Giáo viên không gọi học sinh là ‘con’: Tại sao lại tranh luận, bàn cãi?

Nguyễn Hoài 15/02/2022 16:17

Quan điểm giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con” của nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lại Nguyên Ân đang gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Xung quanh nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online đã có những trao đổi với phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia về vấn đề này.

Gọi con không có gì sai

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, cách xưng hô “con” là trong mối quan hệ gia đình, không nên sử dụng trong các mối quan hệ xã hội như giáo viên – học sinh.

Ông Ân đồng thời đề xuất với Bộ GDĐT sớm thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung mà trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là giáo viên không gọi học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn".

Ông Ân cũng yêu cầu các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến gọi học sinh là "các bạn". Dưới góc nhìn của các bậc làm cha, làm mẹ, nhiều người đưa ra những ý kiến trái chiều.

Đồng tình với quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chị Hoàng Bích Ngọc (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, từ “con” có nghĩa chính là để người thế hệ sau trong quan hệ với người trực tiếp sinh ra chứ không phải là cách gọi giữa thầy và trò.

Chị Ngọc dẫn lại thời thế hệ chị đi học, trong trường, học sinh xưng “em” với thầy cô. Theo chị Ngọc, cách xưng hô này giúp phân biệt mối quan hệ giữa thầy và trò với những mối quan hệ khác mà vẫn thể hiện sự tôn kính với thầy cô của mình.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhiều phụ huynh lại cho rằng, cách xưng hô này không có gì là sai. Chị Nguyễn Thị Cúc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, cách xưng hô “cô – con” hay “thầy – con” không ảnh hưởng gì mà thêm phần thân thiết, ấm áp hơn là cách xưng hô “cô – em” hay “thầy – em”.

“Tôi đặt ví dụ, nếu trên lớp, thầy cô gọi học sinh là “anh, chị”, xưng “tôi” sẽ khiến mối quan hệ giữa thầy và trò có một khoảng cách, khiến học sinh khó gần gũi, chia sẻ với thầy cô. Cách gọi học trò là “con” không phải là thiếu tôn trọng hay qua mặt, cướp đi công sinh thành của phụ huynh học sinh, mà đơn giản là cách gọi này thể hiện sự yêu thương, tình cảm với học trò”, chị Cúc cho biết.

Tương tự, chị Hoàng Thị Thúy (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cho rằng, việc gọi học trò là “con” không có gì để tranh luận, bàn bạc. Con lớn của chị Thúy năm nay đã học lên tới bậc đại học. Nhiều năm nay, chị quen với cách con xưng hô với thầy cô là “con với cô” hoặc “con với thầy”.

Chị Thúy cho hay: “Từ trước tới nay, thầy trò quen xưng hô như thế nào thì cứ để tự nhiên như thế. Cách gọi “cô” xưng “con” chẳng phải rất gần gũi hay sao? Tôi thấy hiện nay giáo dục còn nhiều điều cần phải quan tâm chứ cách gọi giữa cô và trò thì có gì quá để bàn cãi đâu. Điều quan trọng là khi đến trường con được thầy cô yêu thương và ngược lại con biết tôn trọng, quý mến thầy cô”.

Cách xưng hô có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục?

Từ thực tế dạy học ở 5 trường THCS ở Nghệ An, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chưa thấy trường nào gọi học sinh là con. Học sinh nơi trường đang công tác hiện nay cũng không muốn thầy cô gọi học sinh là “con”.

Thầy Tuấn Anh nêu quan điểm: “Từ cấp học THCS trở lên thì thầy cô không nên gọi học trò là “con” mà cứ gọi “em” như lâu nay thôi. Xét cho cùng thì việc gọi hs là con hay em thì cũng chả ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục. Tùy thuộc vào thói quen của từng vùng, miền, từng cấp học, miễn là được học sinh phụ huynh thấy thoải mái”.

Cũng theo thầy Tuấn Anh, cách gọi học trò là “em” lâu nay đã trở thành một thói quen xưng hô của thầy cô. Gần đây, một số trường tiểu học ở thành phố mới có cách gọi học trò là “con”, bắt đầu từ các trường ngoài công lập, dần dần tạo thành một trào lưu trong cách xưng hô giữa thầy và trò. Còn ở các vùng quê, cơ bản vẫn gọi học sinh là em.

“Cách gọi học sinh là em cũng thấy rất thoải mái, vừa tình cảm, vừa thể hiện thứ bậc. Tôi nghĩ rằng, cách xưng hô cứ để các trường chủ động gọi thế nào cho phù hợp với từng cấp học và thói quen vùng miền là được”, thầy Tuấn Anh cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS. TS Phạm Văn Tình, tác giả của nhiều bộ sách tiếng Việt giúp học sinh, yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, cho rằng: những ý kiến, quan điểm đưa ra về việc giáo viên không gọi học sinh là “con” cần được tôn trọng, lắng nghe.

Theo PGS. TS Tình, thực tế, trước Cách mạng tháng 8 đã tồn tại cách xưng hô “thầy – con”. Sau Cách mạng tháng 8, cách xưng hô được thay đổi thành “thầy cô – em”. Sau này, học sinh lớp nhà trẻ, mẫu giáo có 3 cặp xưng hô: “cô – cháu”, “cô – con”, “mẹ - con”; từ bậc tiểu học đến hết phổ thong xưng hô “thầy, cô – em”. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, học sinh tiểu học thường xưng “con” với thầy cô, xu hướng này xuất phát từ cách gọi của miền Nam.

Những ý kiến phản đối cách xưng hô “thầy, cô – con” chủ yếu là người miền Bắc. Họ cho rằng “con” là cách xưng hô độc quyền của cha mẹ. Song, PGS. TS Tình cho rằng, Việt Nam vốn có văn hóa tôn sư trọng đạo nên trong các mối quan hệ luôn chọn cách xưng hô sao cho phải phép, theo nguyên tắc thiết lập vị thế giao tiếp cho thích hợp.

Quay trở lại với nhà trường, PGS.TS Tình nêu quan điểm, chúng ta không thể coi cách xưng “con” là độc quyền trong gia đình. Cách xưng hô này của thầy cô thể hiện sự thân thương giống như người con của mình và hoàn toàn hợp lý, tạo sự gắn bó tình cảm giữa thầy và trò.

Hơn nữa, mục tiêu của giáo dục là tạo sự thân thiện, sao cho đến trường “cô giáo như mẹ hiền”… nên bản thân mỗi cô giáo muốn nhập vai người mẹ để kéo học sinh vào môi trường giáo dục thân tình, ấm áp.

PGS. TS Tình cũng khẳng định, cách xưng hô này không ảnh hưởng gì tới chất lượng giáo dục. Theo khảo sát thực tế, học sinh càng ở các lớp lớn thì càng có xu hướng xưng hô “thầy cô – em”.

“Hiện nay, trong các nhà trường, cách xưng hô giữa thầy và trò được tự điều chỉnh sao cho phù hợp theo từng cấp học. Những ý kiến phản đối cần được tôn trọng, lắng nghe nhưng tính quyết định thuộc về quy luật và cách thức ứng xử giữa các mối quan hệ trong cuộc sống mà không ai có thể ép buộc được”, PGS.TS Tình nêu quan điểm.

Nguyễn Hoài