Tham gia lễ hội phải thật an toàn

Phạm Sỹ 16/02/2022 06:58

Từ lâu, thói quen đi lễ chùa, lễ đền đầu Xuân đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hai năm qua, nhiều lễ hội đã phải thu nhỏ quy mô hoạt động, có thời điểm phải tạm dừng nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

TS Trần Hữu Sơn.

Trong bối cảnh đất nước đang trở lại trạng thái “bình thường mới”, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine như hiện nay, nhiều địa phương đã tiến hành mở cửa các điểm di tích, cơ sở tôn giáo để người dân thực hành tín ngưỡng. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân cần được tôn trọng. Phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về vấn đề này.

PV: Người Việt Nam thường có tục đi lễ chùa đầu năm để thắp hương, viết sớ, cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình và những người thân vào dịp đầu năm. Nét đẹp văn hóa này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần người dân Việt Nam, thưa ông?

TS Trần Hữu Sơn: Người dân Việt Nam luôn có ý thức nhân văn rất cao trong đời sống. Vì thế họ sống và ứng xử hài hòa với thiên nhiên. Trong quan hệ xã hội thì trọng nhân nghĩa và luôn luôn ghi nhớ công lao của tiên tổ. Trong thế giới quan của người Việt đề cao tín ngưỡng truyền thống.

Đạo Phật du nhập vào nước ta từ thời nhà Đường và trở thành một bộ phận tôn giáo tín ngưỡng của người Việt. Vì thế người dân có truyền thống đi lễ chùa, lễ đền. Người dân đến đền, chùa không chỉ với những giá trị tốt đẹp mà họ còn gửi gắm, cầu mong về sức khỏe, tiền tài, cuộc sống bình an…

Bên cạnh những nét đẹp như ông nói thì vẫn còn xảy ra những tồn tại, hạn chế trong việc đi lễ chùa đầu năm của người dân. Ví dụ như vẫn còn có những hình ảnh, lời nói, hành động không phù hợp thuần phong mỹ tục, trái với bản sắc văn hóa truyền thống, gây mất mỹ quan... Theo ông, cần phải làm gì để thay đổi quan điểm, cách nhìn của người dân để nét đẹp văn hóa truyền thống này của người Việt phát huy hết giá trị?

- Từ trong cuộc sống của chính họ đã có nhiều bất an, đặc biệt trong hai năm dịch bệnh vừa qua. Từ đó, nhu cầu của người dân là nhu cầu được bình an, đó là điều cơ bản, vì thế mà người dân sẽ đi lễ chùa, lễ đền nhiều hơn. Đó là lúc người dân giải tỏa tâm lý.

Tuy nhiên, khi đến các điểm tín ngưỡng, người dân thường có quan niệm trần sao âm vậy. Họ nghĩ cứ đem tiền đến, với ý nghĩa đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, cái gì cũng quan hệ bằng tiền vì thế dẫn đến cảnh những tờ tiền lẻ được rải ở khắp nơi.

Cùng với đó, nhiều người không chú ý đến lịch sử, giá trị của di tích mà chỉ chăm chăm chen lấn, xô đẩy để cầu xin. Đặc biệt là việc đốt vàng mã quá nhiều đã gây ô nhiễm môi tường, lãng phí… Đó là những hành động, hình ảnh phản cảm.

Để thay đổi quan điểm, cách nhìn của người dân khi đến các cơ sở tôn giáo, điểm di tích thì trước hết các Ban quản lý di tích cần xây dựng quy tắc ứng xử. Ngoài ra, chúng ta tu thì tu tại tâm, không phải tu theo hình thức, không cấm đốt vàng mã nhưng phải hạn chế.

Thưa ông, hai năm qua, đất nước ta phải trải qua ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước đã tạm dừng tổ chức các lễ hội để tăng cường công tác phòng, chống dịch. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân không?

- Dịch Covid-19 tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, đóng cửa các cơ sở tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tham gia lễ hội, thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Nhưng khi mở cửa trong tình hình dich bệnh thì khả năng lây lan dịch bệnh là rất lớn. Vì thế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo không tổ chức phần hội mà chỉ tổ chức phần lễ. Theo tôi đây là những chỉ đạo phù hợp và kịp thời.

Bước sang năm 2022, mặc dù dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, song với chiến dịch bao phủ vaccine, đất nước ta đang dần trở lại thích ứng an toàn, linh hoạt… Theo ông, để an toàn cho bản thân và những người xung quanh thì ý thức của mỗi du khách thập phương cần tuân thủ những gì?

- Để an toàn cho bản thân và những người xung quanh thì trước hết những người tham gia các hoạt động tín ngưỡng cần phải đã được tiêm đầy đủ vaccine, ít nhất là 2 mũi. Đáng chú ý, trong việc tham gia lễ chùa, lễ đền đầu năm sẽ có rất nhiều người già. Đây là đối tượng nhiều bệnh nền.

Bên cạnh tiêu chí an toàn về vaccine thì người dân cần chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cần phát loa tại các di tích, đền, chùa, đồng thời treo băng-rôn khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch mỗi khi đến đám đông.

Tuy nhiên cũng khó có thể tránh được nguy cơ lây nhiễm vì số lượng người đến với cơ sở tôn giáo tín ngưỡng sau một thời gian dài đóng cửa sẽ là rất đông, đây là vấn đề phức tạp. Ngành Y tế phải có những dự báo, những chuẩn bị để đối phó với những tình huống xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ