc đánh thuế BĐS không hạn chế được tình trạng các khu đô thị bỏ hoang. Việc chống đầu cơ, chống đất hoang cần phải có cơ chế khác. Thuế BĐS là thuế phổ biến đánh trên quyền sở hữu sử dụng tài sản chứ không dùng để chống vấn đề đầu cơ hoặc đất hoang hoá.
Giới chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thuế BĐS cần nghiên cứu kỹ để khi triển khai và áp dụng vào thực tế sẽ nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Xây dựng luật thuế để phát triển ổn định thị trường cũng là xây dựng hành lang pháp lý ổn định, bền vững. Đây chính là giải pháp hiệu quả đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, của người dân…