Trang bị kỹ năng cần thiết khi học sinh đến trường
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành Hà Nội sẽ chính thức đi học trở lại từ 21/2. Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa dạy học hiệu quả của các nhà trường, mỗi phụ huynh cũng cần trang bị cho con em mình những kỹ năng cần thiết…
Chuẩn bị tâm lý, trang bị kỹ năng cần thiết
Hà Nội đã lần lượt cho từng nhóm đối tượng học sinh (HS) trở lại trường theo thứ tự HS 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trước, HS khu vực nội thành đi học sau. Như vậy, từ thời điểm 21/2, toàn bộ HS từ lớp 1 đến 12 của Hà Nội được đi học trực tiếp, kết thúc những ngày gắn bó với máy tính, điện thoại, giao tiếp với thầy cô, bạn bè qua không gian ảo. Niềm hạnh phúc là không thể diễn tả.
Chị Mai Ngọc Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết từ năm học này, cả nhà chuyển từ Hoài Đức về ở cùng với ông bà nội ở Cầu Giấy. Con trai chuyển trường nhưng chưa hề biết mặt các bạn mới, thấy bạn ở trường cũ được đi học rồi thì tiếc nuối bảo, nếu không phải chuyển trường thì con đã được đến trường học trực tiếp.
“Con biết sắp được đi học thì vui như cá gặp nước. Chỉ có một khó khăn nhỏ là trường cách nhà 1,5 km, hai ông cháu sẽ cùng đi bộ về, hơi vất vả nếu trời mưa” - chị Linh tâm sự và khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào lộ trình đi học đã được các cấp lãnh đạo, các ban ngành của thành phố tính toán kỹ càng, chuẩn bị đầy đủ để đưa các con trở lại trường.
Trong tình huống có F0, F1 tại trường, các trường chắc chắn cũng sẽ không bị lúng túng vì chỉ đạo, hướng dẫn đã có, kinh nghiệm diễn tập cũng như thời gian qua nhiều trường đã từng xảy ra tình huống này. Trách nhiệm của gia đình là chuẩn bị tâm lý cho con sau 10 tháng học trực tuyến, khi đến trường chắc chắn có nhiều bỡ ngỡ.
Mặc dù con rất vui nhưng do đã quen với thời khóa biểu học trực tuyến, dậy trễ nên hai mẹ con đã trò chuyện và thống nhất lại thời gian biểu sinh hoạt, lên kế hoạch học tập cụ thể khi đến trường và ở nhà. Chị Linh cũng trao đổi kỹ với cô giáo trước để biết những quy định ở trường mới, các lưu ý khi con đến trường để dặn dò con trước.
Theo các chuyên gia giáo dục, bên cạnh niềm vui, một số trẻ cảm thấy lo lắng khi phải đi học trực tiếp vì đã học trực tuyến một thời gian dài nên cha mẹ cần khéo léo quan sát, giúp con tìm lại hứng khởi từ những câu chuyện vui ở trường học, về những kiến thức hay và cả những người bạn thân của con ở trường. Đặc biệt là tâm lý lo sợ nếu có bạn là F0 hoặc chính trẻ trở thành F0 do lây bệnh ở trường, con cũng không cần hoảng sợ, lo lắng mà cứ bình tĩnh thông báo với cô giáo chủ nhiệm, cách ly y tế, theo dõi sức khỏe đến khi người nhà đón về.
Vừa qua nhiều trường đã thông báo với phụ huynh về việc chủ động xét nghiệm Covid-19 ở nhà trước khi đi học trực tiếp. Đây cũng là một trong những giải pháp để kiểm tra sức khỏe của mình và người thân, có thể thực hiện hàng tuần hoặc khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở… ngay khi ở trường, ở nhà.
Mặc dù các trường đều tổ chức đo thân nhiệt cho HS trước khi trẻ vào trường học song về phía phụ huynh có thể chủ động đo nhiệt độ cho HS tại nhà, nếu thấy sốt nên cho con ở nhà để theo dõi, xử lý. Trong trường hợp con là F1 cũng cần phải nghỉ học theo dõi 3 ngày và khi có xét nghiệm âm tính mới để con trở lại trường học trực tiếp để đảm bảo an toàn.
Giữ kết nối thường xuyên với giáo viên, nhà trường
Cũng như các khối lớp khác, Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức bán trú, chỉ dạy trực tiếp 1 buổi/ngày đối với HS đi học từ 21/2. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, khi 1,6 triệu HS trở lại trường, số trẻ nhiễm bệnh có thể tăng lên do thực tế, trẻ em khó thực hiện giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn HS khi đến trường thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch.
TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết Covid-19 là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em không có sự khác biệt với người lớn. Tại Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp trẻ em mắc bệnh, kể cả từ lứa tuổi sơ sinh.
Theo đó, phần lớn trường hợp trẻ mắc Covid-19 biểu hiện các triệu chứng nhiễm virus như: sốt, ho, sổ mũi, mệt... một số trường hợp có kèm theo vấn đề viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Vì vậy, các gia đình hãy tăng cường đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng, tập luyện, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mạn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập… bởi mùa này trẻ cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp.
“Các bậc phụ huynh có trẻ 5-11 tuổi hãy cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế” - BS Nam khuyến cáo.
Để trẻ có một kỳ học an toàn và khỏe mạnh, các gia đình cần thường xuyên kết nối với nhà trường, giáo viên để có những thông tin kịp thời nhất. Trong đó, cần thường xuyên cập nhật sức khỏe của trẻ, gia đình và giáo viên, các bạn học khác của trẻ để có phương án chủ động cho mình và gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, việc chủ động tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 là điều bất cứ phụ huynh nào cũng cần nghiêm túc thực hiện và hướng dẫn con em mình, bao gồm thực hiện 5K, “một cung đường hai điểm đến”, chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho con như bình uống nước, khẩu trang mang đến trường, nhắc nhở con không dùng chung đồ với bạn… Trong đó, 5K là kim chỉ nam để đảm bảo an toàn cho trẻ và bạn bè của mình.