Thanh Hóa: Doanh nghiệp khai thác đất trái phép
Được tỉnh Thanh Hóa giao giám sát việc thực hiện tận thu đất thừa của Công ty TNHH Xây dựng và Khai khoáng Nguyễn Trọng nhưng UBND xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã thiếu trách nhiệm, để doanh nghiệp tự ý khai thác quá trữ lượng, vượt mốc giới, đưa đất ra ngoài khu vực được cấp phép…
Khai thác vượt trữ lượng, quá mốc giới
Theo tìm hiểu, ngày 30/7/2021, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký công văn số 11151 cho phép Công ty TNHH Xây dựng và Khai khoáng Nguyễn Trọng (DN Nguyễn Trọng) được phép tận thu, vận chuyển khoảng 4.795 m3 đất thừa trong quá trình nạo vét ao nuôi trồng thủy sản tại thôn Trung Chính, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy để làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình trên địa bàn, với thời gian thực hiện 180 ngày kể từ ngày văn bản được ký ban hành.
Quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu DN Nguyễn Trọng thực hiện đúng theo hồ sơ, phương án được chấp thuận, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện việc tận thu, vận chuyển khối lượng đất thừa nêu trên.
UBND huyện Cẩm Thủy có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn và UBND xã Cẩm Châu giám sát quá trình thực hiện của đơn vị theo đúng phương án được duyệt, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại địa phương theo quy định.
Được biết, sau khi có giấy phép, DN Nguyễn Trọng đã ngay lập tức cho máy móc, xe cộ rầm rộ vào múc đất. Trong 5 tháng qua, doanh nghiệp đã cho máy múc cùng hàng đoàn xe có tải trọng lớn đến lấy đất, quá trình thực hiện đã xới tung một khu vực có diện tích gần 3.000m2.
Qua quan sát thực tế và đối chiếu với giấy phép DN Nguyễn Trọng được cấp, chúng tôi nhận thấy khu vực bị khai thác đã vượt ra khỏi diện tích nạo vét ao nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại, điểm múc đất xa nhất đã kéo dài ra tới tận ruộng lúa của người dân, có dấu hiệu khai thác quá mốc giới nghiêm trọng.
Nếu không biết trước đây là điểm tận thu nhỏ lẻ, có lẽ, khi nhìn cảnh tượng khai thác, nhiều người sẽ nghĩ ngay đây là một mỏ đất lớn.
Chiếu theo giấy phép, DN Nguyễn Trọng chỉ được tận thu 4.795 m3 đất thừa để làm vật liệu phục vụ san lấp trên địa bàn nhưng thực tế diễn ra lại khác. Bằng trực quan, có thể nhận diện số lượng đất bị mang đi đã lên tới vài chục nghìn mét khối.
Nghiêm trọng hơn, số lượng đất này được chở đi trên các xe tải (Biển kiểm soát các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình) và được đưa về tại chính 2 tỉnh này để tiêu thụ chứ không phục vụ san lấp trên địa bàn như trong giấy phép được cấp.
Nói về đoàn xe quá khổ, quá tải đến lấy đất trên địa bàn, ông Ngô Xuân Chỉnh (trú thôn Trung Chính) cho biết: “Ngày cũng như đêm, hàng đoàn xe tải cứ nối đuôi nhau vào lấy đất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước khi có điểm tận thu này, con đường từ thôn Trung Chính dẫn ra đường mòn Hồ Chí Minh còn rất mới và bền.
Tuy nhiên bị đoàn xe chở đất suốt 5 tháng nên giờ nó xuống cấp thê thảm, “ổ voi ổ gà” trải khắp trên 1km đường. Nhiều đêm, đoàn xe vào lấy đất, réo còi inh tai khiến bà con không ngủ được. Chúng tôi cũng báo lên chính quyền rồi, nhưng họ không có biện pháp ngăn chặn”.
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý?
Trao đổi với ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu về vấn đề DN Nguyễn Trọng có dấu hiệu khai thác quá mốc giới, vượt trữ lượng nghiêm trọng, ông Lăng trả lời thiếu trách nhiệm: “Việc này xã không nắm được? Ngoài ra, chính quyền địa phương không có chuyên môn trong việc xác định trữ lượng khai thác khoáng sản nên không biết DN Nguyễn Trọng có vi phạm hay không!”.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy, ông Hiệp cho biết: Sau khi nhận được phản ánh, Phòng sẽ cho anh em xuống phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ những thông tin về điểm tận thu của DN Nguyễn Trọng.
Nhưng, khi cuộc điện thoại giữa chúng tôi và ông Hiệp vừa kết thúc, một số điện thoại lạ gọi đến tự xưng tên Hảo (ông Nguyễn Thế Hảo) - Giám đốc DN Nguyễn Trọng, bày tỏ muốn gặp gỡ để nói chuyện. Qua điện thoại, ông Hảo thừa nhận: “Nói về mặt quản lý Nhà nước thì anh cũng đang được tạo điều kiện, và đa phần khối lượng tận thu ở ao trong giấy phép là bùn. Ngay bên cạnh ao là một cái đồi người ta trồng mía, về thủ tục thì anh cũng xin phép chính quyền địa phương. Đúng là chỗ đó không được phép khai thác nhưng xã họ cũng giám sát với quan tâm nên bên anh vẫn triển khai làm”.
Đối với việc đưa đất ra khỏi địa bàn, ông Hảo cho biết: Thực trạng trên là có. Ngoài ra, ông Hảo còn cho biết thêm: Tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xin tỉnh gia hạn thêm từ 45-60 ngày đối với điểm tận thu trên?
Một điểm tận thu đất ở quy mô nhỏ nhưng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quá trình khai thác. Chính quyền từ xã tới huyện khi được hỏi đều tỏ ra bàng quan, không hay biết chuyện gì. Liệu, đây là dấu hiệu làm ngơ, bao che cho sai phạm của doanh nghiệp hay chính quyền xã đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trên địa bàn?.
Về việc này, đề nghị ngành chức năng liên quan của tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Cẩm Thủy cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, kiểm tra, làm rõ và xử lý các sai phạm (nếu có) trong việc lợi dụng dự án tận thu để khai thác đất trái phép của DN Nguyễn Trọng. Từ kết quả kiểm tra, đề nghị tỉnh Thanh Hóa làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đã làm ngơ, buông lỏng quản lý, để mặc cho doanh nghiệp móc ruột tài nguyên, phá hoại tài sản Nhà nước.