Biến tướng lễ chùa online - Bài 2: Khi văn hóa tâm linh cũng… ảo

Hoàng Vân 16/02/2022 09:47

Bên cạnh việc tạo ra nhiều sự tiện ích trong tình hình dịch bệnh, hình thức viếng chùa online nếu bị lạm dụng quá đà có thể làm phai nhạt đi văn hóa đi chùa đời thực. Những hệ lụy kéo theo khiến người Việt hình thành những suy nghĩ lệch lạc, cho thấy đời sống văn hóa tâm linh ảo cũng cần được nhìn nhận và có phương hướng giải quyết đúng đắn.

Thích ứng hợp “tình cảnh”

Thầy Thích Tuệ Minh, trụ trì Chùa Chí Linh - Yên Thành, Nghệ An.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết online, thầy Thích Tuệ Minh - trụ trì Chùa Chí Linh - Yên Thành, Nghệ An cho biết, cụm từ “đi lễ chùa online” xuất hiện và phổ biến nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam.

“Đây là một hình thức giúp người dân có niềm tin tín ngưỡng đối với Phật Giáo hoặc những người quá bận rộn ít có thời gian đến chùa tụng kinh, nghe pháp, thực nghiệm đời sống tâm linh, trải nghiệm cuộc sống Thiền Môn… Phương pháp này giúp các Phật tử có thể thực hành các nghi lễ, tiếp cận Phật Giáo một cách thuận tiện hơn.

Khoảng 2 năm trở lại đây, đi lễ chùa online đã trở thành xu hướng tất yếu.

Trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, mô típ này dần phát triển mạnh mẽ. Khoảng 2 năm trở lại đây, đi lễ chùa online đã trở thành xu hướng tất yếu khi đại dịch vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát”, thầy Thích Tuệ Minh nói.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thực hiện hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những năm gần đây, một số trang web đi lễ chùa online chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra đời. Cứ thế, hình thức đi lễ chùa online dần trở nên phổ biến hơn trong đời sống tinh thần người Việt.

Đầu năm 2021 website có tên “chùa online” xuất hiện trên Internet.

Đầu năm 2021, một website có tên “Chùa online” xuất hiện trên Internet đã làm cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ bởi tính chân thực của nó. Chỉ với một thao tác đơn giản, người dùng có thể truy cập dễ dàng vào trang web, theo đó bàn thờ 5 vị Phật hiện ra. Trang web có tất cả những thông tin, các “gói” cần thiết hỗ trợ cho những đối tượng có nhu cầu.

Một số Phật tử tỏ ra phấn khích vì sự mới lạ của các Website, họ cho rằng chùa là “ảo” nhưng chỉ cần tâm của mình luôn hướng Phật thì dù đến trực tiếp hay cúng tại nhà cũng đều được đức Phật phù hộ.

Nói về tính thuận tiện của 2 hình thức, thầy Tuệ Minh cho rằng: “Không thể so sánh hai hình thức đi chùa trực tiếp và online cái nào thuận tiện hơn cái nào, bởi mỗi một hình thức đều có nét riêng. Tuy nhiên nói đến nét văn hoá truyền thống đặc thù của người Việt thì việc được đến tận nơi vẫn là tốt hơn.

Từ đó, hình thức đi chùa online trở nên phổ biến hơn trong văn hóa của người Việt.

“Hơn thế, Phật giáo là đến để mà thấy chứ không phải thuần tuý là niềm tin cầu cúng. Do vậy việc đến chùa là để học tập tu dưỡng mở mang nguồn tuệ giác để có thể chuyển hoá nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống này”, thầy Thích Tuệ Minh khẳng định.

Đường đi đúng cho văn hóa tâm linh… ảo

Song song với việc dâng hương, các Phật tử tham gia lễ chùa online còn được thực hành tín ngưỡng bằng hình thức gián tiếp và nghe kinh pháp để thanh tịnh tâm hồn, xóa bỏ đi hết những âu lo, phiền muộn trong cuộc sống thường nhật. Đây được xem là xu hướng và giải pháp tạm thời.

“Tuy nhiên, đồng hành với sự phát triển đấy, những mối nguy hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro là điều không thể tránh khỏi”, thầy Thích Tuệ Minh đưa ra cảnh báo.

Bên cạnh những sự tiện ích thì đi lễ chùa online cũng tồn tại không ít những rủi ro so với đi chùa trực tiếp.

Nói về ý nghĩa và bản chất của việc đi lễ chùa online, thầy Minh cho rằng việc thực hành các nghi thức online không làm mất đi các giá trị văn hoá. Bởi “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, tâm linh là vấn đề tự thân.

“Tuy nhiên, hiện nay có một số cá nhân lợi dụng các hình thức lễ chùa online để trục lợi. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến giá trị của Phật Giáo trong tâm thức của người xưa, làm mất đi những tôn nghiêm vốn có của nhà chùa”, thầy Minh nêu mặt trái.

Theo thầy Thích Tuệ Minh, những cá nhân có hành vi trục lợi từ tâm linh đều là những người xấu, họ chắc chắn sẽ phải gánh chịu quả báo. Bởi lẽ, việc tâm linh không thể mang ra để đùa giỡn huống hồ là lợi dụng tâm linh để trục lợi.

“Không riêng gì tâm linh, bất cứ việc gì trên cuộc đời này, lợi dụng vào điều tốt, việc tốt để trục lợi, lừa đảo, dối gạt, tham nhũng, cướp đoạt... tất cả đều trái với nguyên tắc làm một con người tốt”, thầy Thích Tuệ Minh cho hay.

TS Lưu Hồng Minh.

Trước những biểu hiện lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, khiến cho hoạt động tâm linh đang ngày một trở nên xô bồ, phản cảm, TS Lưu Hồng Minh - chuyên gia văn hóa cho biết, tình trạng trục lợi từ tâm linh đã tồn tại suốt nhiều năm nay.

“Việc đi lễ chùa online là một hình thức để thích nghi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Về bản chất là hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ thông tin vào việc đi lễ chùa, đồng nghĩa với việc sẽ có những “lỗ hổng” cho các đối tượng xấu trục lợi.

Chính vì vậy sẽ làm ảnh hưởng đến nét đẹp của văn hóa đi chùa từ ngàn năm nay của người Việt. Vốn dĩ, hành vi trục lợi từ tâm linh không phải chỉ đến khi hình thức đi lễ chùa online mới xuất hiện mà đã tồn tại trong suốt nhiều năm nay”, TS Lưu Hồng Minh nhận định.

"Từ lâu, văn hóa đi lễ chùa đã hình thành trong nếp sống của người Việt. Chính vì vậy, cần kiểm soát, nhìn nhận và đưa ra phương hướng giải quyết đúng đắn để nét đẹp này được gìn giữ và phát huy", TS Lưu Hồng Minh bày tỏ.

Cũng theo đánh giá của TS Lưu Hồng Minh, hình thức đi chùa online ngày nay trở nên phổ biến hơn, các trang web không có nguồn chính thống xuất hiện tràn lan, tạp nham là cơ hội cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi trục lợi.

“Bên cạnh những mặt thuận tiện, hình thức đi lễ chùa online đang bộc lộ nhiều lỗ hổng cần phải kiểm soát, để hạn chế những điều tiêu cực, làm đẹp hơn nét văn hóa truyền thống từ bao lâu nay”, TS Lưu Hồng Minh khẳng định.

Đưa ra một vài biện pháp nhầm chấn chỉnh lại tình trạng đi lễ chùa online, TS Lưu Hồng Minh cho rằng, cần tăng cường kiểm soát luật an ninh mạng, siết chặt hơn nữa các quy định về an ninh để các đối tượng xấu không còn cơ hội ra tay.

“Bên cạnh đó, Nhà nước, các cá nhân liên quan cũng cần phải lên tiếng tố giác những hành vi trục lợi từ tâm linh, tránh tình trạng bao che, dẫn đến tràn lan những điều xấu, những việc làm trái với đạo đức xuất hiện trong văn hóa tâm linh - văn hóa lễ chùa của người Việt”, TS Lưu Hồng Minh nhìn nhận.

Hoàng Vân