Thi tốt nghiệp tại doanh nghiệp: Nhiều thuận lợi
Tại tọa đàm do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTBXH tổ chức sáng 15/2, đại diện nhiều cơ sở GDNN đồng thuận với việc tháo gỡ điểm nghẽn trong chương trình đào tạo của nhà trường trong bối cảnh đẩy mạnh hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp (DN).
Linh hoạt chương trình đào tạo
Tại tọa đàm, đại diện một trường CĐ nhấn mạnh trong hợp tác với DN, càng sâu thì càng hiệu quả. Hiện trường đang đưa sinh viên (SV) đi thực tập, định hướng để những sinh viên này trở thành nguồn nhân lực được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng sau đó. Muốn vậy, cần sự phối hợp giữa nhà trường và DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là DN có quyết tâm để thay đổi quy trình quản lý nhân lực hay không? Thông thường khoảng 3 DN chỉ có 1 DN hợp tác thay đổi.
“Khi đưa SV đi thực tập, DN ban đầu đặt hàng khoảng 20 SV nếu làm việc tốt sẽ tuyển dụng nhưng thực tế, sau thời gian thực tập, có thể cả 30 SV nhà trường đưa tới đều được đánh giá tốt và DN sẵn sàng nâng số lượng nhân lực sẽ tuyển dụng. Ngược lại, những học sinh (HS) nào chấp chới, nhà trường sẽ nhận về để đào tạo lại, cung cấp cho DN khác”, vị này nói và khẳng định cần lựa chọn đối tác phù hợp với nhà trường từ tầm nhìn, quan điểm… bởi không dễ dàng để DN thay đổi mô hình quan điểm của mình để phù hợp với nhà trường nên nhà trường cần linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của DN.
Trong bối cảnh hiện nay, trường đề xuất có quy định cho việc đào tạo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến bởi theo nghiên cứu thực tế, có những nội dung có thể kết hợp 2 hình thức đào tạo này để tiết kiệm thời gian, chi phí. Hiện đã có giảng dạy và thi 100% theo hình thức online nên nhà trường mong muốn sẽ có quy định về đào tạo từ xa kết hợp trực tiếp để thuận lợi cho đào tạo tại DN. Trong đó, có thể xây dựng chương trình 2 năm đầu đào tạo những kiến thức kỹ năng cần thiết, có thể học cả ngày để đảm bảo đào tạo xong những kiến thức cần thiết để năm cuối tập trung đào tạo hiệu quả tại DN. Phải xác định nhà trường đã dạy SV đạt 70-80% kỹ năng DN cần, phần còn lại DN sẽ giúp đào tạo.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, nhà trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền vững với một số DN trong việc đào tạo SV. Đặc biệt, có DN đã chủ động nhận đào tạo SV ngay từ năm học đầu tiên thay vì đến năm cuối mới đến thực tập, thực hành. Như 3 khóa gần đây, mỗi tuần sẽ có 45 SV ngay từ năm thứ nhất đến thực tập tại DN. Từ đây, kết quả đào tạo tiến bộ rõ rệt, trình độ học viên được nâng cao.
Về phía DN, đại diện đến từ Sài Gòn Hotel cho biết trong bối cảnh hiện nay, DN đều mong muốn SV được đào tạo đa kỹ năng để có thể thích ứng với nhiều vị trí việc làm. Thời gian thực tập không nên cứng nhắc là 1 tháng hay 3 tháng mà có thể linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của DN chứ không thể cứng nhắc yêu cầu vào ngày làm việc, 8 tiếng mỗi ngày bởi đặc thù của từng DN khác nhau, làm ngày nghỉ, làm ngoài giờ cũng rất nhiều.
Đại diện Công ty Mạnh Toàn Phát khẳng định SV chăm chỉ, rất thích nguồn nhân lực SV. Vị này đề xuất không chỉ SV năm cuối mà ngay cả SV năm nhất, năm 2 đều có thể đưa đến DN để thực tập và đề nghị tăng thời thời gian trải nghiệm tại nhà máy lâu hơn, có thể 6 tháng, 1 năm. DN sẵn sàng hỗ trợ trong việc cùng đào tạo các em với nhà trường.
Đề xuất thi tốt nghiệp tại DN
Đại diện trường CĐ cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho biết thi tốt nghiệp tại DN là hình thức phù hợp hoàn toàn có thể tin tưởng để triển khai rộng rãi. Tùy theo DN mình đưa đi, DN có trình độ công nghệ cao thì yêu cầu sản phẩm người lao động làm ra ít nhất là bằng hoặc cao hơn các tiêu chí trong thi kỹ năng nghề. Khi đó, nhà trường sẽ chia tổ để các em thi hiệu quả. Có thể bám ngay vào các tiêu chí thông số kỹ thuật HS đang làm, DN cung cấp cho thị trường để đánh giá HS, SV. Lúc đó, kết quả là hoàn toàn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương để tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN phát triển. Vấn đề đào tạo thi trực tuyến các bộ môn để tránh độ trễ, quên kiến thức là phù hợp bởi nhiều địa phương vẫn học online nên khó thi ngay với những môn học còn phần thực hành. Giải pháp là các trường cần linh hoạt, chủ động tính toán cho phù hợp. Chẳng hạn, trao đổi với DN về thời gian thi tốt nghiệp của học viên sau khi đã được tuyển dụng vào DN để tránh ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN.
Đối với vấn đề là trình độ sư phạm của chuyên gia tại DN, lãnh đạo trường CĐ cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho rằng có thể khắc phục là đưa giảng viên của nhà trường đi cùng để phối hợp. Bên cạnh đó, vị này cũng đề xuất tăng cường các khóa đạo tạo cho chuyên gia của DN để giảng dạy tốt hơn SV đến thực hành.
TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết sau Covid-19, các DN đều tăng tốc trở lại. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo của DN cần tuyển dụng trong thời điểm sau Tết Nguyên đán chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%. Như vậy, nhu cầu cấp thiết về việc đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho thị trường đang đặt ra đối với các cơ sở GDNN.
Trong đó, vấn đề đưa SV đi thực hành tại DN là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo của nhà trường. Hiện Tổng Cục đang trình Bộ LĐTBXH 2 Thông tư mới để khắc phục những hạn chế trước đây trong quá trình các trường đưa SV năm cuối đi thực hành, thực tập theo hình thức vừa học vừa làm sẽ có thể tổ chức thi tại DN. Đây là những nội dung còn đang vướng khi theo Thông tư 29 quy định, không được thi tốt nghiệp ở địa điểm ngoài trường. Theo quy định Thông tư 09 thì địa điểm tổ chức đào tạo chỉ tại trường hoặc phân hiệu tại trường, nghĩa là địa điểm liên kết đào tạo cũng không được tổ chức – điều này là một “điểm nghẽn” trong đào tạo dự kiến sẽ được khắc phục trong năm 2022 này.
“Đối với vấn đề đào tạo từ xa kết hợp trực tiếp, các nhà trường có thể hoàn toàn chủ động”, TS Hùng cho hay.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thông tin vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nằm trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó không chỉ đặt vấn đề làm sao nâng cao năng lực đào tạo của các nhà trường mà còn đề cập đến năng lực đào tạo của các DN cần nâng cao như thế nào. Theo đó, Chiến lược nhấn mạnh cần cung cấp nâng cao năng lực cho đội ngũ này để DN trở thành nơi đào tạo SV thực sự, không chỉ là nơi các em đến thực tập một thời gian ngắn rồi về trường.
“Nếu các trường cùng chủ động nâng cao năng lực cho DN, đối tác của chúng ta thì các em HS, SV sẽ có điều kiện tốt hơn để thực tập, thực hành”, TS Bình nhấn mạnh và cho biết, sau tọa đàm này sẽ soạn thảo hướng dẫn để gửi đến các Sở ngành, các trường.