Nam Định: 23 Tỉnh ủy viên tham gia Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng
Để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, phức tạp của tỉnh, Nam Định vừa thành lập riêng một Ban chỉ đạo, với hầu hết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các địa phương trong tỉnh tham gia…
Ngày 15/2, thông tin với Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Anh Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở đề nghị của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Theo quyết định, Ban do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc làm Trưởng ban; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng làm phó ban; trong đó ông Phạm Đình Nghị làm Phó ban thường trực.
Trong số 23 ủy viên Ban có 12 Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Va, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh; Lương Văn Kiểm, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Hoàng Nguyên Dự, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Trần Minh Thắng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
11 Ủy viên khác là 11 Tỉnh ủy viên, trong đó có bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ông, bà là Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Bí thư huyện ủy 9 huyện trong tỉnh.
Cũng theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Tỉnh ủy, Ban Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, phức tạp của tỉnh tại các địa phương, đảm bảo đúng tiến độ và đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế trên cả nước cho thấy, thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng thường là khâu khó khăn, phức tạp nhất trong quy trình đầu tư các dự án. Rất nhiều dự án, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dẫn đến không thực hiện được hoặc chậm tiến độ. Giải phóng mặt bằng cũng là khâu thường phát sinh sai phạm, tiêu cực, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự; nhiều cán bộ, người liên quan từng bị kiểm điểm, xử lý, thậm chí lâm cảnh “tù tội”.
Nam Định thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong bối cảnh sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, tỉnh đã và đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm. Nhiều dự án thuận lợi nhưng cũng không ít dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, cách mấy tháng, chính quyền Nam Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án cùng của Công ty CP Xuân Thiện Nam Định tại huyện Nghĩa Hưng, tổng mức đầu tư gần 70 nghìn tỷ đồng, gồm Dự án Nhà máy gang thép số 1, Dự án Nhà máy cán thép, Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Để triển khai, tỉnh đã ra quyết định thu hồi 431 ha đất tại huyện Nghĩa Hưng, cam kết với nhà đầu tư trong tháng 5/2022 sẽ bàn giao mặt bằng sạch.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện quy trình thực hiện các dự án đường bộ mới nối TP Nam Định với cầu Lạc Quần - đường ven biển; một số cầu bắc qua sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy; nhiều Cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện. Hôm 13/2, tỉnh có tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng, bằng hình thức đầu tư công; trong đó đoạn qua địa bàn Nam Định dài 31 km, kinh phí đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng…
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, đây là lần đầu Nam Định thành lập riêng một Ban chỉ đạo của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng.