Từ 18/2, có thể dùng giấy khai sinh, giấy kết hôn bản điện tử đi làm thủ tục hành chính
Theo Thông tư 01/2022 của Bộ Tư pháp, có thể sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho bản giấy.
Có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch; mã QR trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó.
Để có được bản điện tử này người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh đăng ký tài khoản và xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác...
Trước đó, các loại giấy tờ hộ tịch điện tử đã được quy định trong Nghị định số 87/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28.7.2020, quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Khi các loại giấy tờ hộ tịch điện tử vào hoạt động, mọi thủ tục trước đây yêu cầu giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn như nhập học đầu cấp, xác thực thông tin hành khách trẻ em đi máy bay, thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… sẽ có thể dễ dàng xác thực thông qua mã QR trên các loại giấy tờ điện tử nói trên.
Thông tư 01/2022/TT-BTP cũng đính kèm biểu mẫu điện tử của các loại giấy tờ hộ tịch đã được Bộ Tư pháp ban hành và dưới đây là một số mẫu.