Tự khâu miệng với hy vọng được đặt chân tới đất Mỹ
Hàng chục người di cư không có giấy tờ tại biên giới phía Nam của Mexico đã tự vá miệng trong nỗ lực gây sức ép chính quyền cho phép họ tới biên giới Mỹ.
Nhóm người di cư, chủ yếu đến từ Trung và Nam Mỹ, hôm 15/2 tập trung ở thành phố Tapachula, phía nam Mexico, giúp nhau tự khâu miệng bằng kim và chỉ cứng, chỉ để lại một khoảng trống nhỏ đủ uống nước hoặc nạp chất lỏng. Họ tự dùng cồn thấm máu vết khâu trên miệng.
“Những người di cư đó khâu miệng như một hình thức phản đối. Chúng tôi mong Cơ quan Di cư Quốc gia Mexico có thể thấy họ đang chảy máu, thấy rằng họ cũng là con người”, Irineo Mujica, một nhà hoạt động có mặt tại sự kiện ở biên giới phía nam Mexico, nói.
Nhiều người đem theo con nhỏ khi tổ chức "biểu tình khâu miệng" nhằm gây sức ép với giới chức thành phố Tapachula, nơi hàng nghìn người di cư chờ đợi suốt nhiều tháng qua để được cấp giấy tờ giúp họ đi qua Mexico, tới biên giới Mỹ ở phía bắc.
"Tôi làm điều này vì con gái. Con bé không ăn gì suốt nhiều giờ và tôi không thấy giới chức có biện pháp nào. Chúng tôi như những tù nhân ở đây", Yorgelis Rivera, người di cư đến từ Venezuela, nói.
Rivera cho biết thêm cô đã chờ phản hồi từ cơ quan di trú Mexico (INM) trong hơn một tháng nhưng vẫn chưa có kết quả.
Cơ quan di cư của Mexico (INM) ra thông cáo công khai nhấn mạnh, điều đáng lo ngại là những biện pháp này đã được thực hiện với sự đồng ý và ủng hộ của những người tự xưng là đại diện của người di cư, với ý định gây sức ép để giới chức chú ý.
INM chưa bình luận về hành động khâu miệng gây sức ép của nhóm người di cư, song cho biết họ nhận được hơn một trăm đơn xin cấp giấy tờ từ người di cư mỗi ngày.
Những năm gần đây, lượng người di cư từ Trung và Nam Mỹ tới Mexico để tìm đường vào Mỹ đã tăng vọt. Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) gần đây cho biết Mexico nên thay đổi yêu cầu về visa với lượng người di cư kéo tới nước này ngày càng tăng.
Lượng người di cư ở Mexico được UNHCR mô tả là "chưa từng có" khi gần một triệu người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa vì thiếu cơ hội việc làm, bạo lực băng đảng… Theo số liệu của UNHCR, tính đến tháng 11/2021, hơn 84 triệu người trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa.